“Một giấc mơ hồ” – tập sách giới thiệu góc nhìn nghề nghiệp của kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp, người sáng lập A21 Studio –mang đến nhiều gợi ý cho những người muốn xem kiến trúc như một môn nghệ thuật ghi dấu ấn cá nhân, hay xa hơn là như một lối sống.

Từng thiết kế một quán café nhỏ mang dáng dấp nhà nguyện, để rồi giành giải “Công trình của năm 2014” tại Liên hoan Kiến trúc Thế giới tổ chức ở Singapore, Nguyễn Hòa Hiệp thường được biết đến qua những công trình dung hòa sức sống của người sử dụng, thiên nhiên và cảnh quan khu vực. Trong “Một giấc mơ hồ”, chủ trương “sự sống là kiến trúc” của Hiệp đã được phát biểu bằng cả nội dung lẫn hình thức sách. Cuốn sách gói gọn trong một cuộc phỏng vấn dài mà người bạn Đỗ Hữu Chí (tức hoạ sĩ Bút Chì) thực hiện khi sang chơi nhà anh. Sự sống đang tiếp diễn nơi cảnh quan trong nhà, trong kỷ niệm được chia sẻ giữa hai người bạn, cũng như trong cái gàn được cộng hưởng giữa vị kiến trúc sư mang biệt danh “Hiệp khùng” và vị hoạ sĩ tự xưng là “Tiếu sĩ” – đã đẩy khả năng biểu đạt của cuốn sách đi xa hơn những giới hạn thông thường của ngôn ngữ.

Nguồn: a21studĩo
Nguồn: a21studĩo

“Sự sống đã là kiến trúc rồi” – quan niệm của Hiệp được đưa thành nhan đề của một chương sách. Qua những câu chuyện thực tế trong đời làm nghề, anh trình bày một cái nhìn có phần khác biệt; theo đó kiến trúc không bị bó hẹp trong các bản thiết kế, hợp đồng, cuộc thi, hay các tiêu chuẩn thẩm mỹ của riêng giới kiến trúc sư. Thay vào đó, các công trình của Hiệp hình thành từ cuộc đối thoại liên tục giữa kiến trúc sư với các nhu cầu dị biệt của từng người sử dụng, tay nghề và sáng kiến dị biệt của từng thợ thi công, ham muốn dị biệt thường bị lấp liếm của từng chủ đầu tư… Thay vì áp đặt lên người khác một cái đẹp duy mỹ xuất phát từ ham muốn chủ quan của mình, rồi để nó chiếm lĩnh và đông cứng không gian, kiến trúc sư cần tiếp nhận nhu cầu đa dạng của những người liên quan, hợp nhất chúng trong cái đẹp hình thành từ sự hài hòa của nội tâm mình, rồi tối giản hóa sản phẩm mà mình tạo ra, để chừa lại khoảng trống cho dòng chảy đời sống đang tiếp diễn.

Để mô tả cách làm việc này, Hiệp dùng cụm từ “gói quà kỹ”. Muốn “gói quà kỹ”, kiến trúc sư phải làm sao để “kiến trúc không đàn áp người sử dụng”, để người sống trong không gian đó có thời gian khám phá nó, để “nó không phô bày hết tất cả mọi thứ ra”. Anh giải thích: “Kiến trúc đàn áp có nghĩa là tất cả mọi thứ đều đẹp, đẹp theo nghĩa là ở giai đoạn đó mình có quá nhiều hiểu biết, quá nhiều lựa chọn cho một chi tiết, quá nhiều ám ảnh hay thích thú về không gian, về vật liệu, về chi tiết hay đường nét, mình đưa hết nó vào công trình, khiến cho người ta choáng ngợp hay quá tải, nhưng mình không biết là người ta quá tải, mà mình quá khoa trương, quá đắm đuối, mình không có khoảng lùi để nhìn”. Đây là một trong những lý do khiến anh chỉ đưa vào công trình những thứ “tối cần thiết” cho người sử dụng, và “không nhất thiết phải kiểm soát mọi thứ” trong quá trình thi công; tức là nhường đường cho “những tư duy khác nhau và những ngã rẽ khác nhau” mang đến những “bất ngờ và thú vị”.

Hiệp cũng cho rằng để tạo ra những công trình tốt, kiến trúc sư cần thể nhập vào đời sống của người sử dụng – như tưởng tượng mình là người rửa bát trong căn bếp, là đứa trẻ chơi trong sân nhà, là người thân và bè bạn đến thăm một ngôi mộ, là cô người mẫu bước vào trung tâm hội nghị trước ống kính máy quay… Chính quá trình thể nhập này sẽ mở rộng đời sống của kiến trúc sư, giúp anh ta “hiểu hơn về mình, về xung quanh”, rồi đi tiếp trong hành trình tìm kiếm những rung động và trạng thái tan hòa mà từ ngữ không dễ biểu đạt được.

Vì thành hình qua tương tác trực tiếp giữa kiến trúc sư với các cá nhân liên quan, thay vì với một hệ thống lớn, các công trình ưng ý mà Hiệp liệt kê trong cuộc trò chuyện thường có kích thước nhỏ và giàu cá tính. Thay vì hiện diện như một tế bào tạo nên sinh thể lớn hơn là thành thị hoặc thị trường toàn cầu, chúng tồn tại như một sinh vật độc lập có đời sống riêng, ít nhiều tách biệt và hướng nội. Khi sống trong đó, thay vì khoe khoang kiến trúc và nội thất hào nhoáng với láng giềng để nuôi dưỡng động lực cạnh tranh của thành thị, gia chủ được trải nghiệm cảm giác thoải mái khi “yên ổn ở một mình”, được xúc động với những người cùng nhà và với ngôi nhà mình sống, được khuyến khích hình thành các kỷ niệm cá nhân. Nhờ đó, công trình được thổi hồn, và nuôi dưỡng đời sống vật chất lẫn tinh thần của những người sống bên trong, thay vì kéo con người vào một cuộc đua sản xuất - tiêu thụ khiến cho họ bị vật hoá.
Tên sách – “Một giấc mơ hồ” – dường như được chọn vì vẻ “mơ hồ” thường có nơi các công trình ưng ý của Nguyễn Hòa Hiệp. Về điểm này, Hiệp cho biết: “Tôi muốn làm một công trình không truyền tải ý nghĩa gì, không mang thông điệp gì, không có sức nặng gì. Nhìn thật đơn giản, yếu đuối, bình an. Có một tí xíu hoan lạc. Chỉ như một làn khói lơ lửng trên đầu, che một tí nắng.”

Hiệp tin rằng vẻ mơ hồ này giúp anh tránh khỏi “mọi định kiến, mọi tuyên ngôn, mọi khẳng định vào một thứ” trong quá trình làm kiến trúc. Với anh, mơ hồ cũng là một “sự khẳng định”, nhưng nó “là sự khẳng định theo nhiều hướng khác nhau”. Nó dung chứa trong mình nhiều khuynh hướng đa dạng và khác biệt đến mức mâu thuẫn bên trong nội tâm kiến trúc sư, và trong cuộc sống xung quanh, thay vì đóng khung đời sống vào những tư tưởng, câu chuyện, thông điệp, phong cách cố định và thành văn. Chính nhờ vẻ “mơ hồ” vô ngôn, mà đời sống trong quá trình thiết kế, thi công và sử dụng của các công trình này có thể mọc về nhiều hướng khác nhau như một cái cây có nhiều cành nhánh. Sự đa dạng đó cho phép hòa giải nhiều phương diện của dự án, bao gồm nhu cầu thẩm mỹ của kiến trúc sư và các nhu cầu của người sử dụng cùng chủ đầu tư. Nhờ đó, kiến trúc sư có thể tiếp tục làm việc như một nghệ sĩ nhiều đam mê mà không mâu thuẫn với đòi hỏi của các thành phần khác trong xã hội.


Tôi muốn làm một cuốn sách về A21. Một cuốn sách không chỉ bàn về cái đẹp hay cái woào của những công trình, dù hẳn là sẽ có những phần đó. Một cuốn sách không phê bình, không hướng dẫn, không giải thích, không minh họa. Một cuốn sách viết ra để hiểu. Hiểu thấu triệt và diễn đạt rõ ràng. Tôi muốn truy nguyên về tận những mạch ngầm, chụp bắt cho được những rung động của tư duy và cảm hứng, biểu đạt cho được tiến trình của cả ý thức lẫn vô thức, mở phơi cho được nguồn cội của cái đẹp.

Đó có vẻ là điều bất khả. Nhưng là điều tôi muốn làm.Đỗ Hữu Chí, người phỏng vấn KTS Nguyễn Hòa Hiệp trong Một giấc mơ hồ