Tại thời điểm phóng tên lửa đầu tiên của mình lên vũ trụ vào năm 1963, Ấn Độ đang là một nước nghèo, cố gắng theo đuổi việc phát triển công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Chiếc tên lửa đó, với mũi hình nón được bánh xe đạp đẩy tới bệ phóng, có một trọng tải nhỏ bay vượt ra khỏi Trái đất 124 dặm. Khi ấy, Ấn Độ gần như không có gì để so sánh với Mỹ và Liên Xô.
Nhưng trong cuộc chạy đua không gian ngày nay, chỗ đứng của Ấn Độ đã vững chắc hơn thế rất nhiều.
Trong một nhà chứa tên lửa rộng rãi và bóng bẩy cách Hyderabad khoảng một giờ đồng hồ - một trung tâm khởi nghiệp công nghệ của Ấn Độ, một nhóm đông đảo các kỹ sư trẻ đang miệt mài nghiên cứu một động cơ đẩy đông lạnh thử nghiệm nhỏ xíu. Hai nhà sáng lập của Skyroot Aerospace, trò chuyện giữa những luồng hơi nước rít lên, giải thích sự phấn khích của họ khi nhìn thấy một tên lửa do chính mình thiết kế gắn trên vệ tinh tư nhân đầu tiên của Ấn Độ vào tháng 11 năm ngoái. Những động cơ đẩy mới này sẽ dẫn tên lửa tiếp theo của Skyroot vào quỹ đạo trong năm nay, với trọng tải có giá trị lớn hơn rất nhiều.
Đột nhiên, Ấn Độ trở thành “nhà” của hơn 140 công ty khởi nghiệp công nghệ vũ trụ đã đăng ký, bao gồm một lĩnh vực nghiên cứu địa phương có khả năng chuyển đổi kết nối của hành tinh thành biên giới cuối cùng. Đây là một trong những lĩnh vực được săn đón nhiều nhất ở Ấn Độ đối với các nhà đầu tư mạo hiểm. Tốc độ tăng trưởng của các công ty khởi nghiệp đã bùng nổ, nhảy vọt từ con số 5 khi đại dịch vừa bắt đầu. Và các công ty này có một thị trường rộng lớn để phục vụ và phát triển. Pawan Kumar Chandana (32 tuổi) - Giám đốc Điều hành của Skyroot - dự đoán rằng toàn cầu sẽ cần phóng đến 30,000 vệ tinh trong thập kỷ này.
Đến nay, có thể nói rằng, Ấn Độ đã có một tầm quan trọng đặc biệt với tư cách là một cường quốc khoa học. Khi Tổng thống Mỹ Biden tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Washington vào tháng trước, Nhà trắng tuyên bố hai nhà lãnh đạo “kêu gọi tăng cường hợp tác thương mại giữa khu vực tư nhân của Mỹ và Ấn Độ trong toàn bộ chuỗi giá trị của nền kinh tế vũ trụ”. Cả hai quốc gia đều coi lĩnh vực vũ trụ là một “đấu trường” mà Ấn Độ có thể trở thành một đối trọng so với đối thủ chung của họ: Trung Quốc.
Trong ba thập kỷ đầu tiên, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) - một phiên bản địa phương của NASA, đã khiến đất nước này cảm thấy đầy tự hào: hình ảnh vệ tinh đầu tiên của Ấn Độ được in trên tờ 2 rupee cho đến năm 1995. Rồi sau đó, đã có một khoảng thời gian, Ấn Độ ít chú ý hơn đến lĩnh vực không gian, khi ấy các nhà nghiên cứu trẻ đã tập trung vào việc phát triển những công nghệ hữu hình hơn như công nghệ thông tin và dược phẩm. Giờ đây, Ấn Độ không chỉ là quốc gia đông dân nhất thế giới mà còn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất cũng như là một trung tâm đổi mới sáng tạo đang ngày càng phát triển.
Và lĩnh vực kinh doanh công nghệ vũ trụ cũng đã thay đổi. Được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn là ngân sách khổng lồ từ chính phủ, công nghệ vũ trụ ở quốc gia này đang đáp ứng những mục đích thương mại, quy mô nhỏ hơn. Chẳng hạn như các hệ thống hình ảnh cung cấp thông tin về hành tinh, từ đó giúp các nông dân ở Ấn Độ đảm bảo mùa màng hoặc giúp các đội tàu đánh cá thương mại theo dõi sản lượng đánh bắt của họ. Các vệ tinh cũng mang tín hiệu điện thoại đến những khu vực hẻo lánh xa xôi nhất của đất nước và giúp vận hành các trang trại năng lượng mặt trời vốn cách xa các siêu đô thị ở Ấn Độ.
Kể từ tháng 6/2020, khi ông Modi tuyên bố sẽ thúc đẩy lĩnh vực vụ trũ, mở cửa cho tất cả các loại hình doanh nghiệp tư nhân, Ấn Độ đã thành lập một mạng lưới các doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp đều được thúc đẩy từ những nghiên cứu ban đầu và các tài năng “cây nhà lá vườn”. Năm ngoái, các công ty khởi nghiệp vũ trụ đã thu về 120 triệu USD đầu tư mới, với tốc độ tăng gấp hai hoặc gấp ba lần hằng năm.
Do ISRO nhường chỗ cho những “tay chơi” mới trong lĩnh vực tư nhân, tổ chức này cũng chia sẻ với những công ty tư nhân ấy một di sản có lợi. Đó là sân bay vũ trụ, nằm trên hòn đảo Sriharikota, gần xích đạo và phù hợp cho việc phóng các thiết bị vào các tầng vũ trụ khác nhau. Tên lửa “ngựa thồ” của cơ quan chính phủ này là một trong những tên lửa đáng tin cậy nhất thế giới đối với các tên lửa có trọng tải lớn. Với tỷ lệ thành công khoảng 95%, nó đã cắt giảm một nửa chi phí bảo hiểm cho một vệ tinh - khiến cho Ấn Độ trở thành một trong những địa điểm phóng tên lửa/vệ tinh cạnh tranh nhất trên thế giới.
Và việc phóng các thiết bị vào không gian như vậy cũng rất giá trị: thị trường này trị giá khoảng 6 tỷ USD trong năm nay và có thể tăng gấp ba lần giá trị vào năm 2025.
Tại Hyderabad, khu vực làm việc của Dhruva Space - nơi triển khai các vệ tinh và là công ty khởi nghiệp vũ trụ của Ấn Độ - được bố trí hợp lý với các vệ tinh mô hình, các phòng thí nghiệm được kiểm soát khí quyển hay còn gọi là phòng sạch và một giàn thử nghiệm trọng lực nhân tạo. Trong bất kỳ tháng nào, Kranthi Chand - người đứng đầu bộ phận chiến lược của công ty - cũng hầu như đều không có mặt ở đó, vì ông dành khoảng một tuần ở châu Âu và một tuần nữa ở Mỹ, để thu hút các khách hàng và nhà đầu tư.
Có lẽ chính Elon Musk là người đã “đánh cắp” tiếng vang của Ấn Độ và cả của thế giới trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ vũ trụ. Công ty của ông với tên SpaceX và những chiếc tên lửa có thể được phóng lại đã giúp giảm chi phí đưa các vật thể nặng lên quỹ đạo đến mức Ấn Độ không thể cạnh tranh được. Thậm chí hiện nay, khi phóng từ các sân bay vũ trụ của Mỹ với giá 6.500 USD/kilogram, các đợt phóng của SpaceX vẫn là rẻ nhất ở bất kỳ đâu.
Ấn Độ là nơi có rất nhiều kỹ sư với chi phí lao động phải chăng, tuy nhiên chỉ riêng mức lương thấp hơn này của họ thì không thể đánh bại được đối thủ. Điều này khiến cho công ty Ấn Độ như Skyroot tập trung vào các dịch vụ được chuyên biệt hóa.
“Chúng tôi giống như một chiếc taxi hơn”, ông Chandana nói. Công ty của ông tính phí cao hơn cho những lần phóng có trọng tải nhỏ hơn, trong khi SpaceX “lại giống như một chiếc xe buýt hoặc tàu hỏa, họ đưa tất cả các hành khách lên và đưa họ đến một điểm đến”, ông nói.
SpaceX đã thúc đẩy “năng lượng” khởi nghiệp của Ấn Độ tìm đến lĩnh vực công nghệ không gian. Tại thời điểm ông Modi đặt ưu tiên vào lĩnh vực này, một số kỹ sư của chính ISRO đã bắt đầu tham gia vào cuộc chơi, bao gồm cả ông Chandana của Skyroot và đối tác của ông, Bharath Daka (33 tuổi).
Một trong những ưu thế của Ấn Độ chính là địa chính trị. Nga và Trung Quốc là hai quốc gia từ lâu đã đưa ra các lựa chọn phóng tên lửa với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine gần như đã đặt dấu chấm hết cho vai trò của Nga với tư cách là một đối thủ cạnh tranh. OneWeb, một công ty khởi nghiệp vệ tinh của Anh, đã thiệt hại 230 triệu USD sau khi Nga thu lại 36 tàu vũ trụ của họ vào tháng chín. Do đó, OneWeb đã chuyển sang ISRO của Ấn Độ để gửi chùm vệ tinh tiếp theo của mình vào quỹ đạo. Tương tự như vậy, Chính phủ Mỹ cũng có nhiều khả năng sẽ chấp thuận việc các công ty của Mỹ gửi công nghệ cấp độ quân sự qua Ấn Độ hơn là qua Trung Quốc.
Hệ sinh thái nhà cung cấp của Ấn Độ cũng đang có quy mô đáng kinh ngạc. Nhiều thập kỷ hợp tác kinh doanh với ISRO đã tạo ra khoảng 400 công ty tư nhân ở xung quanh Bengaluru, Hyderabad, Pune và những nơi khác, mỗi công ty đều chuyên sâu trong việc chế tạo các loại vít, vật liệu bịt kín đặc biệt và các sản phẩm khác phù hợp cho công nghệ không gian. Một trăm bên có thể hợp tác cùng nhau trong một lần phóng.
Skyroot và Dhruva hoạt động trong các lĩnh vực phóng và cung cấp vệ tinh tương đối hấp dẫn, tuy nhiên kể cả khi cộng lại, những lĩnh vực này chỉ chiếm 8% miếng bánh kinh doanh công nghệ vũ trụ ở Ấn Độ. Một phần lớn hơn nhiều trong miếng bánh ấy là các công ty chuyên thu thập dữ liệu được truyền qua vệ tinh.
Pixxel là một startup nổi bật trong lĩnh vực này. Công ty này đã phát triển một hệ thống hình ảnh để phát hiện các vùng trên bề mặt Trái đất nằm ngoài phạm vi thị giác màu thông thường. Công ty có trụ sở ở Bengaluru và một văn phòng ở Los Angeles - cũng như có hợp đồng với một cơ quan bí mật trong Lầu năm góc. Thậm chí những mảng lớn hơn trong lĩnh vực kinh doanh vệ tinh chắc chắn cũng sẽ chuyển sang các dịch vụ truyền hình và băng thông rộng dành cho người tiêu dùng, được truyền xuống từ quỹ đạo thấp.
Tại nhà chứa tên lửa của Skyroot, các kỹ sư của họ đã trở thành các doanh nhân, được đào tạo tại hai trong số các Học viện Công nghệ của Ấn Độ và có kinh nghiệm thực tế khi làm việc tại ISRO. Các doanh nhân này nói theo ngôn ngữ của vốn đầu tư mạo hiểm. Sau “vòng hạt giống,” ông Chandana kể lại, “tiếp theo là vòng series A, khoảng 11 triệu USD, và sau đó là một vòng khác khoảng 4,5 triệu USD”.
Công ty đã huy động được 68 triệu USD sau bốn vòng. Song, họ không có kế hoạch rút tiền sớm. Rõ ràng, họ hào hứng với khoa học hơn là kinh doanh. Là người điều hành một công ty, ông Chandana nói, đó “chỉ là lẽ thường tình” mà thôi.