Theo thông tin thu thập từ vệ tinh Aqua MODIS của NASA, trong vòng 2 ngày (từ ngày 10-12/7), một tảng băng có diện tích khoảng 5.800 km2 - gấp 3 lần diện tích thành phố London - đã tách khỏi thềm băng Larsen C ở Nam Cực.

“Băng tách ra là một điều bình thường. Tuy nhiên, điều bất thường ở đây là diện tích băng tách ra quá lớn” - Giáo sư Adrian Luckman - Đại học Swansea, Anh đồng thời là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu của dự án MIDAS - cho hay.

Ảnh vệ tinh cho thấy tảng băng tách ra.

Theo các nhà khoa học, với việc tảng băng có tên A68 tách ra lần này, diện tích của thềm băng Larsen C đã giảm xuống 12% và vĩnh viễn thay đổi cảnh quan của Nam Cực.

Tới thời điểm hiện tại, khi tảng băng vẫn còn trôi nổi, “nó sẽ không gây ra ảnh hưởng tức thì nào. Nếu có ảnh hưởng cũng phải sau nhiều năm nữa. Tuy nhiên, đây là một hiện tượng địa lý lớn và đặc biệt” - Luckman cho hay.

Diện tích băng trên Nam Cực vào năm 1989.

Tới thời điểm hiện tại, diện tích băng ở Nam Cực đã giảm rõ rệt.

Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu xem liệu biến đổi khí hậu có phải là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng các vết nứt trên tảng băng mở rộng nhanh hơn không.

Hiện tại, theo nhà khoa học Martin O’Leary - thành viên Dự án MIDAS - chưa có bất cứ bằng chứng nào chứng minh hiện tượng băng tan có liên quan tới việc khí hậu thay đổi.

Trong khi đó, nhiều nhà khoa học lại cho rằng chính hiện tượng trái đất nóng lên - chủ yếu do sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sản xuất nông nghiệp - là nguyên nhân dẫn tới sự bất ổn định của Nam Cực.

“Băng tan lần này là dấu hiệu cho thấy tảng băng đang quá mỏng. Nguyên nhân là do khí hậu nóng lên qua nhiều năm. Các tảng băng sẽ tiếp tục đổ sụp xuống trong những năm tới. Hiện tượng này chắc chắn có liên quan tới biến đổi khí hậu” - Eric Rignot - giáo sư về khoa học Trái đất thuộc Đại học California, Irvine - cho hay.