Sao Thủy đang bước vào giai đoạn nghịch hành, và nhiều người trên hành tinh xanh đang... phát hoảng vì lo sợ vận rủi đang đến, ít nhất là theo góc nhìn của chiêm tinh học.
Hiện tượng sao Thủy nghịch hành đã bị đổ lỗi cho một vụ mất liên lạc với vệ tinh Hitomi của Nhật Bản, tình trạng Twitter và Facebook cứ hoạt động chập chờn, cũng như vô số những sai lầm không kể xiết trong lúc làm việc và gây rối các mối quan hệ.
Theo các nhà chiêm tinh, hiện tượng này ảnh hưởng tiêu cực đối với liên lạc viễn thông, công nghệ, kinh doanh và đi lại. Mạng internet xuất hiện đầy các lời khuyên rằng không nên ký kết bất cứ giấy tờ, thỏa thuận quan trọng nào trong giai đoạn sao Thủy nghịch hành. Không nên có cuộc hẹn hò đầu tiên, chống chỉ định cho các đơn hàng quan trọng. Nói một cách đơn giản, bất cứ điều bất lợi nào xảy ra đều bị đổ cho hiện tượng trên.
Thậm chí trang tin The International Business Times còn đăng hẳn một bài chỉ dẫn cách thức “làm sao sống sót dưới quyền năng kỳ quặc của nó”.
Trên thực tế, đây là hiện tượng thiên văn gây ra do ảo giác của người trái đất. Địa cầu xoay quanh quỹ đạo với tốc độ chậm hơn nhiều so với sao Thủy, cụ thể là 365 so với 88 ngày. Bởi do sự khác biệt này, đôi lúc người ta có cảm giác hành tinh gần mặt trời nhất di chuyển theo hướng ngược lại trên bầu trời đêm, từ đông sang tây thay vì ngược lại. Thế nhưng, không hề có chuyện như vậy xảy ra. Tuy nhiên, một số người tin vào chiêm tinh học lại cho rằng sao Thủy nghịch hành đã mang đến sự hỗn loạn và bất ổn trong đời sống hằng ngày của họ.
Những vấn đề bị đổ lỗi cho hiện tượng này bao gồm: tình trạng trễ nải và sai sót; những vấn đề về liên lạc; các thay đổi về lịch trình; các mối quan hệ gặp trục trặc. Điều này do giới chiêm tinh gia tin rằng sao Thủy kiểm soát các mối liên lạc, du lịch và công nghệ. Mỗi năm lại xảy ra từ 4 đến 5 lần “ảo ảnh” sao Thủy nghịch hành, và năm nay rơi vào ngày 5 - 25.1, 28.4 - 22.5, 30.8 - 22.9, 19 - 31.12.
Giới thiên văn học nói rằng sao Thủy không có liên quan gì với các vấn đề trên trái đất. Đầu tiên, mọi hành tinh và thiên thể trong hệ mặt trời đều trải qua các giai đoạn nghịch hành. Kể từ ngày 28.4, có đến 5 hành tinh cùng nghịch hành, gồm sao Thủy, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ và Diêm vương tinh. Nếu đứng trên sao Thủy vào những giai đoạn này, có thể thấy mặt trời cũng di chuyển ngược trên bầu trời đêm.
Theo đó mặt trời mọc, kế đến đảo chiều và lặn, và sau đó lại tiếp tục mọc một lần nữa, tất cả đều diễn ra trong một ngày. Đây là hiện tượng có thể được giải thích bằng các yếu tố vật lý, và các chuyên gia đảm bảo rằng nó chỉ là hiện tượng tự nhiên và không thể tác động đến hành vi của con người.