Các nhà nghiên cứu Hà Lan ngày 11/7 công bố mô hình "siêu đảo nổi," một giải pháp sáng tạo để chứa nhà ở, cảng, nông trại và công viên có thể thành hiện thực trong 2 thập kỷ tới.
Với 87% là các tam giác nổi với nhiều kích cỡ, đảo nhân tạo khổng lồ này được làm từ bê tông hoặc thép, có thể trải dài 1,5-2km hoặc có tổng diện tích là 3km2.
(Nguồn: dailymail.co.uk)
Trong nhiều thế kỷ, Hà Lan đã phải đối mặt với tình trạng bị nước biển xâm lấn nghiêm trọng và hiện quốc gia này đang được bảo vệ bởi một hệ thống đê và kênh rạch phức tạp.
Do thiếu thốn diện tích, nên một số thành phố tại quốc gia Bắc Âu nhỏ bé này đã bắt đầu xem xét đến các giải pháp nổi, như công viên nổi trên sông, khi muốn có một khu vực giải trí gần trung tâm thành phố.
Nếu kế hoạch xây đảo nhân tạo trên thành hiện thực, đây sẽ là một bước ngoặt trong lịch sử của quốc gia nằm trên vùng đất thấp này.
Theo nhà nghiên cứu Olaf Waals thuộc Viện nghiên cứu Hàng hải Hà Lan (MARIN), trong thời đại của mực nước biển dâng, thành phố đông đúc và các hoạt động trên biển được tăng cường, việc xây dựng các con đê và bơm cát có thể xem là biện pháp hiệu quả nhất.
Chuyên gia này nhấn mạnh các cảng và thành phố nổi là một giải pháp sáng tạo phản ánh truyền thống hàng hải lâu đời của Hà Lan.
Giám đốc MARIN Bas Buchner cho biết các cuộc thảo luận về dự án trên với nhà chức trách khu vực Haarlemmermeer và sân bay Lelystad đang được tiến hành. Cả hai địa điểm này đều gần thủ đô Amsterdam.
Tuy nhiên, hiện dự án trên mới ở trong giai đoạn đầu. Các đảo nhân tạo sẽ nằm bên bờ biển và được neo chặt xuống đáy biển.
Các cuộc thử nghiệm sẽ được tiến hành nhằm kiểm tra xem các hòn đảo nhân tạo này có chịu được thời tiết và sự vận động của thủy triều hay không, tính độc lập về năng lượng và nhiên liệu, cũng như khả năng ảnh hưởng đến môi trường sống của các sinh vật biển và chi phí.
Trong cuộc thử nghiệm ngày 11/7, một mô hình đảo nổi có diện tích 6m*8m được làm từ gỗ và nhựa polystyrene đã được đặt trong một bồn chứa nước khổng lồ để mô phỏng các điều kiện tự nhiên như gió, sóng và bão.
Với sự phối hợp của nhiều quốc gia, dự án mang tên "Không gian trên biển" đã nhận được hỗ trợ tài chính vào khoảng 1,6 triệu euro (1,8 triệu USD) để tiến hành nghiên cứu trong 3 năm về các mô hình sử dụng cho những hòn đảo nhân tạo kiểu này, từ các nông trại cá và tảo biển đến các cảng và thành phố nổi. Về mặt kỹ thuật, công nghệ này có thể được triển khai trong 10-20 năm tới.
Theo MARIN, các giải pháp như vậy là một phần của "tương lai xanh" hướng tới các phương án bền vững và lâu dài nhằm tận dụng đại dương và biển vốn bao phủ 70% diện tích bề mặt Trái Đất.
Trong bối cảnh Hà Lan đang phải chịu sức ép tìm kiếm thêm không gian sống, quốc gia này sẽ phải quay về giải pháp tận dụng nước. Giám đốc Buchner khẳng định Hà Lan vẫn luôn đi tiên phong trong lĩnh vực này.