Phần dẫn nhập của cuốn sách do Anthony Reid và Trần Tuyết Nhung, hai sử gia đến từ hai thế hệ khác nhau, cùng chấp bút, đã phác thảo những khoảng trống và thành kiến về bản chất của lịch sử Việt Nam. Hầu như bản chất của lịch sử Việt Nam thời kỳ tiền thuộc địa dưới góc nhìn của cả chủ nghĩa dân tộc lẫn chủ nghĩa thực dân đều chung quy lại ba đặc trưng:
tính cô lập,
tính tự cung tự cấp và
đời sống nông dân - nông nghiệp - nông thôn. Và để hiểu rõ hơn đặc tính truyền thống của xã hội Việt Nam tiền thuộc địa, tham luận đầu tiên do nhà sử học Phan Huy Lê chấp bút, bổ sung cho lời kêu gọi phá vỡ các giới hạn truyền thống bằng cách nhấn mạnh việc tiếp cận các kho lưu trữ và tăng đối thoại học thuật. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu vượt xa các mô tả đơn tuyến về một xã hội nông thôn truyền thống, dần khơi gợi sự tồn tại về tính năng động văn hóa, đa dạng địa lý và sự chuyển đổi kinh tế xã hội của Việt Nam.
Chín tham luận còn lại của cuốn sách được chia đều cho ba chương, đại diện cho ba vấn đề vẫn còn nhiều tranh cãi và mâu thuẫn của lịch sử Việt Nam truyền thống: (1) Cuộc tranh luận khác biệt giữa Việt với Hán; (2) Vấn đề
Nam tiến và mở rộng của người Việt về phía Nam bán đảo Đông Dương; (3) Những tương tác giữa xã hội Việt Nam với phương Tây.
Trong đó, ở Chương I, Yu Insu đã đánh giá các nhận định và phẩm bình của hai học giả Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên đối với bản sắc Đại Việt trước văn hóa Trung Hoa sau khi nước Đại Việt giành được độc lập. Nhận định của hai sử quan phong kiến phản ánh hoàn cảnh lịch sử khác nhau của họ. Lê Văn Hưu đã trải qua những năm tháng hào hùng của
hào khí Đông A, nhìn lịch sử Đại Việt thông qua việc đánh giá tiền nhân có công đức như thế nào trong việc mở mang bờ cõi, giữ vững biên thùy và chống giặc ngoại xâm. Trái lại, Ngô Sĩ Liên sử dụng đạo đức
Tân Nho giáo - hệ tư tưởng được triều đình thúc đẩy - để đánh giá các nhân vật lịch sử trên cơ sở đức hạnh của họ trước tiên. Trần Tuyết Nhung, thông qua việc nghiên cứu bộ luật Hồng Đức, cho thấy kiến tạo Việt đối lập với Hán ra sao khi nhận xét vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam truyền thống.
Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu của học giả Tôn Lai Thần về kỹ thuật hỏa khí của Đại Việt và Trung Hoa thế kỷ XV. Nghiên cứu này thậm chí cho thấy nhiều khía cạnh từng bị bỏ qua trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam trung đại, bao gồm: lịch sử công nghệ kỹ thuật Việt Nam (mà đặc biệt là công nghệ kỹ thuật vũ khí); vai trò của công nghệ hỏa khí đối với sự bành trướng và phát triển của nhà nước Đại Việt; tham vọng
Tây tiến dưới thời Lê Thánh Tông phải chăng còn nhằm hướng tới những trung tâm thương mại xuyên lục địa giàu có; phải chăng vũ khí kết hợp với mô hình Hán hóa hơn của Lê Sơ đã giải quyết dứt điểm cuộc tranh chấp giữa người Việt và người Chăm trong việc xác lập chủ thể chính của lịch sử Việt Nam.
Nếu như Yu Insu hay Trần Tuyết Nhung cố gắng chứng minh việc tái dựng bản sắc Việt đối lập với bản sắc Hán; thì Tôn Lai Thần dường như chứng minh rằng bản sắc Hán với hỏa khí kỹ thuật Trung Hoa được cải tiến chính là câu trả lời cho sự hùng mạnh của nhà Lê Sơ. Nếu chúng ta nhớ lại, chiến thắng chớp nhoáng của nhà Minh trong cuộc xâm lược Đại Ngu được đánh dấu bằng ưu thế áp đảo của công nghệ thuốc súng. Bằng việc sử dụng hỏa khí trên quy mô lớn, nhà Minh đã chấm dứt ưu thế tượng binh truyền thống của người Việt trong trận Đa Bang. Và cũng chỉ trước đó chưa đầy hai thập kỷ, một loạt hỏa khí đã cứu vớt kịp thời nền độc lập của Đại Việt thời Trần vốn như ngọn đèn trước gió bởi bước tiến như vũ bão của Chế Bồng Nga. Kể từ khi độc lập khỏi Trung Hoa, Đại Việt và Champa đã lâm vào một cuộc đấu tranh cân sức, bất phân thắng bại dù ưu thế thường nghiêng về người Việt trong suốt khoảng năm thế kỷ. Tuy nhiên, với sự áp đảo từ hỏa lực của quân đội Đại Việt thời Lê Thánh Tông cùng mô hình tập quyền ưu việt hơn học hỏi từ Trung Hoa, cuộc đối đầu này đã ngã ngũ. Năm 1471, thành Đồ Bàn sụp đổ, kéo theo sự lụi tàn không thể cưỡng lại của Champa.
Nam tiến chính thức trở thành một điều tất yếu của lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, việc tìm thấy các đại bác Đại Việt ở Lào cho thấy một tham vọng còn ít được chú ý của Đại Việt,
Tây tiến. Có thể nói, dưới thời Lê Thánh Tông, việc áp dụng mô hình tập quyền Trung Hoa và sử dụng ồ ạt hỏa khí không chỉ cho thấy tham vọng bá quyền của Hoàng đế, sức sống cho đế chế Đại Việt mà còn cả những ảnh hưởng to lớn của yếu tố Hán trong chính sự kiến tạo độc lập của bản sắc Việt.
Chương II là chương mà vấn đề
Nam tiến của người Việt được quan tâm và xem xét lại trong bối cảnh chính trị phức tạp của những thế kỷ XV-XVIII. Li Tana lập luận rằng Đàng Trong là một không gian mở, với những đường biên “
nước” mềm mỏng và thường xuyên dịch chuyển. Bà phác họa lại các tuyến đường buôn lậu kết nối các cảng nhỏ trên khắp Đông Nam Á với thị trường Trung Hoa trước khi Gia Định hợp nhất thành trung tâm thương mại chính ở Đàng Trong. Đồng thời, Li Tana cũng cho rằng chính sự mơ hồ về khả năng quản lý vùng biên, sự khó phân định chức trách và giới hạn lãnh thổ đã cho phép thương mại phi quan phương khởi sắc ở vùng châu thổ sông Cửu Long, trước khi một chính quyền trung ương mạnh có thể kiểm soát vùng đất này.
Wynn Wilcox khi nghiên cứu về cuộc đối đầu giữa nhà Tây Sơn và thế lực chúa Nguyễn (và sau đó là triều đình Gia Long) đã cho thấy cuộc đối đầu vượt qua những biên giới địa lý thông thường và tính đa dạng về sắc tộc-văn hóa tham gia. Trong những năm tháng lận đận và gian khổ nhất của mình, Gia Long đã phải vận dụng tối đa mọi lợi thế và nguồn lực ở vùng biên giới bất định và mơ hồ này để tạo dựng cơ sở quyền lực. Ông không ngần ngại chấp thuận sự gia nhập của bất cứ ai vào lực lượng của mình, không phân biệt người Việt, Hán, Khmer, Chăm,... cho đến cả lính đánh thuê phương Tây. Bản thân những người Việt đã phục vụ trong triều đình Gia Long cũng đến từ những nhóm dân cư khác nhau, khiến cho lịch sử Việt Nam thời Gia Long không thể đơn thuần quy thành hai nhóm “
thân Pháp” hay “
Hán học”.
Charles Wheeler từ trường hợp nghiên cứu cảng thị Hội An đã cho thấy sự thịnh vượng của cảng thị không phải là kết quả của việc người Việt
Nam tiến thay thế cho người Chăm trước đây, như một định mệnh hiển nhiên của người Việt. Mà trái lại, đó là kết quả của những thế kỷ hòa nhập liên tục (cả cưỡng ép lẫn không cưỡng ép) giữa những nhóm cư dân người Việt, người Chăm, người Hoa - mà trong một số thời kỳ, còn có cả người Mã Lai, Nhật và phương Tây.
Trong Chương III, George Dutton viết lại cuộc đời đáng chú ý của Philiphê Bỉnh, một linh mục Dòng Tên người Việt đã dành hơn 35 năm ở Bồ Đào Nha để ghi chép về cuộc sống thường nhật trong khi vận động hành lang, nhưng không thành công, để cử một giám mục Dòng Tên đến Việt Nam. Thay vì tập trung vào thất bại này, Dutton ca ngợi Bỉnh là một học giả uyên bác, người đã diễn giải học thuyết tôn giáo và phong tục châu Âu cho độc giả Việt Nam. Các tác phẩm của Bỉnh đại diện cho bức tranh nhận thức đầy đủ nhất của người Việt Nam thời tiền thuộc địa về châu Âu cũng như là khối lượng lớn nhất còn sót lại của chữ quốc ngữ thời tiền thuộc địa. James Daughton xem xét các nghiên cứu về Giám mục Pigneau de Béhaine xứ Adran (Bá Đa Lộc), người đã yêu cầu Versailles hỗ trợ cho Gia Long trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn. Là một nhân vật đầy tranh cãi, hành động của ông thường được coi là bước mở đầu cho quá trình thực dân hóa Việt Nam của người Pháp. Daughton cho rằng Pigneau chủ yếu được thúc đẩy bởi mối quan tâm chính yếu là phục vụ đức tin. Và phải đến một thế kỷ sau, niềm tin rằng ông làm điều này để phục vụ lợi ích nước Pháp mới được chính các nhà truyền giáo Pháp tuyên truyền như một cách để gắn liền sứ mệnh truyền giáo với sứ mệnh “
khai hoá văn minh” của chính quyền thuộc địa.
Xét về tổng thể, bằng cách tập trung vào tính lai tạp, tính lưu động và tính không chắc chắn trong các tương tác của người Việt với người Trung Hoa, các dân tộc khác ở Đông Nam Á và người châu Âu,
Việt Nam: Borderless Histories đã thành công rực rỡ trong việc khôi phục lại những vấn đề từng bị bỏ qua trong khi xác lập lịch sử quốc gia theo dấu ấn dân tộc chủ nghĩa thuần túy. Tuy nhiên, cuốn sách vẫn chưa đủ chứng minh thuyết phục về những gì mà chương Dẫn nhập đã nêu ra:
tính toàn cầu,
bản địa hóa,
sự mơ hồ hay
tính trung lập về chính trị. Điều đáng quý ở đây, các nghiên cứu đều hướng đến cung cấp những phát hiện thú vị và khơi gợi những hướng nghiên cứu mới.