Vũ Thị Mai Anh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đã phân lập và tuyển chọn vi khuẩn có khả năng chuyển hóa mỡ cá basa thành Polyhydroxyalkanoates, một loại nhựa sinh học.
|
Sinh viên Vũ Thị Mai Anh nhận giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2017. Ảnh: Báo Thanh niên
|
Với kết quả nghiên cứu mang tính sáng tạo và tiên phong tại Việt Nam, đề tài của Mai Anh đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2017 do Thành đoàn TPHCM tổ chức.
Nhận thấy trong quá trình chế biến cá basa có thể tạo ra một lượng rất lớn mỡ cá phụ phẩm, đồng thời các loại nhựa chúng ta đang sử dụng chủ yếu có nguồn gốc từ dầu mỏ và có thời gian phân hủy rất lâu, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, Mai Anh đã bắt tay nghiên cứu để làm sao vừa tận dụng được nguồn phụ phẩm lớn từ ngành chế biến thủy sản, vừa có thể tạo ra loại nhựa sinh học có khả năng tự phân hủy và thân thiện với môi trường.
Mỡ cá basa được Mai Anh sử dụng làm nguồn carbon để vi khuẩn lên men sinh tổng hợp polyhydroxyalkanoate - nhựa sinh học (PHA). Vì PHA là một nhóm các polymer được tích lũy trong tế bào vi sinh vật ở điều kiện môi trường nuôi cấy dư thừa nguồn carbon.
Sau 2 năm, Mai Anh đã phân lập và tuyển chọn được chủng vi khuẩn M91 có khả năng chuyển hóa hiệu quả mỡ cá basa thành PHA.
Mai Anh cho biết: “PHA được tạo ra trong nghiên cứu có khả năng phân hủy trong điều kiện môi trường tự nhiên dưới tác dụng của các vi sinh vật (nếu chúng ta không sử dụng nó nữa). Vì đặc tính này mà nhựa sinh học nếu được ứng dụng rộng rãi sẽ không gây ô nhiễm môi trường”.
Không chỉ có khả năng tự phân hủy và thân thiện với môi trường, PHA còn không tan trong nước, không độc hại, chịu nhiệt tốt, có tính đàn hồi cao. Do đó, theo Mai Anh, PHA là vật liệu lý tưởng có thể thay thế polymer có nguồn gốc từ dầu mỏ trong tương lai.
Cũng theo nữ sinh này, nhựa sinh học thành phẩm có thể chế tạo ra hầu hết các sản phẩm nhựa thông thường, nhờ các đặc tính như không dẫn điện, dẫn nhiệt; không thấm nước; không cho không khí đi qua... Đặc biệt, hiện nay nhựa sinh học trên thế giới đã được ứng dụng để sản xuất chỉ phẫu thuật, đĩa xương, ống ghép mạch dùng trong y tế, chế tạo các sản phẩm có độ bền cao như: Linh kiện điện tử, vỏ điện thoại, vỏ máy tính hoặc được sử dụng để chế tạo vật dụng nội thất xe hơi…
Theo Báo Chính phủ