Tác giả Vương Quân Hoàng (Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành ISR, trường Đại học Phenikaa) vừa có bài viết quan điểm trên tạp chí Nature về việc làm thế nào để việc rút bài báo khoa học trở nên minh bạch hơn, mang lại lợi ích cho bản thân nhà khoa học bị rút bài cũng như cộng đồng khoa học.


Nghiên cứu về dùng Hydroxychloroquine hoặc Chloroquine trong điều trị COVID-19 trên tạp chí y khoa hàng The Lancet vừa bị rút lại vì không chứng minh được nguồn gốc và độ tin cậy của dữ liệu. Ảnh: The Lancet Twitter

Mới đây, hai nghiên cứu trên hai tạp chí y khoa hàng đầu là The Lancet New England Journal of Medicine (NEJM) bị rút lại do các nhà khoa học không chứng minh được nguồn gốc và độ tin cậy của dữ liệu. Trong đó, bài báo trên The Lancet sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi công ty Surgisphere để thực hiện nghiên cứu lâm sàng về dùng Hydroxychloroquine hoặc Chloroquine trong điều trị COVID-19. Bài báo trên NEJM cũng sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi cùng công ty để phân tích về bệnh tim mạch và phương pháp điều trị trong thời kì COVID-19. Ở cả hai bài báo, các tác giả đã không thể tiếp cận và xác nhận được dữ liệu do Surgisphere cung cấp. Giữa thời kì COVID-19, các nhà khoa học đều cố gắng đóng góp các tri thức mới cho nhân loại nhanh nhất có thể, vì thế, họ cũng khó tránh khỏi các sai lầm rất “người”, và đôi lúc, nó dẫn tới hệ quả bị rút bài.

Liên quan đến vấn đề rút bài báo khoa học, tác giả Vương Quân Hoàng (Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành ISR, trường Đại học Phenikaa) vừa có bài viết quan điểm trên tạp chí Nature.

Dựa trên kết quả phân tích 2.000 thông báo rút bài được đăng tải trên tạp chí Learned Publishing [2018 Impact Factor = 2.2; 2018 CiteScore = 1.89], tác giả Vương Quân Hoàng cho biết, có rất ít thông tin mà người đọc nhận được từ các thông báo này. Vì vậy, tác giả đề nghị các tạp chí và cộng đồng khoa học cần đảm bảo đủ 4 thông tin sau đây trong mỗi thông báo rút bài: ai bắt đầu việc rút bài; nguyên nhân; việc rút bài có sự đồng thuận giữa biên tập và tác giả không; và việc xuất bài có đóng góp từ quá trình phản biện sau xuất bản không.

Việc nêu rõ và đầy đủ các thông tin này có thể mang lại nhiều lợi ích cho nhà khoa học bị rút bài cũng như cộng đồng khoa học. Trước hết, nó cung cấp đủ thông tin giúp nhà khoa học được cảm thông vì sự sơ suất hơn là sự kỳ thị vì việc rút bài. Điều này cũng giúp các nhà khoa học dũng cảm hơn trong việc nhận lỗi. Ngoài ra, sự minh bạch còn giúp cộng đồng hiểu thêm về khoa học: mỗi kết quả đều dựa trên nhiều lần thử nghiệm và sai lầm.

Để đạt được sự minh bạch này, bên cạnh việc áp dụng thông báo rút bài với 4 phần, tạp chí khoa học cũng có thể để mở phần giới hạn của nghiên cứu. Điều này giúp thay đổi quan niệm rằng chỉ có các nghiên cứu “sạch” và “xác quyết” mới là một nghiên cứu quan trọng.

Việc rút bài làm lộ ra những khiếm khuyết và cả sai phạm trong nghiên cứu. Mặc dù điều này thường để lại những ấn tượng không tốt đẹp nhưng thực tế, nó cho thấy cơ chế kiểm định chất lượng, phát hiện lỗi đang làm việc hiệu quả. Vì thế, theo tác giả Vương Quân Hoàng, chúng ta nên thay đổi quan niệm về việc rút bài, nó đơn giản chỉ là một cách thức thực tế để con người sửa sai và làm khoa học ngày một tốt đẹp hơn.

* Tham khảo:

Vuong QH. (2020). Reform retractions to make them more transparent. Nature 582(7811): 149. doi: 10.1038/d41586-020-01694-x. URL: https://www.nature.com/articles/d41586-020-01694-x.

Vuong QH. (2020). The limitations of retraction notices and the heroic acts of authors who correct the scholarly record: an analysis of retractions of papers published from 1975-2019. Learned Publishing 33(2):119-130; doi:10.1002/LEAP.128. URL: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/leap.1282.