Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, lỗ thủng tầng ozone phía trên Nam Cực trong năm 2020 đã bị mở rộng nhanh chóng từ giữa tháng tám và đạt đỉnh vào đầu tháng mười với diện tích 24 triệu km2 – lớn hơn diện tích nước Nga.
Cùng với sự trợ giúp của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS), Cơ quan Môi trường và Biến đổi Khí hậu Canada, WMO ước tính lỗ thủng hiện nay rộng khoảng 23 triệu km2, lớn hơn so với mức trung bình trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu cho thấy Trái đất sắp phải đối mặt với một thảm họa về môi trường. Lỗ thủng tầng ozone năm nay khá lớn do ảnh hưởng của một xoáy cực (polar vortex) lạnh và mạnh, nhưng rất may là xoáy cực không duy trì trạng thái này vĩnh viễn. Kích thước lỗ thủng tầng ozone thay đổi theo từng năm, đạt mức tối đa từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 và có khả năng trở lại bình thường vào cuối năm. Trên thực tế, các nhà khoa học báo cáo lỗ thủng ozone ở Nam Cực vào năm ngoái là lỗ thủng nhỏ nhất trong vài thập kỷ gần đây.
“Chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị định thư Montreal để ngăn chặn việc phát thải các hóa chất góp phần làm suy giảm tầng ozone”, Vincent-Henri Peuch, Giám đốc Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus của EU, cho biết.
Tầng ozone là một khu vực của tầng bình lưu, nằm ở độ cao từ 15 đến 30 km so với bề mặt Trái đất. Đây là nơi có nồng độ ozone (O3) cao hơn so với các phần khác của khí quyển. Nó hoạt động giống như một lá chắn, hấp thụ phần lớn tia cực tím có hại của Mặt trời. Nhiều hóa chất do con người tạo ra, bao gồm chất làm lạnh và dung môi, có thể trở thành tác nhân làm suy giảm tầng ozone sau khi chúng bay đến tầng bình lưu.
Quốc Hùng (Theo IFLscience)