Những chuyến lưu trú của Albert Einstein tại thành phố Oxford (Anh) khi Chủ nghĩa Quốc xã trỗi dậy tại Đức gắn liền với mối quan hệ bạn bè thân thiết giữa ông và Frederick Lindemann, một nhà vật lý nổi tiếng thời bấy giờ nhưng gần như đã bị lãng quên trong thời hiện đại.

Albert Einstein (trái) và Frederick Lindemann (phải). Ảnh: Nature
Albert Einstein (trái) và Frederick Lindemann (phải). Ảnh: Nature

Vào thập niên 1930, trước khi xảy ra Thế chiến II, hàng trăm nhà nghiên cứu di cư từ lục địa châu Âu đến Vương quốc Anh và Mỹ trước mối đe dọa ngày càng tăng của Đức Quốc xã.

Einstein có lẽ là người nổi tiếng nhất trong số những nhà khoa học tị nạn này. Năm 1933, trước khi di cư vĩnh viễn sang Mỹ, ông đã ở Vương quốc Anh khoảng hai tháng – đầu tiên là tại Oxford, sau đó là Glasgow, London và Norfolk.

Einstein ban đầu đến Oxford theo lời mời của Frederick Lindemann – một nhà vật lý thực nghiệm người Đức khi đó đang làm việc tại Đại học Oxford (Anh) – để trình bày các bài thuyết giảng chuyên sâu. Khi chiến tranh sắp nổ ra, Lindemann khuyến khích các nhà vật lý hàng đầu châu Âu, những người đang lo lắng về sự đàn áp của Đức Quốc xã, đến làm việc trong khoa vật lý của Đại học Oxford.

Mối quan hệ bền chặt giữa Einstein và Lindemann khá thú vị, ngay cả khi nó không được ghi chép rõ ràng trong các tài liệu lịch sử.

Hai nhà vật lý gặp nhau lần đầu tiên tại Hội nghị Solvay diễn ra ở Brussels (Bỉ) vào năm 1911. Nội dung của hội nghị tập trung vào lý thuyết mới nổi về bức xạ và lượng tử. Sự kiện này đã tập hợp những nhà khoa học giỏi nhất thời bấy giờ để cố gắng thống nhất vật lý cổ điển và vật lý lượng tử.

Lindemann, người nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Humboldt Berlin (Đức) vào năm 1910, là nhà khoa học trẻ tuổi nhất trong số khách mời tham dự hội nghị. Năm 1911, ông đã thực hiện một thí nghiệm xác nhận dự đoán của Einstein về hành vi của các chất rắn ở nhiệt độ cực thấp dựa trên lý thuyết lượng tử vào năm 1907. Điều này khiến Einstein rất vui mừng.

Năm 1914, Lindemann rời bỏ quê hương Đức để làm việc cho lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, trước khi trở thành giáo sư vật lý tại Đại học Oxford vào năm 1919. Ông làm việc tại Phòng thí nghiệm Clarendon, nơi ông đã cống hiến hết mình để phục hồi lĩnh vực nghiên cứu “triết học thực nghiệm” đang lâm vào cảnh thoái trào tại Đại học Oxford.

Einstein là một trong số những người mà Lindemann muốn mời đến để thực hiện mục tiêu này. Khi đó, Einstein là người khá nổi tiếng, đặc biệt là sau khi ông công bố thuyết tương đối rộng vào năm 1915. Einstein vẫn ở lại Berlin (Đức) trong suốt Thế chiến I và trở thành một người phản đối chiến tranh mạnh mẽ.

Năm 1921, họ gặp lại nhau khi Einstein đến Vương quốc Anh để thực hiện những bài thuyết trình nổi tiếng tại Manchester và London. Trong vài giờ, Lindemann đã lái xe đưa Einstein và vợ ông, Elsa, từ London đến Oxford. Mặc dù cặp đôi đã rất thích chuyến tham quan ngắn tại Đại học Oxford, nhưng Einstein sẽ không quay lại đây trong một thập kỷ nữa.

Năm 1927, khi Lindemann tiếp tục mời Einstein đến diễn thuyết ở Đại học Oxford, Einstein đã trả lời một cách tán dương: “Tôi rất vui lòng nhận lời mời, đặc biệt là khi tôi đánh giá cao môi trường trí thức ở Anh”. Einstein đánh giá cao thành tựu vật lý của các nhà khoa học đương thời người Anh, đặc biệt là công trình của Isaac Newton về lực hấp dẫn và James Clerk Maxwell về điện từ. Thậm chí ông còn xem đó là nguồn cảm hứng chính trong nhiều nghiên cứu của mình.

Tuy nhiên, tình hình sức khỏe của Einstein trở nên xấu đi, khiến ông từ chối lời mời này. Chỉ sau khi Lindemann đích thân đến thăm Einstein ở Berlin (Đức) vào năm 1930, Einstein mới đồng ý thực hiện ba bài giảng bằng tiếng Đức tại Đại học Oxford vào tháng 5/1931.

Bài giảng đầu tiên có tiêu đề đơn giản là “Thuyết tương đối”. Bài giảng thứ hai đề cập đến vũ trụ có thể đang mở rộng, một chủ đề đang gây ra nhiều tranh cãi sau khi nhà thiên văn học Edwin Hubble phát hiện các thiên hà đang rời xa nhau vào năm 1929. Bài giảng thứ ba, được trình bày ngay sau khi Đại học Oxford trao cho Einstein bằng tiến sĩ danh dự, bàn về lý thuyết trường thống nhất mà Einstein đang phát triển.

Mặc dù các bài giảng của Einstein chỉ xoay quanh những ý tưởng đã được công bố hoặc những ý tưởng sắp bị thay thế, nhưng một số ghi chú nguệch ngoạc trên bảng đen của ông trong buổi thuyết trình vẫn tồn tại cho đến ngày nay và được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Khoa học Oxford.

Ngoài lĩnh vực học thuật, Einstein cũng có nhiều trải nghiệm thú vị khác ở Oxford. Ông đã chơi đàn violin cùng với các nhạc công chuyên nghiệp trong những buổi trình diễn do người bạn Margaret Deneke tổ chức. Ông cũng tham gia các buổi thảo luận về chính trị, bao gồm niềm tin của ông vào chủ nghĩa hòa bình.

Năm 1932, Lindemann đã sắp xếp để Đại học Oxford cấp cho Einstein một học bổng nghiên cứu kéo dài năm năm, mời ông đến cư trú tại trường một tháng mỗi năm để tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, trao đổi ý tưởng với các nhà khoa học khác và tạo ra một không khí học thuật sôi động.

Nhưng nền chính trị ở châu Âu ngày càng trở nên u ám, điều này thể hiện rõ trong những bức thư trao đổi giữa Einstein và Lindemann sau khi Đức Quốc xã nắm quyền ở Berlin.

Vào cuối tháng 3/1933, sau khi trở về từ một chuyến giảng dạy tại Mỹ, Einstein và vợ ông Elsa đã rời Berlin, tới sinh sống tại một ngôi nhà cho thuê trên bờ biển nước Bỉ. Einstein đã viết một bức thư ngắn gửi Lindemann, yêu cầu người bạn hỗ trợ một chỗ ở nhỏ tại Đại học Oxford.

“Bạn có thể đã nghe về cuộc tranh cãi giữa tôi và Viện Hàn lâm Phổ”, Einstein viết. “Tôi đã từ chức sau khi họ cáo buộc tôi tuyên truyền chống lại chính phủ mới của Đức Quốc xã. Có lẽ tôi sẽ không còn cơ hội quay trở lại quê hương của mình nữa”.

Lindemann đã ngay lập tức đáp ứng yêu cầu của Einstein. Tháng 5/1933, Einstein quay lại Đại học Oxford – giờ đây với tư cách là một người tị nạn, sau khi bị chế độ phát xít đe dọa.

Một tuần sau đó, Einstein đã trình bày một bài giảng có tầm ảnh hưởng sâu sắc đối với lĩnh vực vật lý hiện đại với tiêu đề “Bàn luận về phương pháp vật lý lý thuyết”. Ông bắt đầu bài giảng bằng cách bày tỏ “lòng biết ơn sâu sắc” đối với Đại học Oxford và chia sẻ rằng “mối liên kết giữa tôi và trường đại học ngày càng trở nên bền chặt hơn”. Nhưng điều này đã không trở thành hiện thực.

Chẳng bao lâu sau, Einstein đã rời Oxford để đến Glasgow (Scotland), sau đó tới một địa chỉ bí mật ở Bỉ để không bị các điệp viên Đức Quốc xã ám sát. Cuối cùng, Einstein chuyển tới định cư tại thành phố Princeton ở bang New Jersey (Mỹ) và không còn dịp quay trở lại Oxford. Điều này khiến Lindemann vô cùng thất vọng, bởi vì ông đã hy vọng người bạn Einstein sẽ định cư tại Oxford.

Tuy nhiên, cả hai nhà khoa học vẫn giữ liên lạc qua thư từ và luôn dành cho nhau sự kính trọng. Khi Einstein qua đời vào năm 1955, Lindemann đã viết một bản cáo phó, bày tỏ sự tiếc thương và ca ngợi sự sáng tạo tuyệt vời, trí tưởng tượng phong phú, tư duy logic và cách trình bày vấn đề mạch lạc của Einstein.


Đăng số 1313 (số 41/2024) KH&PT