Eric Schmidt, đại công thần đã giúp Google từ một luận án tiến sỹ trở thành một công ty khổng lồ, đã cùng chàng trai trẻ tuổi Jared Cohen sáng lập dự án Google Ideas, chu du khắp thế giới để viết nên câu chuyện về một nền văn minh mới, Internet.

Thử tưởng tượng, một sáng thức dậy, cơm đã được tự động nấu, cà phê đã được đun sẵn, bạn nhẩn nha nghe chiếc Iphone thông báo những lịch họp quan trọng trong ngày.

Trước khi bước ra khỏi nhà, bạn không quên đặt trước món ăn cho bữa tối để những chiếc máy bay không người lái vận chuyển thực phẩm đến tận cửa. Sau đó vài phút, một chiếc xe tự hành đã đỗ trước cửa và thông báo bạn cần phải khởi hành sớm 10’ vì đoạn Ngã Tư Sở đang tắc.

Bạn thấy thích thú không? Đấy là tin vui mà hai chuyên gia Eric Schmidt và Jared Cohen mang đến trong cuốn sách đầy lạc quan của mình về tương lai mang tên “Sống sao trong thời đại số”.

Eric Schmidt và Jared Cohen.

Eric Schmidt (ảnh trái), đại công thần đã giúp Google từ một luận án tiến sỹ trở thành một công ty khổng lồ, đã cùng chàng trai trẻ tuổi Jared Cohen (ảnh phải), sáng lập dự án Google Ideas, chu du khắp thế giới để viết nên câu chuyện về một nền văn minh mới, Internet.

Luận điểm của cuốn sách rất đơn giản. Khi Wifi được phủ sóng muôn nơi, ai ai cũng có điện thoại thông minh, mọi thứ đều được kết nối thông qua IoT (Internet Vạn vật), thì phần lớn nhân loại sẽ được hưởng lợi từ khả năng siêu kết nối này. Bảy chương của cuốn sách với tựa đề luôn bắt đầu bằng cụm từ: “Tương lai của” (nhà nước, cách mạng, khủng bố, tái thiết...) là những hình dung của tác giả dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế về những lợi ích tích cực mà “thời đại số” đem lại.

Nhưng khoan mừng vội, hãy tưởng tượng tiếp những điều sau. Toàn bộ thông tin của bạn đều được chính phủ, Google, Facebook, các công ty quảng cáo thu thập, phân tích và khai thác cho những mục đích riêng. Căn nhà của bạn đột nhiên bị một tên “hacker” ở tận Trung Đông cho nổ tung vì bạn đã có những lời lẽ xúc phạm đến Đấng tối cao của họ trên Facebook. Mọi bức ảnh nhạy cảm của bạn một ngày bị tung lên mạng làm trò cười, một tờ báo mạng đăng lại câu chuyện này, và bạn sẽ được nổi tiếng mãi mãi trên Google.

Đó là những mặt trái mà hai tác giả thách thức người đọc phải suy ngẫm khi họ ngày càng chọn sống nhiều hơn trong thế giới ảo. Cả hai đều không quá ảo tưởng rằng công nghệ thông tin sẽ giải quyết được mọi vấn đề, đó là chưa kể con người phải đánh đổi những giá trị như sự riêng tư, tính an toàn và dữ liệu cá nhân khi chấp nhận online.

Gần đây, đến Facebook cũng phải thừa nhận mặt trái của cuộc sống ảo, đó là mạng xã hội đang phá hủy đến các mối quan hệ thực ngoài đời. Trong đợt bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, nhiều người cũng đổ lỗi cho Facebook vì tạo ra những “bong bóng lọc”, khiến công dân chỉ tiếp nhận những thông tin ủng hộ quan điểm của mình trên “Newsfeed”. Hóa ra, mặc dù họ kết nối, nhưng thực ra chỉ đang kết nối với những người giống mình, làm trầm trọng thêm những chia rẽ đảng phái ngoài đời thực.

Đúng như hai tác giả nói, nền văn minh "số" vẫn đang được hình thành với rất nhiều luật chơi cần được viết lại. Mỗi con người, mỗi công ty, mỗi nhà nước ngày nay không chỉ phải giải quyết những vấn đề trong thế giới thực mà còn phải tự hỏi mình mỗi ngày: "Sống sao trong thời đại số?"