Từ quỹ đạo kỳ lạ của một trong hai vệ tinh hay mặt trăng của sao Hỏa – Phobos và Deimos, các nhà khoa học có thể khám phá ra một lịch sử bí ẩn kỳ thú.

Đó là Deimos, vốn có quỹ đạo quá gần sao Hỏa, đến mức nó quay quanh Hành tinh Đỏ đến 3 lần một ngày (tính theo ngày giờ Trái Đất). Ngoài ra, trục nghiêng 2o của nó cũng là hiện tượng khiến giới khoa học đau đầu.

Tại hội nghị lần thứ 236 của Hiệp hội Thiên văn Mỹ (American Astronomical Society), nhà nghiên cứu Matija Ćuk tại Viện SETI – chuyên tìm kiếm sự sống thông minh ngoài Trái Đất, tác giả chính của một công bố phát biểu: “Chúng ta dường như đã xem nhẹ hiện tượng quỹ đạo của Deimos không nằm trên cùng mặt phẳng với xích đạo của sao Hỏa, và chẳng ai bận tâm tới việc đi tìm sự lý giải”. Tiếp đó, ông gợi mở: “Nhưng một khi có cách nhìn nhận mới táo bạo hơn về vấn đề, quỹ đạo nghiêng của Deimos sẽ tiết lộ một bí ẩn rất lớn”.

.

Hình chụpDeimos - một vệ tinh của Sao Hỏa - do máy quay camera độ phân giải cao của NASA thực hiện. Ảnh: NASA.

Dựa trên những kết quả nghiên cứu từ năm 2017, các nhà khoa học phát hiện thấy Deimos có khả năng sẽ bị vỡ thành vô số mảnh nhỏ khi bị kéo dần về phía sao Hỏa, và hình thành nên một vành đai bao quanh hành tinh. Cơ sở của suy đoán này là từ một thuyết cho rằng những mặt trăng trước đó của sao Hỏa cũng từng bị tan vỡ và tạo thành các vành đai cách đây hàng tỷ năm. Rất có thể một vệ tinh lâu đời lớn hơn Phobos 20 lần đã vỡ ra và tái tạo đến hai lần thành Phobos. Chính mặt trăng có quỹ đạo xa tâm này đã khiến Deimos bắt đầu hành trình hướng tâm của nó, tiến dần về phía bề mặt sao Hỏa.

Bên cạnh đó, thuyết “vành đai mặt trăng tuần hoàn” này cũng ám chỉ Deimos “già” hơn Phobos (200 triệu năm tuổi) rất nhiều, có thể lên đến hàng tỷ năm. Ngoài ra, thuyết cũng cho rằng sao Hỏa đã từng có một vành đai lớn hàng tỷ năm về trước.

Nhưng hiện tại thì tất cả mới chỉ là lý thuyết. Cơ quan Hàng không & Vũ Trụ Nhật Bản (JAXA) đang có kế hoạch phóng tàu thăm dò lên cả Phobos lẫn Deimos vào năm 2024, để mang về Trái Đất các mẫu vật. Chỉ khi ấy, chúng ta mới có thể nói thêm về nguồn gốc của những vệ tinh kỳ lạ này, giúp củng cố niềm tin về khả năng sao Hỏa đã từng được bao quanh bởi một vành đai các mặt trăng.

Nguồn: