Trong thời điểm nhiều nước châu Âu thắt chặt chi tiêu, ngân sách đầu tư cho Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) vẫn tăng trong năm năm tiếp theo nhằm triển khai các chương trình khám phá và khai thác không gian, qua đó tăng cường sức cạnh tranh về khoa học và công nghệ của châu Âu so với Mỹ và Trung Quốc.
Hội đồng Bộ trưởng của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đã đồng ý gia tăng ngân sách cho cơ quan này lên con số 16,9 tỉ euro trong vòng năm năm tới nhằm cải thiện vị trí của châu lục này trong cuộc chạy đua vũ trụ với Mỹ và Trung Quốc. Theo tổng thư ký Eurospace Olivier Lemaitre, “Ngân sách này là một kết quả tích cực, nó sẽ giúp giữ châu Âu ở lại trong cuộc chạy đua vũ trụ… nhưng cũng không đủ sức đặt chúng tôi vào vị thế tương tự Trung Quốc hay Mỹ”, nơi có ngân sách đầu tư gấp sáu hoặc bảy lần so với ESA.
Gần đây, cả ESA và EU đều kêu gọi các quốc gia châu Âu trú trọng hơn nữa cuộc chơi trong không gian của mình và coi đó là một miền tối quan trọng cho quyền tự chủ và tự cường của châu Âu, sức cạnh tranh về khoa học và công nghiệp của châu Âu.
Kế hoạch phóng Ariane 6 đã được dời sang năm 2023.
Trong 16,5 tỉ Euro của ESA. Đức, Pháp và Ý vẫn là những quốc gia đóng góp nhiều nhất khi lần lượt đóng góp 3,5 tỉ euro, 3,2 tỉ Euro và 3,8 tỉ Euro. Anh sẽ đầu tư 1,84 tỉ bảng. Các chương trình khoa học sẽ nhận được phần đầu tư lớn nhất, với khoảng 3,1 tỉ Euro (19%), tiếp theo là vận tải không gian 2,8 tỉ Euro (17%) và 2,7 tỉ Euro cho khám phá về người và robot (16%) – bao gồm việc phát triển cơ sở hạ tầng không gian, chẳng hạn như Trạm vũ trụ quốc tế, giúp thực hiện các thí nghiệm trong môi trường không trọng lượng, rất khác so với môi trường chúng ta có trên Trái đất.
Sự đóng góp tích cực không chỉ gia tăng từ Ý, Pháp và Đức mà còn cả Bỉ, Tây Ban Nha và Hà Lan. “Nó chứng tỏ là ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm nhiều hơn đến hàng không vũ trụ và chứng tỏ một cách rõ ràng là sẽ đem lại một kết quả tích cực cho sự phát triển của ESA”, Lemaitre nói. Không giống như những tổ chức khác, ngân sách hoạt động của ESA dựa vào cách tiếp cận từ dưới lên, điều đó có nghĩa ngân sách là kết quả đóng góp của các quốc gia thành viên trên cơ sở những gì họ muốn đạt được trong không gian.
Thiếu sự liên kết
Niklas Nienaß, người tham gia vào báo cáo về hồ sơ các vệ tinh viễn thông mới IRIS của Ủy ban Công nghiệp, Nghiên cứu và Năng lượng (ITRE) trực thuộc Nghị viện châu Âu, cho rằng, việc đầu tư của ESA còn ít hơn nhiều so với 24 tỷ USD đầu tư của Mỹ. Để cải thiện tình hình này, ông đề nghị nên sử dụng đồng tiền đầu tư một cách khôn ngoan và châu Âu nên tìm cách tạo thêm các nguồn đầu tư từ tư nhân, qua đó có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho lĩnh vực vũ trụ.
Giữa các chương trình tài trợ, ESA cũng gia tăng ngân sách cho các tên lửa Ariane 6 và Vega C, vốn được xem xét như một dạng tài sản quan trọng của châu Âu, vì năng lực phóng là điều kiện tiên quyết cho các hoạt động tiếp theo như khai thác các chòm vệ tinh. Chuyến phóng đầu tiên của Ariane 6 ban đầu được ấn định vào năm 2020 nhưng đã được dời sang năm 2023. Vega-C, một tên lửa nhỏ hơn, đã được phóng vào tháng bảy. Đây là một tín hiệu tích cực nữa, vì hiện các nhiệm vụ của ESA vẫn phụ thuộc vào các bệ phóng SpaceX của Elon Musk sau khi cơ quan này phá vỡ mối quan hệ hợp tác với Nga do xung đột Nga - Ukraine, và mất quyền sử dụng tên lửa Soyuz của họ.
Vào ngày 22/11, Pháp, Đức và Ý đều ký thỏa thuận tham gia vào tương lai của cả Ariane 6 và Vega-C. Josef Aschbacher, Tổng giám đốc ESA, cho biết ngân sách mới cho Ariane 6 đánh dấu “một cột mốc rất quan trọng” vì trước đó ông không hoàn toàn chắc chắn về sự thống nhất của châu Âu về dự án này.
Cuộc họp ở Paris đem đến thông tin tốt cho tàu tự hành sao Hỏa Rosalind Franklin – trước được biết đến tên ExoMars – một phần trong chương trình ExoMars 1,3 tỉ Euro. Chương trình này có một mục tiêu khoa học là tìm kiếm sự tồn tại của sự sống quá khứ hoặc hiện tại trên sao Hỏa và khám phá bề mặt của hành tinh này, thu lượm các mẫu và phân tích chúng. “Tôi rất tự hào là châu Âu sẽ đóng vai trò chính của nhiệm vụ ExoMars và sẽ hoàn thành nhiệm vụ này với công nghệ của châu Âu”, Aschbacher nhận xét và cho biết thêm là Mỹ có thể mong muốn được tham gia nhiệm vụ này.
Trong IRIS2, chương trình mới về các vệ tinh viễn tải truyền thông, ESA được chấp thuận 642 triệu euro đóng góp thay vì 750 triệu Euro đề xuất. Mạng lưới 2,4 tỉ Euro này được thiết lập với mục tiêu cung cấp truyền thông mã hóa và bảo mật cho các chính phủ và quân sự ở châu Âu, và để đem lại khả năng truy cập internet đồng đều hơn ở châu Phi. Đồng thời, nó cũng nhận được sự ủng hộ của các chính phủ châu Âu vào ngày 17/11 vừa qua. Đó là kết quả của thỏa thuận chính trị do Thierry Breton, thành viên phụ trách thị trường nội địa của Ủy ban châu Âu phụ trách thúc đẩy, đạt được sau ba năm thảo luận. Đây sẽ là chòm vệ tinh thứ ba của châu Âu sau các hệ quan sát Trái đất, định vị vệ tinh Galileo và Copernicus, nó được cho là sẽ gia cường thêm các tính năng của hai hệ thống này.
Chương trình IRIS2 sẽ được triển khai chủ yếu với các nhóm hợp tác liên ngành công nghiệp của các công ty hoạt động trong các ngành không gian, số hóa và công nghệ tiên tiến. Theo lời một thành viên của Ủy ban châu Âu, các cuộc mở thầu sẽ được bắt đầu vào đầu tháng 3/2023, và pha đầu tiên sẽ khởi động vào năm 2024. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có thông tin về các nhóm hợp tác dạng này. Theo thông tin từ giới công nghiệp, khi những thông tin vẫn còn chưa đủ chi tiết và thiếu đi sự định nghĩa đúng nhất thì các cuộc mở thầu vẫn còn chưa đủ hấp dẫn. Mặc dù các cụm vệ tinh đã được thông báo nhưng các khía cạnh về kỹ thuật thì lại chưa được giới thiệu. Và một trong những điểm trong đó, theo nhận xét của Pierre Lionnet, Giám đốc nghiên cứu của Liên minh công nghiệp Eurospace là “chúng tôi vẫn còn chưa biết rõ là có bao nhiêu vệ tinh sẽ được phóng”.
Bên cạnh đó có một số điểm phức tạp khác là ngân sách đầu tư cho nó đến từ nhiều ngành khác nhau. Ngân sách của EU cho chương trình này là 2,4 tỉ Euro, với tiền từ chương trình vũ trụ Kết nối châu Âu, Quỹ Quốc phòng châu Âu, Horizon Europe và nhiều chương trình khác. Một khoản khác 750 triệu Euro từ chính ESA trong khi có thể các công ty và quỹ tư nhân sẽ mang đến một khoản ngân sách tới 6 tỉ Euro.
Nguồn: sciencebusiness.net