Mới chỉ qua một vòng sơ tuyển và buổi bán kết đầu tiên ở Bến Tre, những người quan tâm đều thấy hạnh phúc, nói theo kiểu nông dân, là những hạt giống khởi nghiệp nông nghiệp đã nứt mầm và sẵn sàng để lớn.
Năm nay, tôi không về tham dự được trực tiếp cuộc thi, đành theo dõi thường xuyên qua màn hình điện thoại vì câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo có tổ chức live stream trực tiếp trên Facebook tất cả các chương trình. Gọi là tất cả các chương trình, vì cuộc thi này không chỉ có… thi, mà còn là một lớp học lớn, với những hướng dẫn, chia sẻ từ chuyên gia, giám khảo, lãnh đạo địa phương và đặc biệt là phần giao lưu kết nối giữa cộng đồng các dự án khởi nghiệp “nhà quê” với nhau.
Các thành viên Ban giám khảo tham quan, tìm hiểu dự án Phát triển hệ thống nuôi tôm thông minh cho vùng nuôi Thạnh Phú của Đào Phước Xoàn, Bến Tre. Ảnh: Anh Tuấn
Gọi những người tham dự cuộc thi này là “nhà quê” cũng phải, vì họ xuất hiện bằng chính sự chân chất, đáng yêu nhất của những người thanh niên nông thôn đang nuôi khát vọng làm giàu trên chính quê hương của mình. Không có ứng dụng điện thoại di động, không có bitcoin, blockchain hay trí tuệ nhân tạo. Không có những ý tưởng làm thay đổi thế giới, hầu như những câu chuyện mà họ kể, đều xoay quanh đồng ruộng, núi đồi và quê hương mình, với một nguyện vọng tưởng chừng rất giản đơn nhưng người lớn vẫn loay hoay hoài: làm sao đưa đặc sản quê nhà lên một trình độ mới của sản phẩm, thị trường? làm sao bà con nông dân đỡ cực hơn? Làm sao để thanh niên nông thôn bớt bỏ quê ra thành phố làm công nhân…
Sau 3 tháng phát động cuộc thi đã thu hút gần 160 dự án, ý tưởng nộp hồ sơ tham gia (tăng gần 30% so với cuộc thi lần 3 năm 2017), đến từ 27 tỉnh thành trong cả nước như An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau, TP.HCM, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Kon Tum, Thái Bình, Hòa Bình, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Bắc Kạn… và có nhiều dự án/ ý tưởng của đồng bào dân tộc thiểu số tham gia như Cờ Lao, Thái, Mông, Nùng, Tày, Dao, K’Ho, Chu Ru, Xê Đăng, Mường…
Bến Tre là địa phương có sự góp mặt đông nhất ở vòng bán kết cuộc thi năm nay với 41 dự án, ý tưởng. Đồng Tháp với 31 DA/ý tưởng; An Giang 22DA/Ý tưởng; Những địa phương ở xa như Sơn La, Bắc Kạn, Lâm Đồng, Kiên Giang mỗi địa phương tham gia 6 DA/Ý tưởng.
Có nhiều địa phương mới tham gia lần đầu như Thái Bình, Nghệ An, Hòa Binh, Lai Châu, Kon Tum, Bà Rịa – Vũng Tàu… Các dự án đều tập trung vào nông nghiệp có ứng dụng công nghệ như máy lọc nước biển, sông thành nước sinh hoạt, Robot tưới thông minh, Sâu Canxi…; phát triển tài nguyên bản địa, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý như dừa xiêm xanh, bưởi da xanh Bến Tre, Cói Nga Sơn Thanh Hóa, Cam Vinh Kỳ Yên…; du lịch sinh thái ở Cà Mau, Bến Tre, U Minh Thượng Kiên Giang, Hoa bốn mùa Lâm Đồng; về làng nghề truyền thống như dệt, nhuộm thổ cẩm, vẽ hoa văn sáp ong của dây tộc Mường, Bánh hỏi khô tiện dụng từ làng bột Sa Đéc Đồng tháp; Sản phẩm có sự phát triển tốt trên thị trường, nâng cao được vai trò của công nghệ trong chuỗi giá trị của dự án.
Nổi bật là những dự án có tính cộng đồng cao, góp phần giải quyết kinh tế hộ gia đình; sản phẩm gắn với nông đặc sản vùng miền nhưng được phát triền thành nhiều sản phẩm mới lạ như sản phẩm từ trái quách Trà Vinh, Năn bộp Sóc Trăng, gáo dừa làm chậu dựng hoa có chạm khắc thủ công…
Ông Phan Văn Mãi – Phó Bí thư thường trực tỉnh Bến Tre cho rằng: Cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp của Trung tâm BSA rất khác biệt so với những cuộc thi khởi nghiệp khác. Ở các cuộc thi khác là các dự án học để thi nhưng cuộc thi này, điều nhận ra rõ ràng nhất là thi để học. Cuộc thi cũng là dịp để các bạn khởi nghiệp học hỏi kinh nghiệm, đúc kết được những điều hay từ ban giám khảo, từ các dự án khác, qua đó giúp thành công hơn…