Trong những năm 1970, triết gia và nhà đạo đức học Beauchamp đã nỗ lực soạn thảo các ranh giới cho nghiên cứu y khoa về thử nghiệm trên người và tìm cách củng cố các quy định về thử nghiệm trên động vật.
Vào năm 1978, tiến sĩ Beauchamp nhận nhiệm vụ đưa các nghiên cứu và quan điểm của mình vào thực tiễn để xây dựng một chuyên luận về công tác nghiên cứu y học tại Hoa Kỳ – đây là thứ đặt ra khuôn khổ cho lĩnh vực đạo đức sinh học hiện đại.
Thành quả định hình sự nghiệp của tiến sĩ Beauchamp là Bản báo cáo Belmont, do ông là người chấp bút chính. Bản báo cáo này tóm lược cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm giữa các nhà khoa học, luật sư và nhiều chuyên gia khác trong một nhóm cố vấn đặc biệt được Quốc hội ủy quyền vào năm 1974. Nhóm này là Ủy ban Quốc gia về Bảo vệ đối tượng con người trong nghiên cứu y sinh và hành vi. Họ đã xây dựng nền tảng cho hành động pháp lý nhằm ngăn chặn các hành vi vô đạo đức như những điều đã diễn ra trong nghiên cứu Bệnh giang mai Tuskegee. Trong nghiên cứu này, nhân viên thuộc Cơ quan y tế công cộng Hoa Kỳ và các cơ quan khác đã từ chối điều trị bệnh giang mai cho hàng trăm người da đen trong nhiều thập niên để tìm hiểu căn bệnh này tàn phá cơ thể như thế nào.
Tiến sĩ Beauchamp tham gia sau khi ủy ban soạn thảo một bộ quy tắc bao quát – “tôn trọng con người, công lý và lòng nhân từ” – trong các cuộc họp gồm các phiên tại Trung tâm Hội nghị Belmont ở Elkridge, Maryland.
Báo cáo này được các cơ quan Hoa Kỳ thông qua. Nhiều người nhìn nhận đây là một trong những nền tảng cho đạo đức sinh học, gồm các hướng dẫn về đồng thuận sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin và thành lập các ủy ban độc lập để xem xét các kế hoạch nghiên cứu. Vào thời điểm đó, thuật ngữ “đạo đức y sinh” vẫn còn rất mới mẻ.
Trước khi Báo cáo Belmont ra đời, đạo đức y khoa phần lớn được thiết lập theo các tiêu chuẩn trong Tuyên bố Helsinki. Tuyên bố này được soạn thảo nhằm lên án, bác bỏ những hành vi tàn ác và vô đạo đức mà các bác sĩ Đức quốc xã đã tiến hành trên tù nhân Do Thái và những người khác.
Cùng nhà triết học và nhà thần học James F. Childress, tiến sĩ Beauchamp đã mở rộng Báo cáo Belmont trong cuốn sách “Nguyên tắc đạo đức y sinh” (1979) – một tài liệu có tính khai sáng khác trong lĩnh vực này. Trong đó, tiến sĩ Beauchamp và Childress đã nêu rõ các nghĩa vụ đạo đức của bác sĩ và nhân viên y tế khác đối với bệnh nhân của mình.
Với các tiến bộ y học như liệu pháp gene, tiến sĩ Beauchamp lên tiếng mạnh mẽ về nhu cầu giám sát chặt chẽ hơn nữa khi ngày càng nhiều nghiên cứu chuyển sang các công ty công nghệ sinh học tư nhân.
“Mức độ bất định cao nhất thường xảy ra với những công trình sáng tạo và chưa được kiểm chứng nhất” – tiến sĩ Beauchamp cùng vợ ông là nhà đạo đức sinh học Ruth Faden, viết trong một bài luận trên tờ Baltimore Sun vào tháng 3/2000. “Một số người phải chịu đựng những rủi ro mà cuối cùng khoa học và xã hội được hưởng lợi... Điều quan trọng là chúng ta phải xây dựng một hệ thống bảo vệ không có ‘thiếu sót nghiêm trọng’ cho những người chấp nhận rủi ro tổn hại vì lợi ích của chúng ta”.
Dựa trên quan điểm về đạo đức con người đối với động vật của triết gia người Úc Peter Singer vào những năm 1970, tiến sĩ Beauchamp đã xây dựng các nguyên lý tương tự xoay quanh nghiên cứu y khoa trên động vật.
Nhằm tháo gỡ những điều phức tạp về mặt đạo đức khi tiến hành thử nghiệm trên sinh vật không có khả năng đồng thuận hoặc bày tỏ mối bận tâm của mình, ông đã cùng nhà triết học David DeGrazia viết ra tác phẩm “Nguyên tắc đạo đức về nghiên cứu trên động vật” (2020).
Tiến sĩ Beauchamp thừa nhận rằng thử nghiệm trên động vật đôi khi là một phần quan trọng trong các nghiên cứu thuốc mới và các cải tiến y tế khác. Tuy nhiên, ông thúc giục các nhà nghiên cứu lưu ý tới ngưỡng đau của động vật và ghi nhận các loài linh trưởng cùng các loài khác nhận thức được những điều chúng phải trải qua.
Ông cũng khuyến khích các nhà khoa học nỗ lực tìm kiếm những giải pháp thay thế như mô hình máy tính hoặc tế bào nuôi trong phòng thí nghiệm. “Cuối cùng, cần phải có giới hạn trên về mức độ chúng ta gây hại cho động vật, bất kể lợi ích khoa học. Không một con vật nào đáng phải chịu đựng đau khổ nghiêm trọng trong thời gian dài” – ông trả lời tạp chí Science.
Tom Lamar Beauchamp III chào đời tại Austin, một thành phố tại bang Texas, vào ngày 2/12/1939. Được truyền cảm hứng từ Mục sư Martin Luther King Jr. và nhiều nhà hoạt động khác trong phong trào dân quyền, ông bắt đầu nghiên cứu tôn giáo như một nguồn thay đổi xã hội. Ông lấy bằng cử nhân Thần học và Triết học tại Đại học Southern Methodist năm 1963 và bằng cử nhân Thần học mục vụ từ Trường Thần học Yale năm 1970. Cùng năm đó, ông cũng lấy được bằng tiến sĩ Triết học từ Đại học Johns Hopkins.
Ông tham gia đội ngũ giảng dạy của Đại học Georgetown vào đầu những năm 1970 và sau này đảm nhiệm thêm vị trí học giả nghiên cứu cao cấp tại Viện Đạo đức Kennedy ở ngôi trường này.
NASA từng tham vấn quan điểm của ông Beauchamp về việc sử dụng động vật trong nghiên cứu du hành vũ trụ – một hoạt động được Liên Xô khôi phục vào những năm 1980 theo chương trình quốc tế Bion, dùng khỉ Rhesus, chuột, bò sát và các loài động vật khác để thử nghiệm y tế trong điều kiện không trọng lực.
Một số con vật đã không sống sót sau các nhiệm vụ. Công trình của Beauchamp tại NASA đã cung cấp thông tin cho Báo cáo Sundowner vào năm 1996. Báo cáo đề ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phúc lợi động vật trong các nghiên cứu của cơ quan vũ trụ này khi tuyên bố rằng “động vật xương sống có tri giác”, và giảm thiểu đau đớn lẫn đau khổ cho động vật là “mệnh lệnh đạo đức”.
Tiến sĩ Beauchamp nhận được nhiều giải thưởng cho những đóng góp của mình. Ông được bầu làm Thành viên danh dự Trung tâm Hastings và nhận giải thưởng Người sáng lập Đạo đức sinh học của Trung tâm Hastings (trước đây là Giải thưởng Henry Knowles Beecher) vào năm 2010 vì đóng góp trọn đời cho đạo đức nghiên cứu và nhiều lĩnh vực khác của đạo đức sinh học. Ông nhận Giải thưởng Thành tựu trọn đời cho Sự xuất sắc trong Đạo đức nghiên cứu của Trách nhiệm công cộng trong Y học và Nghiên cứu (PRIM&R) vào năm 2011 và Giải thưởng Thành tựu trọn đời của Hiệp hội Đạo đức sinh học và Nhân văn Hoa Kỳ (ASBH) vào năm 2004.
Nguồn:
washingtonpost.com
Bài đăng KH&PT số 1335 (số 11/2025)