Miễn dịch có được do nhiễm SARS-CoV-2 và khỏi bệnh, sau đó tiêm vaccine từng được gọi là siêu miễn dịch, nhưng nghiên cứu mới từ Israel cho thấy miễn dịch này cũng dần suy yếu.
Đã có các bằng chứng rõ ràng trong phòng thí nghiệm khẳng định sự tồn tại của
siêu miễn dịch hay còn gọi là miễn dịch lai: những người có miễn dịch lai tạo ra nhiều kháng thể trung hòa hơn so với những người chỉ được tiêm chủng hoặc chỉ có miễn dịch tự nhiên do nhiễm virus. Kháng thể trung hòa từ những người có miễn dịch lai cũng mạnh hơn so với những người chỉ tiêm vaccine. Và dữ liệu từ những người có miễn dịch lai ở Israel cho thấy dạng miễn dịch này bảo vệ chống lại nhiễm trùng tốt hơn so với hai liều vaccine.
Để xem siêu miễn dịch tiến triển như thế nào theo thời gian, các nhà nghiên cứu đã phân tích các ca nhiễm SARS-CoV-2 từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 9/2021 (khi biến thể Omicron chưa xuất hiện) ở hơn 5,7 triệu người Israel thuộc một trong ba nhóm: những người đã bị nhiễm virus và vẫn chưa được tiêm chủng; những người vừa khỏi bệnh và đã được tiêm chủng; và những người chưa từng nhiễm virus và đã tiêm 2 hoặc 3 liều vaccine.
Kết quả, tỷ lệ lây nhiễm ở các nhóm đều tăng theo thời gian kể từ khi sinh miễn dịch. Đáng chú ý, tỷ lệ lây nhiễm tăng ngay cả ở những người có miễn dịch lai.
Một người đàn ông tập các bài tập hồi phục sau khi khỏi COVID-19 tại một trung tâm phục hồi chức năng ở Genoa, Ý.
Nhưng hiệu quả bảo vệ của miễn dịch lai vẫn khá cao: Những người tiêm mũi vaccine thứ hai từ sáu đến tám tháng trước thời gian nghiên cứu có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao hơn khoảng bảy lần so với những người có miễn dịch lai.
Mặc dù tỷ lệ nhiễm trùng vượt miễn dịch ở nhóm được tiêm chủng trong cao hơn so với nhóm miễn dịch lai, nhưng bệnh ở nhóm được tiêm chủng vẫn ít nghiêm trọng hơn nhiều so với nhóm không được tiêm chủng, David Dowdy, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore, Maryland, lưu ý.
Đây là nghiên cứu theo dõi dài nhất từng có về siêu miễn dịch chống lại COVID-19, theo Charlotte Thålin, nhà miễn dịch học và bác sĩ lâm sàng tại Viện Karolinska ở Stockholm. "Dữ liệu này có độ xác tín cao," Thålin nói.
"Trước đây tôi cho rằng không nên dành nỗ lực tiêm chủng cho nhóm dân số đã khỏi bệnh trong một năm trở lại đây, mà hãy ưu tiên nhóm chưa từng phơi nhiễm," Amit Huppert, nhà sinh học toán học tại Viện Nghiên cứu Chính sách Y tế và Dịch tễ học Gertner ở Tel HaShomer, Israel, đồng tác giả của nghiên cứu, nói. Nhưng với dữ liệu mới, và việc biến thể Omicron dễ gây tái nhiễm và nhiễm trùng vượt miễn dịch, miễn dịch lai hoặc tiêm các mũi tăng cường sẽ là chìa khóa để ngăn ngừa bệnh nặng, theo Huppert.
Nguồn: