Trước nay, các nghiên cứu khoa học, báo cáo vận động chính sách, báo chí và thậm chí là đánh giá khí hậu năm 2021 của Liên hợp quốc đều cho rằng Bắc Cực đang ấm lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới.

Con số này là không chính xác, vì thực tế Bắc Cực đang ấm lên nhanh gấp bốn lần so với mức trung bình toàn cầu, theo báo cáo mới của một nhóm các nhà khoa học khí hậu.

Bắc Cực là "điểm nóng" khi nói đến biến đổi khí hậu, và "thật không thể tin được rằng chúng ta đã đánh giá thấp mức độ nóng lên ở Bắc Cực theo hệ số hai", theo Peter Jacob, nhà khoa học khí hậu tại Trung tâm Goddard, NASA, người đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo phát hiện mới tại cuộc họp ngày 13/12 của Hiệp hội Địa Vật lý Hoa Kỳ.

Jacobs và các đồng tác giả nhận thấy mức ấm lên nhanh hơn ở Bắc Cực khi chuẩn bị đưa ra mức nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2020. Chuyên gia đánh giá nội bộ của NASA không tin tưởng vào kết quả mới, nhưng nhóm Jacob đã cho thấy kết quả này nhất quán với dữ liệu của cả NASA (gấp 3,9 lần) và Văn phòng Khí tượng Vương Quốc Anh (gấp 4,1 lần).

Băng biển tan là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tốc độ ấm lên nhanh ở Bắc Cực.

Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết Trái đất ấm lên nhanh hơn ở cực bắc, do hiện tượng khuếch đại Bắc Cực. Cụ thể, ở đây năng lượng mặt trời sưởi ấm mạnh hơn vì nước biển sẫm màu hấp thụ nhiệt, và băng ngày càng tan nhanh khiến cho diện tích lớp băng phản chiếu ánh sáng giảm đi và diện tích mặt biển hấp thụ nhiệt tăng lên; cùng với luồng nhiệt nhiệt đới được đưa đến Bắc Cực bởi các đám mây dày đặc kéo hơi nước về phía bắc.

Vậy vì sao tốc độ ấm lên ở Bắc Cực từ trước đến nay vẫn bị đánh giá thấp? Nhóm Jacobs chỉ ra hai lý do. Một là các nhà khoa học khí hậu khi tính toán thường chia mỗi bán cầu làm ba và gắn nhãn khu vực trên vĩ tuyến 60 độ Bắc là “Bắc Cực” - có nghĩa là sẽ bao gồm nhiều khu vực bên ngoài Bắc Cực thực sự. Định nghĩa thực sự của Bắc Cực được xác định bởi độ nghiêng của Trái đất; và Vòng Bắc Cực - ranh giới Bắc Cực - là một đường bắt đầu từ vĩ tuyến 66,6 độ Bắc. Khi gộp cả các khu vực ở các vĩ độ thấp hơn thì tốc độ ấm lên ở Bắc Cực sẽ bị làm "loãng" do các khu vực khác ấm lên chậm hơn, và sai số không hề nhỏ, theo Jacobs.

Một lý do khác là cách lựa chọn khoảng thời gian tính toán tốc độ nóng lên. Jacobs và các đồng nghiệp tập trung vào 30 năm trở lại đây, khi xu hướng nóng lên tuyến tính xuất hiện ở Bắc Cực. Các phân tích khác xem xét xu hướng dài hạn hơn sẽ cho thấy ít sự khác biệt hơn giữa tốc độ ấm lên của Bắc Cực và thế giới. (Trước năm 1990, nhiệt độ của Bắc Cực dao động và thậm chí giảm đi trong nhiều thập kỷ do ô nhiễm không khí, bao gồm cả các sol khí sunfat chặn ánh sáng.)

Nhìn chung, nhóm Jacobs đưa ra một luận điểm giá trị, theo Mark England, nhà khoa học khí hậu tại Đại học California, Santa Cruz. "Tôi là một trong những người phạm lỗi sử dụng mốc vĩ tuyến 60 độ bắc, và có lẽ rất nhiều người cũng vậy," England thừa nhận. "Cần nhấn mạnh mốc 66,6 độ bắc, và tôi chắc chắn sẽ chú ý đến mốc này trong tương lai."

Tuy nhiên một câu hỏi còn bỏ ngỏ là bao nhiêu phần của tốc độ ấm lên nhanh chóng ở Bắc Cực là do biến đổi khí hậu do con người thúc đẩy, và bao nhiêu là do biến đổi tự nhiên. Một phần sự gia tăng nhiệt độ ở Bắc Cực có thể do sự thay đổi nhiệt độ đa tầng ở Đại Tây Dương trong thế kỷ 20, một hiện tượng mà nhiều nhà khoa học tin là hệ quả của biến đổi nội tại của đại dương.

Cần lưu ý, tốc độ ấm lên ở Bắc Cực so với phần còn lại của thế giới không bao giờ là một tỷ lệ cố định, theo Mark Serreze, giám đốc Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Hoa Kỳ. Như nhóm Jacobs đã chỉ ra, khoảng thời gian được sử dụng để tính toán tỷ lệ là một yếu tố quan trọng, cũng như vĩ độ và mùa. “Do đó, tôi luôn ủng hộ việc xem xét tốc độ ấm lên ở Bắc Cực so với thế giới dưới dạng một phạm vi, từ hai lần đến bốn lần," Serreze nói.

Jacobs cho biết kết quả mới này cũng là một câu chuyện cảnh giác đối với ngành khoa học khí hậu. “Khi một thứ gì đó thay đổi nhanh như khí hậu, các con số có thể bị cũ và lỗi thời rất nhanh. Nếu không nhận ra điều đó, chúng ta sẽ thông tin sai lệch hoàn toàn cho mọi người," Jacobs nói.

Nguồn: