Trong giai đoạn 1986-2008, xuất bản quốc tế hầu như không tồn tại trong giới học thuật Việt Nam, ngoại trừ ngành Toán.

Kể từ năm 2008, sự xuất hiện của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã thúc đẩy quá trình xuất bản quốc tế; đồng thời, việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của xuất bản quốc tế cũng là bàn đạp cho năng suất xuất bản sau này.

Ảnh: PV
Ảnh: PV

Nhóm tác giả do Nguyễn Thị Thu Hà (Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học KHXH&NV Hà Nội) đứng đầu đã tiến hành một nghiên cứu nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan và có hệ thống về sự phát triển của ngành xuất bản quốc tế tại Việt Nam cho đến nay.

Nghiên cứu có tên The adoption of international publishing within Vietnamese academia from 1986 to 2020: A review (tạm dịch: Hội nhập công bố quốc tế trong cộng đồng học thuật Việt Nam giai đoạn 1986-2020) và mới đây đã được xuất bản trên tạp chí Learned Publishing [JIF = 2.606; CiteScore = 4.2].

Bài viết chia xuất bản quốc tế của giới học thuật Việt Nam ra làm 3 giai đoạn chính.

Giai đoạn đầu (từ sau Đổi mới 1986 - 2008): Giai đoạn này công bố quốc tế gần như không tồn tại do những khó khăn ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực học thuật. Thâm hụt tài chính đã khiến nhiều trường đại học phải đối mặt với thách thức chưa từng có, thậm chí để duy trì hoạt động giảng dạy cũng khó khăn. Ở giai đoạn này, xuất bản quốc tế không được đề cập ở trong chính sách học thuật cấp quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian này, xuất bản quốc tế vẫn được một số cộng đồng nhỏ các học giả, đặc biệt là các nhà toán học thừa nhận và sử dụng.

Giai đoạn thứ 2 (từ năm 2008-2017): Sự ra đời của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) là nỗ lực đầu tiên của Chính phủ nhằm kết hợp xuất bản quốc tế vào một hệ thống tài trợ nghiên cứu cạnh tranh dựa trên đầu ra. Cùng với cột mốc quan trọng này, giai đoạn thứ hai cũng cho thấy xu hướng gia tăng xuất bản quốc tế trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông khoa học.

Giai đoạn thứ 3 (từ năm 2017 đến nay): Đây chính là giai đoạn phát triển nhất với mốc gần đây là hai quy định được cải cách về đào tạo tiến sĩ và bổ nhiệm chức danh trong năm 2017 và 2018. Công bố quốc tế trở thành tiêu chuẩn bắt buộc đối với (1) nghiên cứu sinh và người giám sát của họ và (2) bổ nhiệm giáo sư và phó giáo sư. Cũng chính vì thế mà số lượng nghiên cứu sinh nhập học tại các trường đại học giảm đáng kể. Ví dụ, số lượng nghiên cứu sinh đăng kí vào Trường Đại học Kinh tế Quốc giảm mạnh từ 130 trong năm 2016 xuống chỉ còn 20 vào năm 2017. Tuy nhiên, giai đoạn thứ 3 đã đem lại tác động đáng kể nhất, vì nó bao gồm toàn bộ giới học thuật, từ các nhà nghiên cứu trẻ (các ứng viên tiến sĩ) cho đến các nhà nghiên cứu lâu năm.

Giai đoạn này cũng đã đề cập đến việc sử dụng xuất bản quốc tế trong tuyển dụng và phần thưởng dựa trên đầu ra ở một số trường đại học. Nhờ những chiến lược nhấn mạnh vào xuất bản quốc tế, chẳng hạn như thành lập các nhóm nghiên cứu thu hút các nhà nghiên cứu có năng suất cao, hay thưởng tiền mặt cho mỗi bài báo được chỉ mục hóa trong CSDL Web of Science/Scopus, một số trường đại học ở Việt Nam đã nâng cao vị trí của mình trong bảng xếp hạng đại học thế giới.

Sau gần ba thập kỷ tham gia vào cộng đồng học thuật, một số cá nhân và khu vực tư nhân ở Việt Nam bắt đầu đưa ra các ý tưởng hỗ trợ xuất bản quốc tế tại Việt Nam. Nhiều dự án xuất hiện như dự án phi lợi nhuận Scientometrics for Vietnam (S4VN) do 3 nghiên cứu sinh ở Đài Loan khởi xướng, nhằm cung cấp thông tin về các kết quả nghiên cứu của Việt Nam dựa trên cơ sở dữ liệu Web of Science. Một dự án khác - VCGate - của nhóm nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Hà Nội, ra đời vào năm 2016, là nguồn cơ sở dữ liệu đầu tiên kết nối và lập chỉ mục 66 tạp chí trong nước từ năm 2006 đến nay. Sự tham gia của khu vực tư nhân cũng đáng được đề cập; trong đó nổi bật nhất là cơ sở dữ liệu SSHPA, một dự án do công ty tư nhân Vương và Cộng sự tiến hành từ năm 2017 nhằm cung cấp thông tin về các ấn phẩm khoa học xã hội và nhân văn được lập chỉ mục của các tác giả Việt Nam và đồng nghiệp quốc tế. Đến ngày 26/1/2021, SSHPA đã thu thập dữ liệu từ hơn 2.889 nhà nghiên cứu Việt Nam và đồng tác giả nước ngoài và hơn 4.708 bài báo được lập chỉ mục ISI/Scopus.

Nhìn chung, xuất bản quốc tế là một công cụ hiệu quả trong giao tiếp khoa học, có thể cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau trong khu vực học thuật và giữa khu vực học thuật với các bên liên quan khác - bao gồm chính phủ, ngành công nghiệp và công chúng. Tuy nhiên, quá trình quốc tế hóa xuất bản học thuật ở Việt Nam cho đến nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào việc đếm số lượng các ấn phẩm được lập chỉ mục của Web of Science/Scopus. Do đó, cần sử dụng thêm nhiều thước đo để có một cái nhìn toàn diện hơn về chất lượng và kết quả nghiên cứu quốc tế.