Trao đổi với Khoa học và Phát triển, ông Trần Đắc Hiến (ảnh nhỏ) - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Phó trưởng ban tổ chức hội trại - cho biết sự kiện diễn ra từ ngày 10-15/7 tại Đại học FPT trong khuôn viên Khu công nghệ cao Hòa Lạc này thu hút sự tham gia của 13 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thưa ông, ông có thể chia sẻ đôi nét về công tác chuẩn bị cho hội trại lần này?
Đây là lần thứ sáu hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 cho thiếu niên được tổ chức. Với nhận thức đây là cơ hội để học sinh Việt Nam giao lưu với các bạn đến từ ASEAN+3, cũng là cơ hội khuyến khích hoạt động sáng tạo trong giới trẻ, Bộ KH&CN đã tiến hành rất cẩn thận công tác chuẩn bị với việc thành lập ban tổ chức hội trại và các tiểu ban như lễ tân - hậu cần, nội dung, thư ký, truyền thông khen thưởng; chủ động phối hợp với các bộ, ngành địa phương liên quan như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, UBND thành phố Hà Nội, các đơn vị chức năng để bảo đảm công tác an ninh, an toàn trong khi sự kiện diễn ra.
Ban tổ chức còn phối hợp với Trung tâm ACGS (Trung tâm ASEAN+3 về tài năng khoa học của ASEAN) trong việc tổ chức hội trại, phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học để lựa chọn nhà khoa học làm giám khảo trong các nội dung thi của hội trại. Nhờ chuẩn bị chu đáo nên tuy là lần đầu tiên đăng cai tổ chức nhưng phía Việt Nam không hề bỡ ngỡ. Các đoàn cán bộ, giáo viên, học sinh Việt Nam cũng từng tham dự một số hội trại tương tự ở các nước ASEAN+3 để học hỏi và rút kinh nghiệm.
Các em thiếu nhi quốc tế tại buổi khai mạc hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 lần thứ sáu. Ảnh: Lê Phượng
Vì sao hội trại năm nay lấy chủ đề “Năng lượng tái tạo vì cuộc sống”, thưa ông?
Một số chủ đề đã được đề xuất để bàn thảo, lựa chọn cho hội trại APT JSO-6. Chủ đề năng lượng tái tạo được nhiều nước trên thế giới và các nước ASEAN quan tâm, được các nhà khoa học đề xuất. Đây cũng là lựa chọn dựa trên tình hình thực tế về nhu cầu sử dụng năng lượng của thế giới và Việt Nam. Do đó, chúng tôi đã trao đổi với ACGS để quyết định chọn chủ đề này.
Việt Nam có kỳ vọng gì ở APT JSO-6 và các hội trại khoa học nói chung?
APT JSO-6 có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, đây là một trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Thứ hai, đây là cơ hội để học sinh Việt Nam giao lưu với học sinh các nước ASEAN+3, cơ hội quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hội trại cũng khuyến khích hoạt động sáng tạo trong giới trẻ.
Thông qua sự kiện, chúng ta có thể quảng bá tới học sinh trên toàn quốc về mục đích, ý nghĩa hoạt động của hội trại và khích lệ các em hăng say nghiên cứu để có thể tham gia các hội trại trong tương lai. Ban tổ chức cũng có đánh giá, trao đổi với các bộ, ngành liên quan, các cơ sở đào tạo, đề xuất đẩy mạnh hoạt động tương tự, khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo, thu hút tài năng trẻ về KH&CN trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy việc thu hút nguồn nhân lực trẻ để phát triển tài năng khoa học là một chiến lược dài hơi. Xin ông cho biết về định hướng chính sách phát triển tài năng khoa học trong tương lai?
Bộ KH&CN là một trong những cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc phát triển nguồn nhân lực trình độ công nghệ cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, đánh giá thực trạng Việt Nam để đề xuất với cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền những cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành một số chính sách trong lĩnh vực này như kết luận 86-KL/TW của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ ngày 24/1/2014; Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN ngày 12/5/2014; Nghị định 87/2014/NĐ-CP về thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam.
Khó khăn lớn nhất là việc tổ chức thực hiện sau khi chính sách ban hành. Chúng tôi đang nghiên cứu đánh giá việc tổ chức thực hiện những chính sách này trong thực tế, trên cơ sở đó kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách mới để bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống có hiệu quả.