Khó có thể nêu hết những gì mà khoa học Việt Nam đạt được trong một năm đặc biệt như năm 2020.
Tuy vậy, trên cơ sở tham khảo ý kiến các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, báo KH&PT đã lựa chọn được năm sự kiện khoa học mà khi soi vào đó, chúng ta có thể thấy được vai trò và đóng góp của KH&CN trong việc đưa ra những giải pháp thiết thực cho đất nước.
1. Phát triển thành công bộ kit test thử nghiệm virus Covid-19 và nằm trong 40 nước đầu tiên có vaccine trong giai đoạn đoạn thử nghiệm lâm sàng
Bộ kit test do Học viện Quân Y nghiên cứu và phát triển, công bố vào 5/3/2020 vào thời điểm Việt Nam mới có chưa đầy 20 ca bệnh. Ngay sau đó, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã tiếp nhận để sản xuất với công suất 10 nghìn bộ kit một ngày. Bộ kit sử dụng công nghệ real time RT-PCR (kết hợp giữa hai công nghệ real time PCR và RT-PCR) được cho là công nghệ phổ biến và chính xác nhất hiện nay. Độ nhạy của bộ kit Việt Nam là phát hiện được từ 3, 2 RNA copy của virus trở lên trên một micro lít bệnh phẩm với độ chính xác 100%, tương đương với các sinh phẩm được WHO khuyến cáo. Việc chủ động sản xuất được bộ test kit có vai trò thiết yếu trong công tác kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam.
Thành quả bất ngờ hơn trong cuộc phòng chống dịch vừa rồi là Việt Nam có vaccine được đưa vào thử nghiệm lâm sàng vào ngày 17/12 vừa qua – Nanocovax, vaccine do công ty Nanogen nghiên cứu và sản xuất bằng công nghệ dựa trên protein, một công nghệ mới nhưng đã được chứng minh tính hiệu quả ở một số vaccine như vaccine phòng viêm gan B, vaccie cúm mùa và vaccine phòng HPV. Trong bối cảnh hiện hữu sự bất bình đẳng về phân phối vaccine trên thế giới, nếu Việt Nam chủ động được vaccine Covid-19 sẽ là một thành công lớn trong công tác phòng chống dịch của cả nước.
Hai kết quả nói trên xuất phát từ một quá trình dài nghiên cứu và đầu tư bền bỉ, tích đủ nguồn lực thì mới có thể đóng góp tức thời khi khủng hoảng xảy ra. Ít người biết rằng Học viện Quân Y phát triển bộ kit này trong vòng chưa đầy hai tuần bởi cách đó không lâu, vì “phản xạ tự nhiên” của nhà khoa học mà họ đã chế tạo được bộ kit phát hiện virus Ebola với cơ chế tương tự. Công ty Việt Á, cho rằng bộ kit lần này không khó, bởi họ cũng đã có 10 năm nghiên cứu và sản xuất một loạt các bộ kit phát hiện virus phức tạp hơn trên người và cho thú y, thủy sản. Còn Nanogen đã có 20 năm sản xuất thuốc và các sinh phẩm theo công nghệ tái tổ hợp protein. Điều này một lần nữa gợi nhắc chính phủ, việc đầu tư cho khoa học cần sự dài hạn, chấp nhận rủi ro thì mới có thể nhìn thấy “lãi” trong tương lai.
2. Sự nhập cuộc đầu tư cho KH&CN của khu vực tư nhân
Môi trường KH&CN của Việt Nam ngày một có nhiều thay đổi khi có sự nhập cuộc của khối tư nhân trong đầu tư cho KH&CN, thậm chí cả khoa học cơ bản. Sau Quỹ Đổi mới sáng tạo Phenikaa và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup vào năm 2019, năm 2020 đã chứng kiến màn ra mắt của VINFuture, một giải thưởng quy tụ rất nhiều nhà khoa học xuất sắc trên thế giới trong Hội đồng giải thưởng.
Rõ ràng trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho KH&CN còn hạn hẹp và những cơ chế tài chính chưa thật sự thông thoáng như kỳ vọng, sự nhập cuộc của khu vực tư nhân khiến cho bức tranh KH&CN Việt Nam có thêm nhiều gam màu tươi sáng. Cả hai Quỹ ĐMST Phenikaa và Quỹ ĐMST Vingroup đều hướng đến mục tiêu đồng hành cùng nhà nước, tài trợ các đề tài nghiên cứu cơ bản, ưu tiên những nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng phát triển kết quả nghiên cứu thành công nghệ, thành lập các startup công nghệ, đầu tư cho con người hoặc tài trợ những giải thưởng để khuyến khích các hoạt động KH&CN.
Sẽ còn rất nhiều thời gian, có thể là năm đến 10 năm, để đánh giá một cách chính xác hiệu quả đầu tư của những hoạt động tài trợ KH&CN từ khối tư nhân nhưng những ấn tượng ban đầu về các hoạt động như vậy đã trở thành niềm động viên khích lệ các nhà khoa học Việt Nam và tạo điều kiện cho họ tiếp cận nhiều nguồn lực đầu tư, qua đó có thể đem lại nhiều sản phẩm có ích cho xã hội – điều mà từ rất nhiều năm qua, họ thực sự trăn trở và mong muốn thực hiện.
3. Những bước tiến trong nghiên cứu hệ gene người Việt
Đại dịch Covid-19 không chỉ đặt ra nhiều câu hỏi về cơ chế lây nhiễm, khả năng miễn dịch… cho giới khoa học Việt Nam mà còn đưa ra viễn cảnh rộng lớn hơn: để ngăn ngừa, kiểm soát các loại dịch bệnh hiệu quả trong tương lai, chúng ta không thể bỏ qua hệ gene người Việt. Công việc như vậy đã được Viện Nghiên cứu Hệ gene (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) thực hiện một cách bài bản từ năm năm nay, không chỉ về một số đột biến gene liên quan đến ung thư, xây dựng được các bộ chỉ thị dùng trong chẩn đoán ung thư, đặc biệt trong điều trị hướng đích, chẩn đoán sàng lọc trước sinh… mà còn những nghiên cứu rất cơ bản về hệ gene người Việt như đa dạng di truyền hệ gene ở người Việt Nam thông qua những đề tài cấp nhà nước “Giải trình tự và xây dựng hoàn chỉnh hệ gene người Việt Nam đầu tiên làm ‘trình tự tham chiếu’ và bước đầu phân tích nhân chủng học tiến hóa người Việt Nam”.
Hướng nghiên cứu rất ý nghĩa này không chỉ thu hút các viện nghiên cứu công lập như Viện Nghiên cứu Hệ gene, Viện Công nghệ sinh học… mà còn cả tập đoàn tư nhân như Viện VinBigdata với dự án Giải trình tự hệ gene 1.000 người Việt hứa hẹn góp phần đem lại một cơ sở dữ liệu gene với 1.200 tetrabyte từ 5000 mẫu sinh học, cho phép tìm kiếm thông tin di truyền của người Việt.
Với những nỗ lực đó, Việt Nam đang có cơ hội nắm bắt các hướng nghiên cứu rất hiện đại của thế giới cũng như đứng trước cơ hội đạt được những mục tiêu xa hơn như phát triển y học chính xác (precision medicine) giống như cách thức nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đang triển khai.
4. Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cung cấp đủ dược chất phóng xạ trong đại dịch
Năm 2020 đưa ra nhiều thách thức cho lĩnh vực y học hạt nhân, thứ nhất đại dịch Covid-19 khiến các chuyến bay thương mại vào Việt Nam bị dừng lại, việc vận chuyển dược chất phóng xạ nhập khẩu bị gián đoạn; thứ hai, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Viện NLNTVN) – một nguồn cung dược chất phóng xạ chủ yếu trong nước, phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn GMP WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc) mới được phép cung cấp cho các bệnh viện, cơ sở điều trị ung thư.
Trong bối cảnh đó, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã đầu tư 14 tỷ đồng từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Viện để gấp rút nâng cấp dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP. Tính hết năm 2020, lò phản ứng duy nhất của Việt Nam đã vận hành gần 4300 giờ, tăng 48% so với năm 2019 (gấp 3 lần so với trung bình trong giai đoạn 2010-2019) để sản xuất dược chất phóng xạ, đáp ứng nhu cầu (80-100%, thời điểm Quý II đáp ứng 100%), qua đó cung cấp hơn 1.300 Ci các loại đồng vị phóng xạ, xuất khẩu được 6,0 Ci sang Campuchia. Để đạt được kết quả này, đội ngũ cán bộ vận hành lò đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phân tích và tính toán lại, đưa ra các quy trình sản xuất đồng vị mới hiệu quả hơn. Kết quả vận hành lò liên tục để sản xuất dược chất đáp ứng nhu cầu trong nước cũng là kết quả cao nhất từ trước đến nay, kể từ khi bắt đầu vận hành lại lò Đà Lạt ngày 20/3/1984.
5. Bãi cọc Cao Quỳ với chiến trận Bạch Đằng lịch sử
Phát hiện về bãi cọc Cao Quỳ ở Thủy Nguyên, Hải Phòng là chủ đề nóng và thu hút nhiều ý kiến thảo luận trong năm 2020 của ngành khảo cổ học, không chỉ bởi giá trị khoa học của nó – nếu được chứng minh đầy đủ thì đây rất có thể là một chứng tích về trận chiến trên sông Bạch Đằng lịch sử của quân dân nhà Trần, mà còn bởi quyết tâm bảo tồn và xây dựng khu di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước vào khoảng 30ha từ tháng 5/2020 của UBND TP Hải Phòng.
Bắt đầu thực hiện từ tháng 11/2019 với sự hỗ trợ của Bảo tàng Hải Phòng, hai cuộc khai quật của nhóm TS. Bùi Văn Hiếu, TS. Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) tại Cao Quỳ đã gây tiếng vang lớn khi phát hiện được 37 cọc gỗ, với 2 cụm gỗ và 22 hố cọc, 4 hố đất đen. Các xét nghiệm đồng vị phóng xạ C-14 thực hiện tại Hà Nội cho thấy kết quả niên đại là khoảng từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV.
Nghiên cứu về bãi cọc Cao Quỳ nằm trong chuỗi nỗ lực tìm kiếm bằng chứng đầy đủ về thế trận rộng lớn bên sông Bạch Đằng suốt từ những năm 1960 đến nay. Nếu được xác nhận, phát hiện ở Cao Quỳ sẽ làm mở rộng số di tích cọc hiện có lên bốn di tích (trước đây đã phát hiện ba bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Mả Ngựa ở Quảng Yên, Quảng Ninh giúp ngăn đổ bộ lên bờ hoặc chặn đường rút lui của quân Nguyên). Khoảng cách từ bãi Cao Quỳ đến các bãi cọc còn lại gợi ý đây có thể là trận địa nhằm buộc thủy quân Nguyên đi vào bẫy giăng sẵn ở dưới xuôi.
Vẫn có những ý kiến cho rằng cần hết sức cẩn trọng, đánh giá kỹ lưỡng trước khi đi đến kết luận cuối cùng về vai trò của bãi cọc Cao Quỳ với chiến thắng Bạch Đằng. Ngay trong hội nghị thông báo các kết quả mới của ngành Khảo cổ học vào tháng 9/2020, một số nhà khoa học trong và ngoài Viện Khảo cổ học cho rằng cần phải hết sức thận trọng, không vội vàng kết luận về trường hợp này. Do đó trong thời gian tới phải có những nghiên cứu đa ngành liên quan đến địa chất, địa mạo để nắm rõ bãi cọc này ở mốc thời gian nào trong lịch sử dân tộc.