Tham dự Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 cho Thiếu niên lần thứ 6 (APTJSO-6) với chủ đề “Năng lượng tái tạo cho cuộc sống” có khá nhiều đoàn quốc tế. Tại đây, họ đã bật mí vài bí quyết để nuôi dưỡng tình yêu khoa học cho các em học sinh.
Là đoàn khách mời trong Hội trại nhưng các bạn thiếu niên Thụy Điển tỏ ra rất hào hứng với chủ đề của Hội trại năm nay - Năng lượng tái tạo cho cuộc sống. Các bạn mang tới Việt Nam 2 đề tài: Năng lượng tái sinh từ rác nhựa trên biển và Năng lượng sinh học dùng cho hệ thống chạy năng lượng trong các thành phố lớn.
Trưởng đoàn học sinh Thụy Điển, thầy Daniel Per Plars bật mí: “Ở Thụy Điển, chúng tôi dạy học sinh học về khoa học và công nghệ, toán từ khá sớm. Tuy nhiên, để tụi trẻ cảm thấy yêu mến những môn khoa học này, chúng tôi bắt đầu từ những việc rất đơn giản: đưa các em vào rừng, để chúng kể tên các loại cây, loại lá trong rừng… Cách chúng tôi khiến lũ trẻ cảm thấy thích thú khi học các môn khoa học là học thông qua các trò chơi. Chúng tôi để các em vừa chơi, vừa học và liên tục có sự tương tác. Tại Thụy Điển, chúng tôi tập trung vào giáo dục phổ thông và chương trình giảng dạy này ngày càng thu hút các em học sinh bởi có rất nhiều học sinh đi học ở nước ngoài và chúng tôi buộc phải xem xem các nước khác trên thế giới giảng dạy ra sao".
Các em học sinh đoàn Thụy Điển đang bàn thảo về ý tưởng dự thi của đội mình.
Theo ông Daniel Per Plars, tại Thụy Điển mỗi tuần các em học sinh có khoảng 170 phút học về Khoa học (sinh học, vật lý, hóa học). Tuy nhiên, với những em học sinh thích thú nghiên cứu khoa học, các em sẽ có thêm khoảng 90 phút. Đặc biệt, với những học sinh tài năng, các em sẽ có thêm khoảng 150 phút mỗi tuần để học và nghiên cứu.
"Những em học sinh này sẽ được học theo một hướng chuyên biệt so với học sinh phổ thông bởi kiến thức các em có nhiều hơn những bạn học cùng. Do vậy, có thể nói, những em học sinh có năng khiếu về khoa học sẽ được tạo môi trường vô cùng thuận lợi để phát triển” - ông Daniel Per Plars cho biết.
Trong khi đó, bà Wong Freda Matsi - Trưởng đoàn học sinh Philippines - chia sẻ: "Ở trường chuyên về Khoa học, chương trình học của trường tập trung rất nhiều vào các môn học này. Ngoài ra, thầy cô thường xuyên dẫn học sinh tới những địa điểm nghiên cứu để các em có thể thỏa sức khám phá, nghiên cứu khoa học".
Hiền Thảo