Các nhà khoa học tại Viện Hải dương Schmidt phát hiện một loài động vật kỳ lạ gọi là Siphonophore tại độ sâu 4.500m ở vùng biển phía Tây Australia.
Với chiều dài hơn 46m, Siphonophore là động vật dài nhất thế giới từng được con người biết đến, theo tờ New York Times. Để so sánh, loài cá voi xanh khổng lồ – một trong những sinh vật to lớn nhất sống dưới biển – chỉ dài tối đa khoảng 30m.
Nhóm nghiên cứu ghi hình Siphonophore nhờ sự giúp đỡ của robot điều khiển từ xa SuBastian trong chuyến thám hiểm trên tàu nghiên cứu Falkor.
Con vật có hình dạng giống một sợi dây cuộn thành vòng xoắn ốc. Cơ thể của nó trong suốt, bao gồm nhiều mắt xích nhỏ là các cụm tế bào tự nhân bản hàng nghìn lần. Mặc dù trông có vẻ vô hại nhưng Siphonophore là loài săn mồi ở vùng nước sâu. Thức ăn của chúng chủ yếu là những động vật giáp xác nhỏ.
“Ban đầu tôi cứ tưởng đây là sinh vật ngoài Trái đất”, Nerida Wilson, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Ngoài Siphonophore, các nhà khoa học trên tàu Falkor cũng phát hiện thêm 30 loài mới thông qua tiến hành khảo sát trực quan và thu thập các mẫu DNA môi trường.
Quốc Hùng (Theo New York Times)