Theo nghiên cứu mới trên tạp chí "American Journal of Obstetrics and Gynecology", tiếp xúc với khói từ đám cháy rừng, một loại chất gây ô nhiễm nguy hiểm, sẽ tăng nguy cơ thai phụ chuyển dạ sớm, hay còn được gọi là sinh non tự phát.

Sinh non là khi thai phụ chuyển dạ trước tuần thai thứ 37. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng trẻ sơ sinh tử vong ở Mỹ cũng như trên toàn cầu.

Khói cháy rừng cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người bởi vì nó chứa bụi mịn PM2.5 có thể đi sâu vào lá phổi và khiến các bệnh như hen suyễn và bệnh tim trở nên tồi tệ hơn. Những hạt bụi li ti này cũng có thể bay xa hàng trăm, đôi khi tới hàng nghìn kilomet từ điểm khởi phát vụ cháy.

Khói cháy rừng tăng nguy cơ sinh non
Khói cháy rừng tăng nguy cơ sinh non

Các nhà nghiên cứu đã xem xét giấy khai sinh và dữ liệu sinh con của hơn 2,5 triệu thai phụ từ các bệnh viện ở California trong giai đoạn 2007 – 2012. Họ so sánh thông tin đó với các ước tính thường ngày về mật độ khói cháy rừng (dựa trên hình ảnh vệ tinh) theo mã vùng.

Dữ liệu cho thấy, bốn tuần trước khi thụ thai cho tới 20 tuần đầu của thai kỳ, 86% thai phụ tiếp xúc với khói cháy rừng ít nhất một ngày, thời gian tiếp xúc trung bình là 7,5 ngày. Các kết quả cho thấy khói cháy rừng liên quan nhiều với tình trạng sinh non, thai phụ tiếp xúc với khói cháy rừng thêm một ngày thì sẽ tăng nhẹ rủi ro sinh non.

Anne Waldrop - bác sĩ phân khoa về bà mẹ và thai nhi tại Đại học Stanford, tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: “Cháy rừng dẫn tới những thay đổi chất lượng không khí nghiêm trọng và đột ngột. Và một số bằng chứng cho thấy khói cháy rừng có thể gây tác động tồi tệ đến sức khỏe của bạn hơn các loại chất ô nhiễm khác. Vì thế, ngay cả khi chúng ta nỗ lực giảm thiểu các loại chất gây ô nhiễm không khí khác, mà cháy rừng diễn ra thường xuyên hơn, nặng nề hơn, và trên quy mô rộng hơn, thì việc tiếp xúc với khói cháy rừng là một vấn đề y tế nghiêm trọng, đặc biệt với các quần thể dễ bị tổn thương như thai phụ”.

Nguồn: