“Mặt khác của trăng” là tuyển tập những bài viết về Nhật Bản của nhà nhân chủng học lỗi lạc Claude Lévi – Strauss, trình bày một cách hệ thống những khía cạnh tiềm năng của văn hóa Nhật Bản nói riêng và rộng hơn là một quan điểm phổ quát về những nền văn minh đại dương nói chung.

Claude Lévi – Strauss (1908-2009) có một niềm đam mê và gắn bó dài lâu với đất nước Nhật Bản, được nuôi dưỡng ngay từ thuở ấu thơ: “[...] cha tôi, vốn là họa sĩ, hồi trẻ đã sưu tập một thùng các-tông chất đầy các bức tranh mộc bản của Nhật Bản, vào quãng năm tôi 5 hay 6 tuổi, ông đã cho tôi một bức [....], kể từ đó mỗi khi có thành tích học tập ở trường tôi lại được thưởng một bức tranh khắc Nhật Bản [...], vì thế có thể nói tuổi ấu thơ và một phần tuổi niên thiếu, tình cảm và suy nghĩ của tôi đã trải rộng cả ở Nhật Bản lẫn Pháp, nếu không muốn nói là ở Nhật Bản nhiều hơn”.

Từ năm 1977 đến năm 1988, ông đã đến thăm đất nước “Mặt trời mọc” tổng cộng năm lần, văn hóa Nhật Bản thường xuyên xuất hiện trong các suy ngẫm của ông, cuốn “Mặt khác của trăng” là kết quả của những tìm tòi và nghiền ngẫm đó. Cuốn sách gồm những bài viết về Nhật Bản của Lévi – Strauss, xuất bản rải rác trên các tạp chí từ năm 1977 đến năm 2001, trình bày một cách hệ thống những khía cạnh tiềm năng của văn hóa Nhật Bản nói riêng và rộng hơn là một quan điểm phổ quát về những nền văn minh đại dương nói chung.

Cuốn sách được xuất bản với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp và Viện Pháp tại Việt Nam.

Trong thời gian lưu trú tại Nhật Bản, ông đã đến những ngôi làng và những ngõ ngách xa xôi nhất, tiến hành quan sát chăm chú, tỷ mỉ các kỹ năng của những người thợ dệt, thợ nhuộm, thợ vẽ kimono, thợ gốm, thợ rèn, thợ tiện gỗ, thợ sơn mài, người nấu rượu sake, các đầu bếp, thợ làm bánh, các nhạc công chơi nhạc cụ truyền thống... Ông đặc biệt nhạy cảm với sự tinh tế và trau chuốt của các đồ thủ công như sơm mài và gốm sứ, đồng thời có “sở thích về những vật liệu được để nguyên ở trạng thái thô thiển, những bố cục thô ráp, những hình thù không đều nhau hoặc không đối xứng”. Ông cũng ngưỡng mộ “cái cách mà người Nhật hình dung về lao động: không phải như việc con người tác động lên một chất liệu trơ ỳ, theo kiểu Phương Tây, mà như việc thiết lập một mối quan hệ thân thiết giữa con người và thiên nhiên”.

Lévi – Strauss nhận thấy văn minh Nhật Bản là “một nền văn minh có thanh điệu, mỗi sự vật đồng thời thuộc về nhiều cung bậc”, sự độc đáo của Nhật Bản cũng thể hiện ở thang âm ngũ cung, nơi mà âm thanh không bị trộn lẫn mà được điều chỉnh ở “trạng thái tinh khiết của chúng”. Ông cũng có “một mối tình sét đánh thật sự với các món ăn Nhật Bản”, đến mức trong thực phẩm hằng ngày luôn phải có tảo và cơm nấu theo kiểu Nhật Bản. Nền ẩm thực Nhật Bản đúng là nền ẩm thực mà nhà nhân chủng học đã ấp ủ và tâm đắc từ lâu kể từ khi gặp gỡ nền văn minh của người da đỏ ở Brazil, một nền ẩm thực “hầu như không có chất béo, chúng giới thiệu các sản phẩm tự nhiên ở trạng thái thuần khiết và để cho người dùng tự do lựa chọn cách phối hợp tùy theo sự chủ quan của riêng mình”.

Điều làm nên giá trị của văn hóa Nhật Bản, theo Lévi – Strauss, đó là sự thanh khiết về tinh thần và trí óc, luôn hướng tới tính đơn giản, một thái độ “biệt lập chủ nghĩa”, một thái độ “ly khai”, điều được thể hiện rõ nét trong nghệ thuật đồ họa và ẩm thực truyền thống của đất nước này - chúng luôn tìm cách loại trừ sự pha trộn và làm nổi bật lên những yếu tố cơ bản. Ông còn đẩy vấn đề đi xa hơn nữa khi cho rằng sở thích của người Nhật nghiêng về khuynh hướng “phân biệt hóa” (discrimination), một khuynh hướng tương đương với những quy tắc mà Descartes đã phát biểu và dùng làm nền tảng cho phương pháp của ông: “bắt buộc phải chia nhỏ vấn đề thành các phần nhỏ để có thể giải quyết chúng tốt nhất [...], phải liệt kê đầy đủ để chắc chắn không bỏ sót gì”. Lévi – Strauss tin rằng: “...thay vì một thuyết Descartes mang tính khái niệm, Nhật Bản từ xa xưa đã có một thuyết Descartes cảm tính hay mỹ học”.

Năm 1986, Lévi – Strauss đến đảo Kyûshû, địa điểm được xem như trái tim của Nhật Bản cổ đại, nơi khởi nguồn các huyền thoại lập quốc. Khi thăm núi Kirishima nơi Ninigi-no-Mikoto (nhân vật huyền thoại trong Thần đạo Nhật Bản, vị vua đầu tiên của nước Nhật) từ trên trời bước xuống hay tham quan đền Ama-no-iwato, đối diện với cái hang nơi Ǒhirume, nữ thần Mặt trời Amaterasu tự giam mình, Lévi – Strauss đã có những cảm xúc sâu sắc hơn cả khi đi thăm những thánh địa trên đất Palestine, những địa điểm nổi tiếng gắn với đạo Do Thái và Kitô Giáo, theo ông bởi đó là những địa điểm gắn bó với huyền thoại: “Ở Kyûshû, người ta đắm mình trong một không khí huyền thoại thực sự, câu hỏi về tính lịch sử không được đặt ra hay nói chính xác hơn, nó không thích đáng trong bối cảnh này”. Những gì Lévi – Strauss đã cảm nhận ở đây cho thấy một xã hội Nhật Bản “thân thuộc và gắn bó sâu sắc với thần thoại”, điều mà 30 năm trước đó ông đã viết trong cuốn Nhiệt đới buồn: một “tính vĩ đại không thể xác định của sự khởi đầu”.

Khác với truyền thống duy lý Phương Tây đặt chủ thể như là điểm xuất phát bắt buộc của mọi suy tư triết học, mọi công cuộc tái thiết thế giới bằng tư tưởng: “tôi tư duy, vậy thì tôi tồn tại” (Descartes), nhưng ở Nhật Bản, Lévi – Strauss lại nhận thấy, thay vì xem là nguyên nhân, tư tưởng truyền thống ở đây lại coi chủ thể như là kết quả. Ngay việc tiếp nhận một công cụ rất thông dụng do người Trung Hoa phát minh ra là cái cưa, người Nhật cũng sử dụng theo một cách hoàn toàn khác, ở thời điểm bắt đầu, thay vì đẩy ra phía trước, người thợ lại kéo về phía mình, hành động này, theo Lévi – Strauss: “bằng việc tự đặt mình là điểm đến chứ không phải là điểm xuất phát [...], nó biểu hiện khuynh hướng tự định nghĩa chính mình từ bên ngoài, tùy theo vị trí của mình trong gia đình, trong nhóm bạn bè cùng nghề nghiệp, môi trường địa lý, rộng hơn nữa là trong đất nước và xã hội, dường như Nhật Bản đã lộn ngược, giống như chúng ta lộn ngược một chiếc găng tay...”

Dẫu luôn hướng cái nhìn về những quá khứ xa xăm, Lévi – Strauss vẫn không giấu nổi sự ngưỡng mộ của ông đối với xã hội Nhật Bản đương đại, một xã hội duy nhất hiện nay mà ông cho rằng, sự xuất hiện của những công nghệ hiện đại không phá hủy các truyền thống mà ngược lại, còn giúp hồi sinh chúng. Chính vì thế, Lévi – Strauss đã khẳng định mạnh mẽ, thông qua hình mẫu Nhật Bản, một xã hội có thể thay đổi khác đi với những gì trước đó mà không nhất thiết phải “bức tử”, phải thay thế một nền văn hóa này bằng một nền văn hóa khác: “Giữa việc trung thành với quá khứ và những biến đổi do khoa học kỹ thuật đem lại, Nhật Bản có lẽ là nước duy nhất trong tất cả các quốc gia, cho đến bây giờ, biết cách tìm ra một sự cân bằng”.

“Mặt khác của trăng” được Lévi-Strauss viết không phải với quan điểm của một nhà nhân chủng học theo nghĩa nghiêm ngặt nhất của từ này. Ở đây không có những suy ngẫm về cấu trúc và những phân loại nhân chủng học như ta thường gặp trong những tác phẩm khác của ông. Dường như đây là những suy niệm mang âm hưởng thiền định của Phật giáo nhiều hơn là những suy niệm triết học theo kiểu Descartes. Qua những trang viết này, chúng ta bắt gặp một Lévi-Strauss với một tâm hồn nghệ sĩ, rất nhạy cảm với nghệ thuật và cái đẹp. “Một Lévi-Strauss đam mê Nhật Bản” như nhà nhân chủng học Nhật Bản Junzo Kawada đã viết trong lời tựa, “người đã chắt lọc tư tưởng của mình để viết ra những trang sách thấm đẫm hương vị của rong biển và tảo biển, thấm đẫm một tình yêu với đất nước và con người Nhật Bản”.