He Jiankui xuất hiện trước công chúng để công bố kế hoạch nghiên cứu mới, nhưng từ chối thảo luận các vấn đề an toàn và đạo đức xung quanh thử nghiệm tạo ra đứa trẻ chỉnh sửa gen đầu tiên mà ông thực hiện vào năm 2018.

Vào ngày 11/2, He đã phát biểu tại một sự kiện trực tiếp và trực tuyến về đạo đức sinh học.

He Jiankui, ra tù năm ngoái, đã từ chối trả lời các câu hỏi về các thí nghiệm chỉnh sửa bộ gen mà ông thực hiện, trong khi công bố kế hoạch nghiên cứu mới.

Sự kiện do BioGovernance Commons tổ chức với sự tham dự trực tuyến của hơn 80 nhà nghiên cứu từ 13 quốc gia. He cùng với khoảng 20 học giả và sinh viên có mặt trực tiếp tại một địa điểm ở Vũ Hán. Đây là “lần đầu tiên He đồng ý tương tác với các nhà đạo đức sinh học Trung Quốc và các nhà khoa học CRISPR khác trong một sự kiện công khai,” theo ban tổ chức.

Trong bài thuyết trình dài 25 phút, He mô tả kế hoạch phát triển một loại thuốc chỉnh sửa gen cho những người mắc chứng DMD, và đang gây quỹ từ các tổ chức từ thiện. He cho biết ông không nhận đầu tư từ các tổ chức thương mại để đảm bảo rằng các liệu pháp mà tổ chức của ông phát triển có giá cả phải chăng, và sẽ có một ủy ban đạo đức quốc tế giám sát việc phát triển thuốc.

“Nghiên cứu khoa học phải chịu sự ràng buộc của đạo đức và luân lý”, He kết thúc bài thuyết trình. Nhưng ông1 từ chối thảo luận các vấn đề an toàn và đạo đức xung quanh thử nghiệm năm 2018 đã khiến ông phải ngồi tù 3 năm, và nói mọi người hãy email câu hỏi. Thay vào đó, ông dành phần lớn thời gian để mô tả những điều cơ bản của công nghệ chỉnh sửa bộ gen và ứng dụng của nó trong nông nghiệp, bệnh truyền nhiễm, chẩn đoán và sức khỏe con người.

“Điều này gần giống với việc xúc phạm những người tổ chức hội nghị và những người tham gia vì đã làm mọi người tốn thời gian bằng những chi tiết và thông tin không liên quan", Françoise Baylis, nhà đạo đức sinh học và giáo sư danh dự tại Đại học Dalhousie ở Canada, nói.

Vài giờ trước sự kiện, He đăng trên trang cá nhân rằng ông không thoải mái khi thảo luận về nghiên cứu trước đây của mình. “Tôi cảm thấy mình chưa sẵn sàng để nói về trải nghiệm của mình trong 3 năm qua.” He cũng thông báo ông sẽ không trả lởi phỏng vấn với chuyên gia từ Đại học Oxford vào tháng 3 tới như đã dự định trước đây; và không tham dự hội nghị thượng đỉnh quốc tế về chỉnh sửa bộ gen tại Viện Francis Crick, cũng vào tháng 3.

Theo Joy Zhang, nhà xã hội học tại Đại học Kent, Vương quốc Anh, việc He không thảo luận với các nhà khoa học tại sự kiện cho thấy ông đã không cân nhắc các ý nghĩa xã hội và đạo đức trong nghiên cứu của mình, và do đó chưa sẵn sàng để tiếp tục các nghiên cứu chỉnh sửa bộ gen. “Chúng ta không muốn một vụ bê bối khác, lợi dụng sự tuyệt vọng của bệnh nhân để đưa họ vào các thử nghiệm mạo hiểm hoặc thậm chí bất hợp pháp", Zhang nói.

Một số nhà nghiên cứu lo lắng rằng mối quan tâm dành cho He Jiankui đang lái sự chú ý của cộng đồng khỏi các vấn đề đạo đức quan trọng hơn trong lĩnh vực chỉnh sửa bộ gen di truyền.

Viện Hàn lâm Y khoa Quốc gia Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ và Hiệp hội Hoàng gia Vương quốc Anh đã kết luận trong một báo cáo năm 2020 rằng công nghệ chỉnh sửa gen chưa sẵn sàng để sử dụng trong phôi người được cấy ghép vào bà mẹ. Và vào tháng 7/2021, một Ủy ban do Tổ chức Y tế Thế giới triệu tập đã khuyến nghị không nên sử dụng phương pháp chỉnh sửa gen di truyền. Khoảng 70 quốc gia cấm chỉnh sửa bộ gen di truyền ở người.

Nguồn: