Các nhà khoa học phát hiện phân tử chất béo của động vật được bảo quản trong một hóa thạch 558 triệu năm tuổi. Đây là bằng chứng cho thấy hóa thạch này chính là loài động vật lâu đời nhất thế giới.

Một bài báo được công bố trên tạp chí Science vào ngày 21/9 đã xác nhận Dickinsonia – sinh vật biển trông giống một giọt nước kỳ lạ – là động vật sớm nhất trong hồ sơ địa chất mà con người biết đến.

Hóa thạch Dickinsonia 558 triệu năm tuổi chứa phân tử cholesterol của động vật được tìm thấy ở phía tây bắc nước Nga. Ảnh: Đại học Quốc gia Australia.
Hóa thạch Dickinsonia 558 triệu năm tuổi chứa phân tử cholesterol của động vật được tìm thấy ở phía tây bắc nước Nga. Ảnh: Đại học Quốc gia Australia.

Dickinsonia là thành viên của khu hệ sinh vật Ediacara, một nhóm sinh vật nguyên thủy có hoa văn giống như lá cây dương xỉ. Nhóm sinh vật này xuất hiện phổ biến trong kỷ Ediacara, kéo dài từ 635 đến 542 triệu năm trước.

Jochen Brocks, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia, và cộng sự tên là Ilya Bobrovskiy đã đến khu vực ven biển của Biển Trắng (phía tây bắc nước Nga) để săn tìm các hóa thạch có niên đại trong kỷ Ediacaran. Thay vì tập trung vào đặc điểm cấu trúc của hóa thạch, nhóm nghiên cứu tìm cách tách chiết những phân tử được lưu giữ trong chúng.

Kết quả, họ đã phát hiện phân tử chất béo – cụ thể là một loại cholesterol chỉ có ở động vật – trong hóa thạch của Dickinsonia. Điều này cho thấy, Dickinsonia chính xác là một loài động vật, chấm dứt những tranh cãi trước đây của các nhà khoa học về việc kỷ Ediacara xuất hiện động vật hay chưa.

"Khi Ilya cho tôi thấy kết quả, tôi không thể tin được. Tôi cũng ngay lập tức nhận ra được tầm quan trọng của phát hiện mới", Brocks cho biết.

Các phân tử chất béo trong hóa thạch mà chúng tôi tìm thấy chứng minh rằng, động vật đã xuất hiện khá phong phú và dồi dào cách đây 558 triệu năm, sớm hơn hàng triệu năm so với suy nghĩ trước đó, Brocks nhận định.

Những hóa thạch trong kỷ Ediacaran rất hiếm. Hóa thạch vào thời kỳ này còn lưu giữ được chất hữu cơ thậm chí còn hiếm hơn.

"Hầu hết tảng đá chứa những hóa thạch, chẳng hạn những tảng đá ở ngọn đồi Ediacara (Australia), đã chịu rất nhiều sức nóng, áp suất lớn cũng như quá trình phong hóa", Brocks nói. "Các nhà cổ sinh vật học phải nghiên cứu chúng trong nhiều thập kỷ. Điều này giải thích lý do tại sao danh tính thực sự của Dickinsonia là một điều bí ẩn trong thời gian dài."