GS.TS. Vũ Đình Thống và các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã ghi nhận 26 loài dơi thuộc 12 giống, 7 họ sinh sống trong một số hang động ở Việt Nam.
Từ lâu, dơi vẫn được xem là nguyên nhân gây dịch bệnh hàng đầu, bởi vì bản thân chúng là kho chứa virus khổng lồ. Coronavirus gây bệnh SARS; hội chứng suy hô hấp Trung Đông MERS, virus Ebola, virus Nipah đều có nguồn gốc từ loài dơi. Gần nhất, Tổ chức Y tế Thế giới WHO và nhiều nhà khoa học trên thế giới nhận định: SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ các loài dơi hoặc một số loài động vật hoang dã khác.
Bất chấp những rủi ro mà dơi có thể mang đến, GS.TS. Vũ Đình Thống và các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nhận thấy mỗi năm, có từ hàng nghìn đến hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan những hang động có dơi sinh sống. Trường hợp những loài dơi sinh sống ở hang động du lịch mang SARS-CoV-2 và những virus khác có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch ảnh hưởng đến sức khoẻ của khách tham quan và cộng đồng.
Nhằm tìm ra những dẫn liệu khoa học và phát hiện mới liên quan tới một số loài dơi cư trú tại những hang động du lịch tập trung khách tham quan, GS.TS. Vũ Đình Thống và cộng sự đã tiến hành đề tài “Nghiên cứu hiện trạng đa dạng của các loài dơi ở hang động du lịch của Việt Nam và xét nghiệm các chủng coronavirus có khả năng gây bệnh dịch đối với con người”.
Theo
thông tin từ Trung tâm Thông tin - Tư liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), trong khuôn khổ nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định thành phần loài dơi sinh sống trong một số hang động ở Khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, Vườn Quốc gia Cúc Phương và Vườn Quốc gia Cát Bà.
Cụ thể, nhóm đã ghi nhận 26 loài dơi thuộc 12 giống, 7 họ sinh sống trong một số hang động ở Việt Nam (bao gồm 18 loài thuộc 7 giống, 6 họ ở Khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An; 21 loài thuộc 9 giống, 6 họ trong Vườn Quốc gia Cúc Phương; 16 loài thuộc 8 giống, 5 họ tại Vườn Quốc gia Cát Bà).
Trong đó, có loài Dơi nếp mũi hạ long (Hipposideros alongensis) đặc hữu của Việt Nam và 8 loài khác được ghi nhận ở cả ba khu vực nghiên cứu (Hipposideros armiger, H. poutensis, H. gentilis, Rhinolophus affinis, R. marshalli, R. pearsoni, R. pusillus, Tophozous melanopogon); 4 loài được ghi trong Danh lục Đỏ của IUCN ở mức cần quan tâm bảo tồn gồm 3 loài ở mức “Sẽ nguy cấp - VU” (Hipposideros alongensis, H. khaokhouayensis, Myotis pilosus) và một loài ở mức “Gần bị đe doạ - NT” (Ia io).
Kết quả nghiên cứu đã được nhóm công bố trong các bài báo như
bài báo Genotype and Phenotype Characterization of Rhinolophus sp. Sarbecoviruses from Vietnam: Implications for Coronavirus Emergence trên tạp chí
Viruses,
bài báo New records on Distribution and Hosts of Brachytarsina cucullata and Raymondia pseudopagodarum (Diptera: Streblidae) in Vietnam trên tạp chí
HNUE Journal of Science,
bài báo Remarks on the Diversity and Echolocation Calls of Hipposiderid Bats (Chirroptera: Hipposideridae) in Cuc Phuong National Park, Northeastern Vietnam trên tạp chí
Academia Journal of Biology.
GS.TS. Vũ Đình Thống cho biết nghiên cứu này đã cung cấp những dẫn liệu mới về nhiễm sắc thể của tổ hợp loài Dơi lá mũi pecxon (Rhinolophus pearsonii) ở khu vực nghiên cứu và trong phạm vi phân bố hiện biết của chúng, bao gồm Việt Nam và những nước lân cận. Những dẫn liệu đầu tiên về thành phần loài dơi ở Khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An cũng được đưa ra trong nghiên cứu.
Đồng thời, các nhà khoa học còn chỉ ra những dẫn liệu mới về đặc điểm tiếng kêu siêu âm của các loài dơi thuộc họ Dơi nếp mũi (Hipposideridae) ở Vườn Quốc gia Cúc Phương và tập tính tiếng kêu siêu âm của loài Dơi nếp mũi hạ long (Hipposideros alongensis) đặc hữu của Việt Nam. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu tiến hành xét nghiệm nhiều mẫu sinh phẩm thu từ những cá thể dơi được tìm thấy, trong đó, bước đầu xác định được 22 mẫu thuộc loài Dơi lá đuôi (Rhinolophus affinis) dương tính với coronavirus. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, xét nghiệm và phân tích kỹ trong thời gian tới để khẳng định kết quả.