Trong một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học ở Úc cho biết họ đã tìm thấy “bằng chứng rõ ràng” cho thấy một thiên thạch đã đâm vào Trái đất cách đây 3,47 tỷ năm, có khả năng đã ảnh hưởng đến kiến tạo mảng và tạo ra điều kiện cho sự sống.

Theo các nhà khoa học, hố va chạm cổ nhất được biết đến trước đây có tuổi đời là 2,2 tỷ năm, do đó, phát hiện lần này là hố va chạm lâu đời nhất từng được biết đến trên Trái đất cho đến nay.
Miệng hố nằm ở vùng hẻo lánh có tên Pilbara của Tây Úc - nơi có một số loại đá cổ nhất trên Trái đất. Các nhà khoa học đã xác định được hố thiên thạch này nhờ các khối đá hình nón được gọi là “hình nón vỡ”, hình thành khi sóng xung kích từ vụ va chạm thiên thạch lan truyền xuống phía dưới. Áp suất cực lớn do thiên thạch va chạm làm nứt vỡ lớp đá bên dưới theo dạng phân nhánh, tạo ra các mảnh có hình nón, với đầu nhọn hướng về phía tâm va chạm.
Các khối đá hình nón vỡ cho thấy thiên thạch đã di chuyển với tốc độ khoảng 22.400 dặm một giờ (36.000 km/giờ) khi chạm đất. Ngoài tác động hủy diệt, vụ va chạm này có thể đã góp phần khơi dậy sự sống do vô tình tạo ra các điều kiện vật lý và hóa học cần thiết.
Phát hiện này không chỉ mở ra những hướng đi mới để khám phá cách sự sống bắt đầu trên Trái đất mà còn có thể thay đổi quan điểm của các nhà địa chất về sự hình thành lớp vỏ Trái đất.
Theo Livescience.com
Tin đăng KH&PT số 1335 (số 11/2025)
Kim Dung và nhóm tác giả lược dịch