Thử nghiệm Solidarity của WHO, một trong những thử nghiệm lớn nhất trên thế giới về liệu pháp Covid-19 với sự tham gia của hơn 11.000 bệnh nhân tại 400 bệnh viện trên toàn cầu, vừa công bố kết quả ban đầu, theo đó các loại thuốc được thử nghiệm đều đáng thất vọng.

Không có phương pháp điều trị nào trong số bốn phương pháp điều trị trong thử nghiệm Solidarity giúp tăng khả năng sống sót - kể cả thuốc kháng virus remdesivir được tung hô rất nhiều trước đây. Các nhà khoa học tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự kiến sẽ xuất bản kết quả tạm thời này của thử nghiệm trên Tạp chí Y học New England (thử nghiệm vẫn đang tiếp tục diễn ra, dự kiến sẽ thử nghiệm thêm các loại thuốc khác).

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đánh giá cao thử nghiệm chưa từng có tiền lệ này, vì nó giúp hiểu rõ về bốn phương pháp điều trị Covid-19 "tái sử dụng" từ bệnh khác. "Thật đáng thất vọng khi không thuốc nào trong số bốn loại này cho thấy sự khác biệt về tỷ lệ tử vong, nhưng đây là lí do vì sao cần những thử nghiệm lớn," Jeremy Farrar, giám đốc của Wellcome Trust cho biết. "Chúng tôi rất mong có một loại thuốc có tác dụng, nhưng thà biết rõ liệu một loại thuốc có tác dụng hay không, còn hơn là không biết và cứ tiếp tục sử dụng," nhà khoa học của WHO, Soumya Swaminathan, cho biết.

Không tăng khả năng sống sót

Triển vọng điều trị Covid-19 của hai trong bốn phương pháp - bao gồm thuốc sốt rét hydroxychloroquine và thuốc điều trị HIV kết hợp ritonavir/lopinavir - vốn đã mờ nhạt sau một thử nghiệm lớn khác, thử nghiệm Recovery của Vương quốc Anh. Kết quả thử nghiệm Recovery hồi tháng 6 cho thấy hai thuốc này không làm tăng khả năng sống sót ở bệnh nhân. Sau khi phân tích kết quả của thử nghiệm Recovery và dữ liệu của thử nghiệm Solitarity cho đến thời điểm đó, WHO đã quyết định loại bỏ cả hai thuốc này khỏi nghiên cứu.

Vẫn còn hy vọng cho remdesivir và interferon-beta. Nhưng kết quả mới cho thấy cả hai phương pháp điều trị này cũng đều không làm giảm tỷ lệ tử vong hoặc cải thiện tình trạng bệnh.

Bệnh nhân được xét nghiệm Covid-19 ở Ấn Độ, một trong 30 quốc gia tham gia thử nghiệm Solidarity.

Ban đầu, Remdesivir - thuốc tấn công một loại enzyme cụ thể trong một số virus RNA, và trước đó đã được thử nghiệm chống lại Ebola - được coi là một ứng viên đầy hứa hẹn. Trong một thử nghiệm tại Mỹ với hơn 1.000 bệnh nhân Covid-19, những người được điều trị bằng remdesivir có thời gian hồi phục ngắn hơn so với những bệnh nhân trong nhóm kiểm soát, nhưng không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ tử vong. Thậm chí hồi tháng 5, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng khẩn cấp Remdesivir đối với bệnh nhân Covid-19 nặng, sau đó FDA mở rộng và cho phép sử dụng với tất cả các bệnh nhân.

Nhưng thử nghiệm Solidarity cho thấy loại thuốc này không có tác dụng trong những trường hợp nghiêm trọng. Trong số 2.743 bệnh nhân nhập viện được dùng Remdesivir, 11% tử vong, so với 11,2% ở nhóm đối chứng cũng khoảng 2.700 người. Sự khác biệt quá nhỏ và có thể phát sinh một cách tình cờ.

Khi các tác giả gộp dữ liệu của Solidarity với dữ liệu từ ba thử nghiệm khác nữa, họ nhận thấy tỷ lệ tử vong giảm nhẹ, tuy nhiên không có ý nghĩa thống kê. "Kết quả này hoàn toàn loại trừ khả năng remdesivir hạn chế đáng kể tỉ lệ tử vong," các tác giả trong nhóm thử nghiệm Solidarity viết.

"Kết quả này không có lợi cho remdesivir," Eric Topol, giám đốc Viện nghiên cứu Scripps ở California, Mỹ, cho biết. "Kết quả không đến mức tiêu cực như hydroxychloroquine, nhưng chắc chắn không như kỳ vọng ban đầu."

Nhưng nhà sản xuất thuốc remdesivir, Gilead Sciences, tỏ ra nghi ngờ thử nghiệm của WHO. Gilead đã nhận được bản thảo về kết quả của thử nghiệm Solidarity vào ngày 28/9, theo WHO. Nhưng sau đó, vào ngày 8/10, trước khi kết quả được công khai, công ty này đã ký một thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD với Ủy ban Châu Âu để cung cấp remdesivir trong 6 tháng.

Tuy nhiên, "kết quả đáng thất vọng nhất" trong thử nghiệm Solidarity là kết quả đối với interferon-beta, Topol nói. Tỷ lệ tử vong trong số 2.050 người dùng thuốc đó là 11,9%, so với 10,5% ở nhóm đối chứng. Các nghiên cứu trước đây cho thấy interferon chỉ có thể hữu ích nếu được sử dụng sớm và không phải khi bệnh nhân đã nhập viện. "Vì vậy, tôi nghĩ đó vẫn là một câu hỏi mở," Topol nói.

"Điều trị Covid muộn là rất khó khăn," Benjamin tenOever, nhà virus học tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai, viết trong một email cho Science. "Tại thời điểm muộn, vấn đề [với bệnh nhân Covid] là về viêm và đông máu, đó là lý do tại sao bốn phác đồ điều trị bằng thuốc này không có giá trị."

Tiếp tục thử nghiệm các loại thuốc mới

Điểm tích cực là bản thân thử nghiệm này đã thành công. Solidarity sử dụng một quy trình đơn giản cho phép các bác sĩ ở bất cứ đâu có thể phân ngẫu nhiên bệnh nhân của họ vào nhóm sử dụng thuốc có trong thử nghiệm hoặc vào nhóm chăm sóc tiêu chuẩn. "Thật tuyệt vời khi thiết kế được thử nghiệm với bốn loại thuốc khác nhau, trong một khoảng thời gian ngắn và trên toàn thế giới," Topol nói. "Tôi dành cho họ rất nhiều lời khen ngợi vì đã mang lại cho chúng tôi những kết quả này với tốc độ phi thường."

Dù gặp khó khăn trong quá trình xin chấp thuận, thử nghiệm của WHO vẫn gom được hơn 11.000 bệnh nhân từ 30 quốc gia, bao gồm Argentina, Peru, Ấn Độ, Philippines và Tây Ban Nha. Thử nghiệm này vẫn đang tiếp tục và nhiều bệnh nhân hơn nữa dự kiến sẽ tham gia, hiện có khoảng 2.000 bệnh nhân hiện được bổ sung mỗi tháng. John-Arne Røttingen, Giám đốc điều hành Hội đồng Nghiên cứu Na Uy, người đứng đầu nhóm điều hành ủy ban chỉ đạo của Solidarity, cho biết nhánh thử nghiệm remdesivir sẽ tiếp tục "để có được bằng chứng chính xác hơn". Và cũng sẽ có các loại thuốc mới được thêm vào thử nghiệm, ông nói.

Ngay từ tuần tới, những người tham gia Solidarity có thể bắt đầu nhận được acalabrutinib, một loại thuốc ung thư có tác động đến một loại enzyme đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của con người. Các nhà nghiên cứu hy vọng thử nghiệm sẽ sớm bao gồm cả các liệu pháp nhắm mục tiêu như kháng thể đơn dòng vì chúng có nhiều khả năng thành công hơn các loại thuốc vốn để điều trị bệnh khác được "tái sử dụng" cho Covid-19.

Ana Maria Henao Restrepo, người đứng đầu Nhóm Nghiên cứu và Phát triển tại WHO, cho biết Solidarity được xây dựng dựa trên kinh nghiệm từ vụ dịch Ebola trong những năm 2014-2016 ở Tây Phi. Hồi đó, có nhiều cuộc tranh luận về việc liệu thực hiện các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có hợp đạo đức hay không trong một đợt bùng phát chết người (vì trong kiểu thử nghiệm này, các bệnh nhân trong nhóm kiểm soát sẽ không được sử dụng một liệu pháp điều trị tiềm năng). "Bây giờ, bạn không thấy bất kỳ cuộc tranh luận nào" về câu hỏi đó, Restrepo nói. "Chúng tôi đã học được rất nhiều điều từ vụ dịch ở Tây Phi."

Nahid Bhadelia, bác sĩ tại Trung tâm Y tế Boston, cho biết thử nghiệm này của WHO có những lợi ích quan trọng. Việc tiến hành một thử nghiệm đồng thời ở nhiều nước có thể giúp thu thập dữ liệu của nhiều bệnh nhân hơn, dẫn đến có kết quả nhanh hơn.

Một ưu điểm khác: 1.300 bác sĩ tham gia trên toàn thế giới tham gia vào thử nghiệm sẽ hiểu tại sao một loại thuốc có tác dụng hoặc không có tác dụng và họ sẽ tin tưởng vào kết quả hơn, Restrepo nói. "Điều này rất khác với việc một nhóm nào đó công bố các kết quả từ nơi khác trên thế giới và họ buộc phải tin vào nó."

Nguồn: