Các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong buổi lễ ra mắt cuốn sách Sapiens - Lịch sử loài người sáng 16/7 tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam đều thống nhất rằng cuốn sách cung cấp một cái nhìn mới lạ về lịch sử cũng như đặt ra nhiều câu hỏi cần trả lời.
Ra đời từ năm 2011 bằng tiếng Do Thái, Cuốn sách Sapiens: Lược sử về loài người của tác giả Yuval Noah Harari sau đó được dịch ra 45 thứ tiếng trên thế giới, với rất nhiều tôn giáo khác nhau. Theo số liệu mà Phó đại sứ Israel tại Việt Nam cung cấp thì đã có hơn 250 triệu cuốn được bán tại thị trường châu Âu. Đây cũng là cuốn sách bán chạy nhất tại Israel.
Cuốn sách Sapiens - Lược sử về loài người đưa chúng ta vào một chuyến đi kinh ngạc qua toàn bộ lịch sử loài người, từ những gốc rễ tiến hóa của nó đến thời đại của chủ nghĩa tư bản và kỹ thuật di truyền, để khám phá tại sao chúng ta đang trong những điều kiện sinh sống hiện tại.
Nghiên cứu của Harari đã giải thích về lịch sử nhân loại trong khuôn khổ của các khoa học tự nhiên, đặc biệt là sinh học tiến hóa. Bước nhảy vọt ngoạn mục của homo sapiens từ vị trí giữa chuỗi thức ăn lên vị trí đầu dẫn đến một loạt hệ quả rất lớn, dĩ nhiên không chỉ với riêng loài homo sapiens, mà với các loài, bao gồm các “loài người” khác anh em với chúng ta mà hiện đã không còn thấy trên trái đất. Homo sapiens từ chỗ một động vật bình thường như bao động vật khác đã bứt phá lên vị trí đỉnh của chuỗi thức ăn, thời gian quá ngắn để hệ sinh thái kịp điều chỉnh và để con người cũng tự điều chỉnh.
Các khách mời có mặt tại Lễ ra mắt sách.
Từ bấy đến nay, loài homo sapiens đã phát triển như thế nào, nó đã thuần hóa các sinh vật khác ra sao, trong nội bộ tổ chức loài ấy đã tiến triển như thế nào để thành cái mà ta gọi là xã hội hiện đại ngày nay… Các cuộc Cách mạng Nông nghiệp, Cách mạng Công nghiệp… các cơ cấu, tổ chức, luật lệ, khế ước, văn học nghệ thuật… tất cả những thứ ấy đang đưa homo sapiens đi đến đâu và đưa toàn thể sinh vật khác trên trái đất đi về đâu?
Thường các cuốn sử hay khuôn vấn đề trong nội bộ xã hội loài người với nhau, ở cuốn sách này, riêng việc đặt lịch sử loài người trong tổng thể lịch sử của các loài trong hệ sinh thái, đã tạo ra một góc nhìn khác lạ và gợi suy nghĩ. Lược sử loài người là lược sử quá trình bứt phá và vươn lên thống trị của một loài động vật vốn bình thường như bao loài khác.
Câu hỏi lớn và sâu sắc của Harari là: chúng ta thực sự muốn gì? Có cách nào để đạt được hạnh phúc cho con người chúng ta, hoặc thậm chí liệu chúng ta có biết được nó là gì hay không? Trong cốt lõi của nó, Sapiens biện luận rằng chúng ta không biết về bản thân chúng ta, huống chi biết được những nhu cầu của những loài sinh vật khác. Chúng ta đã quá thường xuyên bị những tưởng tượng hư cấu của chúng ta lừa dối. Lịch sử cũng là một hư cấu, nhưng một hư cấu đã được kiềm chế bởi thực tại và biện luận: một hình thức của huyền thoại - một hư cấu hữu ích - khiến nó có thể mang lại sự giác ngộ của sự tự biết chính mình.
Hiền Thảo