Các loại vaccine COVID-19 không truyền qua sữa mẹ, nhưng các kháng thể thì có. Điều này mang lại hy vọng trẻ sơ sinh bú mẹ có thể được bảo vệ khỏi dịch bệnh ở một mức độ nhất định.

Molly Siegel đã chờ đợi vaccine COVID-19 từ lâu. Là một bác sĩ sản khoa tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston, cô thường xuyên nhìn thấy những người mang thai bị nhiễm COVID-19 và biết rằng vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân, gia đình và những người khác. Nhưng với đứa con bảy tháng tuổi ở nhà còn đang bú mẹ, Siegel cảm thấy đắn đo.

Theo các tiêu chuẩn từ trước đến nay với các thử nghiệm lâm sàng, những người mang thai và cho con bú không được tham gia vào thử nghiệm vaccine COVID-19. Vì vậy, khi các hệ thống y tế trên toàn thế giới đã bắt đầu tiêm vaccine cho những người trưởng thành đủ điều kiện, những bà mẹ đang cho con bú vẫn chưa biết sẽ phải làm gì.

Siegel nói: “Tôi đã rất thất vọng vì không có nghiên cứu nào về vaccine ở phụ nữ mang thai và cho con bú - với tư cách là một nhóm dân số, họ đã bị loại khỏi nghiên cứu. Thật khó để những bà mẹ và nhà cung cấp vaccine đưa ra quyết định tiêm chủng". Tuy nhiên, Siegel cho rằng hiện vaccine không gây ra rủi ro gì đối với sữa mẹ (chẳng hạn như chứa virus sống), vì vậy, cô đã đi tiêm và sau đó, tặng các mẫu sữa của mình cho các nhà nghiên cứu.

Một bà mẹ cho con bú tại một bệnh viện ở Bỉ.

Giờ đây, nhờ Siegel và những người tham gia khác, các nhà khoa học đang bắt đầu hiểu tác dụng của vaccine COVID-19 đối với sữa mẹ.

Cho đến nay, các nhà khoa học mới chỉ xem xét tác động lên sữa mẹ của các loại vaccine do Pfizer – BioNTech và Moderna sản xuất, và chưa phát hiện thấy vaccine này xuất hiện trong sữa mẹ sau khi tiêm chủng. Nhưng họ tìm thấy các kháng thể chống lại SARS-CoV-2 do cơ thể người mẹ sản xuất.

Stephanie Gaw, nhà giải phẫu học tại Đại học California, San Francisco, cho biết: “Chúng tôi thực sự rất vui mừng với kết quả này. Các nghiên cứu còn nhỏ, và mới bắt đầu, nhưng rất khả quan". Giờ đây, các nhà nghiên cứu muốn biết liệu những kháng thể đó có giúp bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại COVID-19 hay không.

Câu hỏi về vaccine

Trong suốt đại dịch, những người mang thai và những người mới làm mẹ đã phải đối mặt với hàng loạt mối quan tâm và thắc mắc về COVID-19.

Những người mang thai được chẩn đoán mắc COVID-19 có nhiều khả năng phải nhập viện hơn những người cùng tuổi không mang thai. Có thể do cơ thể họ vốn đã chịu áp lực - tử cung ngày càng lớn đẩy lên trên, làm giảm dung tích phổi và hệ thống miễn dịch bị ức chế để không gây hại cho em bé. Những yếu tố đó vẫn tiếp diễn cho đến khi đứa trẻ ra đời. Do đó, một số bác sĩ sản khoa nghi ngờ rằng những người đang cho con bú cũng dễ bị nhiễm COVID-19 nặng.

Kết luận này có thể khuyến khích các bà mẹ đang cho con bú tiêm vaccine, nhưng các nhà khoa học không chắc bà mẹ, cũng như sữa mẹ, sẽ phản ứng với vaccine như thế nào.

Vì vậy, Kathryn Grey, chuyên gia y học về bà mẹ và thai nhi tại Brigham and Women's Hospital ở Boston, Massachusetts, và các đồng nghiệp đã quyết định kiểm tra hoạt động của vaccine Pfizer – BioNTech và Moderna trong nhóm này. Họ tìm 131 phụ nữ đã tiêm vaccine thuộc một trong ba nhóm: đang cho con bú, có thai, và không có thai. Và họ phát hiện, những người đang cho con bú (bao gồm Siegel và 30 người khác) tạo ra phản ứng kháng thể mạnh mẽ giống như những người không cho con bú, nói cách khác, vaccine cũng có lợi cho các bà mẹ đang cho con bú như đối với người không mang thai.

Nghiên cứu thứ hai của nhóm Gaw, đăng trên máy chủ medRxiv, đồng ý với kết quả trên. Nhóm Gaw đã lấy máu từ 23 người tham gia đang cho con bú và nhận thấy ở họ cũng xuất hiện các kháng thể chống lại SARS-CoV-2 sau hai mũi tiêm.

Nhưng đối với nhiều bậc cha mẹ, một câu hỏi quan trọng là liệu vaccine COVID-19 có gây hại cho trẻ bú mẹ hay không. Dù sao thì có một số loại thuốc không được khuyến khích sử dụng trong thời kỳ cho con bú vì chúng truyền sang trẻ sơ sinh qua sữa mẹ. Ví dụ, các bà mẹ cho con bú không nên dùng aspirin liều cao; ngay cả sau khi dùng liều thấp, các bà mẹ được cảnh báo nên theo dõi trẻ sơ sinh để đề phòng các dấu hiệu bầm tím và chảy máu. Một số loại vaccine cũng bị hạn chế sử dụng khi cho con bú. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyên các bà mẹ cho con bú không nên tiêm vaccine sốt vàng, có sử dụng một dạng virus sống đã suy yếu, vì nếu tiêm thì có khả năng virus truyền sang trẻ sơ sinh.

Vì những trường hợp như vậy, một số dược sĩ và nhà quản lý tiêm chủng đã khuyến khích các bà mẹ cho con bú tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vaccine COVID-19.

Kirsi Jarvinen-Seppo, nhà miễn dịch học tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester ở Rochester, New York, cho biết: “Tôi nghĩ điều đó rõ ràng cho thấy sự thiếu hiểu biết. Hiện đang có một lượng lớn thông tin sai lệch ở khắp nơi".

Không giống như vaccine sốt vàng da, vaccine COVID-19 không có nguy cơ gây nhiễm trùng. Ngoài ra, vaccine COVID-19 rất khó đi vào sữa mẹ. Lý do, RNA thông tin được sử dụng trong vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna, được thiết kế để phân hủy nhanh đến mức nó không bao giờ rời khỏi các tế bào nơi nó được tiêm vào - chứ đừng nói đến chuyện đi vào máu và sau đó là vú và sữa mẹ. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu cho rằng không có vaccine COVID-19 nào hiện tại sẽ đi vào sữa mẹ.

Vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các bà mẹ vẫn nên tiếp tục cho con bú sau khi tiêm vaccine Pfizer - BioNTech phòng COVID. Ngoài ra, CDC Mỹ và Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng của Vương quốc Anh cũng đưa ra các tuyên bố tương tự ngay sau khi các vaccine đầu tiên được cấp phép ở cả hai quốc gia: không có mối lo ngại về an toàn nào, vì vậy những người đang cho con bú có thể chọn tiêm vaccine.

Vì vậy, Gaw và các đồng nghiệp đã thực hiện một cuộc kiểm tra an toàn. Trong một nghiên cứu nhỏ, nhóm của cô đã xem xét các mẫu sữa mẹ từ 6 người tham gia trong vòng hai ngày sau khi họ nhận vaccine Pfizer – BioNTech hoặc Moderna và không tìm thấy dấu vết của mRNA trong cả hai trường hợp. (Nhóm hiện đang tìm kiếm nhiều mẫu sữa hơn để tìm các thành phần khác nhau của vaccine và mở rộng nghiên cứu ra tất cả các loại vaccine COVID-19 hiện có ở Mỹ.)

Các nhà khoa học nghiên cứu các mẫu sữa mẹ đã phát hiện chúng mang kháng thể chống lại COVID-19 từ việc tiêm chủng.

Vàng lỏng

Nhưng có một thứ mà các nhà khoa học mong muốn nhìn thấy trong sữa mẹ sau khi tiêm vaccine: kháng thể chống lại COVID-19.

Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết rằng trẻ sơ sinh không sản xuất được các kháng thể chống lại vi khuẩn và virus có hại một cách hiệu quả. Và để giúp bảo vệ trẻ sơ sinh, sữa mẹ chứa đầy các kháng thể có khả năng ngăn chặn các mối đe dọa tiềm ẩn.

Điều này cũng có thể đúng với kháng thể COVID-19. Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện, sữa mẹ từ những người mẹ phục hồi sau COVID mang kháng thể chống lại bệnh. Và một loạt các nghiên cứu nhỏ đã tìm thấy kháng thể COVID trong sữa mẹ từ những người được tiêm vaccine.

Khi Grey và các đồng nghiệp kiểm tra máu và sữa của những bà mẹ đang cho con bú đã được tiêm vaccine COVID-19, họ cũng tìm thấy lượng kháng thể COVID-19 cao trong các mẫu thử.

Đó là một phát hiện đặc biệt thú vị khi trẻ sơ sinh hiện là nhóm không đủ điều kiện tiêm bất kỳ loại vaccine COVID-19 hiện có nào (mặc dù cả Pfizer – BioNTech và Moderna đều đã bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19 ở nhóm trẻ dưới sáu tháng).

Trong khi COVID-19 thường chỉ gây bệnh nhẹ ở nhóm dân số trẻ, thì trẻ nhỏ dưới hai tuổi mắc COVID vẫn có nhiều khả năng phải nhập viện hơn trẻ trên hai tuổi. Ngoài ra, trẻ sơ sinh và trẻ em có thể phát triển một căn bệnh nghiêm trọng được gọi là MIS-C (hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em), trong đó, các bộ phận khác nhau của cơ thể bị viêm sau khi trẻ nhiễm COVID-19.

Nhưng ẩn số lớn hiện nay là cho dù trong sữa mẹ có kháng thể chống COVID-19, trẻ sơ sinh có thể được bảo vệ nhờ kháng thể đó hay không.

Những nghiên cứu ban đầu cho kết quả đầy hứa hẹn. Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu ở Hà Lan đã thu thập các kháng thể từ sữa mẹ của những người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó và phát hiện, các kháng thể đó có thể vô hiệu hóa virus trong điều kiện thử nghiệm.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Israel cũng cho thấy các kháng thể được tạo ra trong sữa mẹ sau khi tiêm chủng có thể ngăn chặn virus lây nhiễm vào tế bào. Yariv Wine, nhà miễn dịch học tại Đại học Tel Aviv và là đồng tác giả của bài báo từ Israel, cho biết, họ dự đoán rằng những kháng thể này sẽ bảo vệ em bé.

Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu các kháng thể có thể tồn tại lâu dài. Các nhà khoa học vẫn chưa biết những người được tiêm chủng sẽ tiếp tục tạo ra kháng thể COVID-19 trong bao lâu, nhưng bằng chứng cho thấy người được tiêm sẽ tạo ra kháng thể trong một thời gian đáng kể. Một nghiên cứu trên 33 người cho thấy, việc sản xuất kháng thể ở người lớn được tiêm vaccine Moderna vẫn tiếp diễn trong ít nhất 6 tháng. Điều này có nghĩa là trẻ bú sữa sẽ tiếp tục nhận được kháng thể bảo vệ từ mẹ - mặc dù nồng độ kháng thể trong sữa mẹ giảm theo thời gian.

Và quan trọng là trẻ phải liên tục được bổ sung kháng thể. Các nhà khoa học ngờ rằng các kháng thể có trong sữa mẹ sẽ bị tiêu hóa trong ruột của trẻ sau vài giờ hoặc một ngày. Có nghĩa là khả năng miễn dịch ở trẻ có thể sẽ biến mất sau khi ngừng bú.

Nhưng ngay cả đối với những trẻ liên tục được bú sữa mẹ hoàn toàn, các bác sĩ lâm sàng khuyến khích các bà mẹ tiếp tục tuân thủ các chiến lược bảo vệ khi họ có khách đến thăm. Andrea Edlow, chuyên gia y học bà mẹ - thai nhi tại Trường Y Harvard và Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, người đã làm việc trong nghiên cứu với Gray, cho biết: “Bất kỳ ai tiếp xúc với em bé thực sự nên tiêm phòng và nên đeo khẩu trang".

Nhìn chung, kết quả cho đến nay vẫn đủ hứa hẹn để hầu hết các chuyên gia khuyến khích các bà mẹ đang cho con bú tiêm phòng COVID-19.

Nguồn: