Sự cô đơn và cô lập xã hội được cho là một nguyên nhân khiến số người có nguy cơ bị đột quỵ hoặc mắc bệnh động mạch vành tăng lên khoảng 30%.

1
Audrey Brennan - một người phụ nữ 86 tuổi giàu có nhưng cô đơn - trong căn hộ của mình tại phố S. Lake Drive, St. Francis, Mỹ. Ảnh: Jsonline


Các nhà khoa học từ Đại học York, Liverpool (Anh) và Đại học Newcastle (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu hơn 181.000 người trưởng thành, so sánh mức độ ảnh hưởng của sự cô đơn và các yếu tố như sự lo âu, căng thẳng trong công việc… tới sức khỏe của họ và nhận thấy có mối liên hệ giữa sức khỏe, hạnh phúc con người với tình trạng quan hệ xã hội của người đó.


Sự cô đơn có mối liên quan đến tình trạng hệ thống miễn dịch bị tổn hại, huyết áp cao và chết sớm, nhưng nguy cơ tiềm ẩn của nó đối với bệnh tim và đột quỵ vẫn chưa rõ ràng do nghiên cứu không thể loại trừ tác động của các yếu tố không thể đo lường khác. Tuy nhiên, các nhà khoa học tuyên bố: “Việc giải quyết sự cô đơn và cô lập xã hội có vai trò quan trọng trong việc phòng, chống hai trong những căn bệnh hàng đầu ở các nước phát triển”.


Quỹ Tim mạch của Anh (BHF) cho biết, cần nghiên cứu sâu hơn để khẳng định mối liên quan giữa sự cô đơn và sức khỏe tim mạch.


Christopher Allen - y tá của BHF - cho biết: “Cô lập xã hội là vấn đề ảnh hưởng đến hàng ngàn người Anh. Ngoài ra, sự cô đơn, ít quan hệ xã hội có thể dẫn đến những thói quen xấu như hút thuốc lá, làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ”.


Tiến sỹ Julianne Holt-Lunstad và tiến sỹ Timothy Smith - thuộc Trường Đại học Brigham Young, Utah (Mỹ) - cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất là làm thế nào để thúc đẩy kết nối xã hội.


“Với những thay đổi nhanh chóng trong cách mọi người tương tác xã hội, cần có nghiên cứu thực nghiệm để biết liệu tương tác xã hội thông qua công nghệ có thay thế tương tác xã hội thông qua giao tiếp trực tiếp và/hoặc thay đổi các kỹ năng xã hội hay không?” - tiến sỹ Holt-Lunstad nói.