Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature vào tháng 4/2019, các nhà khoa học cuối cùng đã phát hiện loại phân tử đầu tiên hình thành trong vũ trụ sau vụ nổ Big Bang, được gọi là ion helium hydride HeH+.

HeH+ được phát triện trong tinh vân NGC 7027. Ảnh: NASA
HeH+ được phát triện trong tinh vân NGC 7027. Ảnh: NASA

Việc phát hiện tín hiệu của phân tử này trong vũ trụ rất khó khăn, do khí quyển đã cản trở tầm quan sát của mọi kính viễn vọng dưới mặt đất.

Do đó, các nhà nghiên cứu sử dụng SOFIA – một máy bay Boeing được cải tiến để mang kính viễn vọng bay lên tầng khí quyển thấp của Trái đất. Quang phổ kế độ phân giải cao GREAT mà SOFIA mang theo đã dò được HeH+ trong tinh vân hành tinh NGC 7027, cách Trái đất 3.000 năm ánh sáng.

Chỉ có hydro, heli và liti được hình thành từ vụ nổ lớn, trong đó hydro và heli chiếm phần lớn vật chất. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi 100.000 năm sau vụ nổ lớn, phân tử đầu tiên hình thành là sự tương tác giữa nguyên tử heli và ion hydro mang điện tích dương.

“Hóa học của vũ trụ bắt đầu với phân tử HeH+. Việc thiếu bằng chứng dứt khoát về sự tồn tại của nó trong không gian là một vấn đề nan giải đối với giới thiên văn học trong một thời gian dài”, Rolf Gusten, đồng tác giả nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Max Planck, cho biết.