Vậy làm thế nào để có thể đảm bảo được sự cân bằng giữa việc phát triển và ứng dụng những sản phẩm robot ngày càng thông minh, linh hoạt, hiệu quả hơnvới lợi ích của người lao động.Phóng viên báo KH&PT đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Quang Cường (Đại học Nanyang Singapore), người mới có công bố “Ảnh hưởng của robot và tự động hóa đối với điều kiện việc làm” (The Impact of Robotics and Automation on Working Conditions and Employment) trên IEEE Robotics &Automation Magazine, về những giải pháp cho vấn đề này.
Robot và tự động hóa xuất hiện ngày càng nhiều trong sản xuất có phải là một xu hướng tốt?
Cũng như bất kỳ máy móc nào được sử dụng trong sản xuất, robot đều có tác động hai mặt tới người lao động. Một mặt, chúng thực hiện những nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm, chẳng hạn như quá trình hàn trong sản xuất ô tô – hoạt động nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe con người từ gây kích ứng mắt và tai mũi họng, ngực cho tới những bệnh như nhiễm trùng phổi, bệnh tim và ung thư phổi, vòm họng. Việc tự động hóa robot hàn trong các dây chuyền sản xuất xe hơi hiện đại đã làm giảm đáng kể những nguy cơ đe dọa tới sức khỏe.
Nhưng mặt khác, do robot có thể tự động thực hiện một số nhiệm vụ khiến những công nhân trong những quy trình này trở nên “thừa thãi”. Điều đó gây ra nhiều tác động bất lợi đối với người lao động. Mặc dù hiện nay phần lớn các nước phát triển đều có những quy định lao động nghiêm ngặt và công đoàn bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhưng họ cũng không thể tránh khỏi bị sa thải do công nghệ và những tác động bất lợi khác.
Vậy theo anh có mâu thuẫn giữa việc tạo ra robot ngày càng thông minh hơn, linh hoạt hơn để ứng dụng trong sản xuất nhưng rút cục nó lại “cướp việc” của con người?
Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề trong một bối cảnh rộng hơn. Trước hết, dù số lượng robot làm việc trong các nhà máy đã tăng nhanh và công nghệ robot được ứng dụng ngày càng nhiều không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, ví dụ: robot phẫu thuật hoặc phục hồi chức năng trong bệnh viện, robot phục vụ, xe ô tô tự lái,….
Đây là vấn đề phụ thuộc vào nhiều yếu tố và vẫn còn một chặng đường dài trước khi robot có thể hoàn toàn thay thế con người. Nguyên nhân là ngoài các ngành lắp đặt có môi trường được cấu trúc sẵn, khả năng vận động và thao tác của robot còn nhiều hạn chế trong môi trường yêu cầu sự linh hoạt. Ngay cả với giới nghiên cứu như chúng tôi, việc tạo cho robot khả năng kiểm soát hoạt động cầm nắm và xử lý một vật thể không được biết trước vẫn là một vấn đề nan giải. Hơn nữa, kể cả robot đã sử dụng trong nhà máy đã được lập trình sẵn, khi gặp phải một chút thay đổi cũng vẫn phải lập trình lại nhiều và chúng vẫn chưa có khả năng tự học.
Một điểm khác mà chúng ta cần nghĩ tới là trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, con người và máy móc sẽ làm việc cùng nhau, khi đó các nhiệm vụ nguy hiểm hoặc có tính chất lặp lại sẽ được chuyển sang máy móc và các hệ thống tự động. Nhờ vậy, người lao động có thể tập trung vào những lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo, các kỹ năng xã hội và trí tuệ cảm xúc. Dĩ nhiên chúng ta phải tính đến khả năng gây ra những tác động tiêu cực nếu người lao động phải tuân theo hoạt động của robot.
Tiến sĩ Phạm Quang Cường, giảng viên Đại học Nanyang (Singapore). Nguồn: Asianscientist
Trong công bố trên IEEE Robotics &Automation Magazine, anh đã đưa ra một số giải pháp để giải quyết vấn đề thất nghiệp. Vậy theo anh đâu là giải pháp có tính lâu dài?
Theo tôi, để hạn chế nguy cơ robot và tự động hóa ảnh hưởng đến nghề nghiệp của con người, cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp:
Nâng cao trình độ giáo dục cho người lao động (cả đại học và sau đại học) để có khả năng thực hiện những công việc cao cấp hơn do tự động hóa đặt ra. Cần xây dựng các chương trình đào tạo để phát triển các kỹ năng mới cho tất cả người lao động (không chỉ riêng người lao động có tay nghề thấp), bao gồm những người đang có việc làm hoặc thất nghiệp. Những chương trình này có thể được tài trợ bởi hợp tác công - tư.
Lập quỹ “Thu nhập cơ bản toàn dân" (UBI), trong đó mọi công dân trong nước sẽ được nhận một khoản tiền định kỳ vô điều kiện để sinh sống. Họ sẽ không bị yêu cầu làm việc hoặc tìm kiếm việc làm. Có nhiều phiên bản khác nhau của UBI về mức tiền đề xuất và nguồn kinh phí.Việc quyết định mức tiền có vai trò quyết định tới điều kiện sống của người dân trong một quốc gia nói riêng và mọi quốc gia nói chung. Điều này đã dẫn tới một cuộc tranh luận quan trọng và phức tạp về cách gây quỹ UBI, tính bền vững và những tác động của nó tới nền kinh tế.
Khái niệm về thuế robot đã được đề xuất như một giải pháp thay thế để đối phó với tình trạng thất nghiệm tiềm năng do tự động hóa gây ra. Ý tưởng này ban đầu do Bill Gates đưa ra, với mục tiêu đánh thuế các công ty lớn sử dụng robot và gây mất việc làm. Sau đó, thuế thu được sẽ dùng để bồi thường cho những công nhân bị sa thải hoặc đào tạo lại cho họ cơ hội tìm kiếm việc làm.
Thuế robot đã vấp phải một số chỉ trích từ các nhà kinh tế học. Nhà kinh tế học người Mỹ Larry Summers cho rằng robot cũng chẳng khác biệt mấy so với những công nghệ gây ra thất nghiệp (trong đó có phần mềm của Bill Gates); nhưng chẳng có loại thuế cụ thể nào với những công nghệ trên. Bởi vậy, việc đánh thuế robot chẳng khác gì đánh thuế vào tư sản – điều mà hầu hết các nhà tư bản sẽ phản đối.
Từ góc độ một nhà nghiên cứu, anh nghĩ gì đến sự phát triển các công nghệ mới và khả năng tác động đến đời sống xã hội của nó?
Nhìn chung, khi triển khai các công nghệ mới cần xem xét cẩn thận những tác động tới kinh tế xã hội, chính trị và nguồn tài nguyên, bởi nó có thể mang lại những hệ quả không mong muốn như chuyển dịch các cấu trúc kinh tế và quyền lực, đem lại lợi ích không chính đáng cho một phần nhất định trong xã hội, tạo ra những khoảng cách xã hội mới hoặc gia tăng sự bất bình đẳng hiện tại.
Trong một xã hội lý tưởng, robot sẽ thực hiện phần lớn các công việc có tính chất lặp lại, nhàm chán hoặc nguy hiểm, con người chỉ dành ít thời gian cho công việc (bao gồm cả việc quyết định những gì robot sẽ làm) và sẽ dành thời gian còn lại cho các hoạt động sáng tạo. Còn trong nền kinh tế hiện nay, robot được sở hữu bởi thiểu số, những lợi ích từ hiệu quả của robot (ví dụ thu nhập cao hơn, số giờ lao động ít đi) không được chia sẻ cho số đông; thay vào đó, robot bị coi là nguyên nhân gây thất nghiệp. Vì vậy, để có xã hội lý tưởng như trong hình dung của những nhà nghiên cứu về robot; quan điểm ai là chủ sở hữu robot, là đại đa số những người lao động hay là một thiểu số nhà tư bản, sẽ là câu hỏi mang tính quyết định.
Với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, do nền tảng công nghệ còn thấp so với các quốc gia phát triển thì thách thức như vậy sẽ đem lại nhiều cơ hội đánh giá và gợi ý lựa chọn ứng dụng công nghệ nào để phát triển và phát triển theo hướng nào để có thể giảm thiểu tác động ngoài ý muốn của nó.
Xin cảm ơn anh!
Khảo sát gần đây của tạp chí MIT Technology Review đã nhấn mạnh, chưa có sự thống nhất giữa các nhà kinh tế học và chuyên gia kỹ thuật về mức độ và diễn biến của thất nghiệp do tự động hóa. Hơn nữa, tác động của robot và AI tới những định mức lao động và việc làm cũng như sự lo lắng về vấn đề này ở các nền kinh tế đang phát triển (chủ yếu là những nước nghèo ở Nam bán cầu) thậm chí còn ít được quan tâm bởi có sự khác biệt đáng kể trong phản ứng xã hội giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Ở các nền kinh tế thâm dụng lao động (ví dụ các nước có nền kinh tế mới nổi – BRICS như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), tác động của tự động hóa sẽ thể hiện rõ hơn trong thập kỷ tới. Bởi vì lợi thế lao động giá rẻ ở các nước này có thể vẫn còn, nhưng sẽ bị thay thế bằng tự động hóa ở các nước phát triển. Điều này sẽ gây ảnh hưởng bất lợi tới lực lượng lao động ở các nước đang phát triển.
-----
Dù không bị sa thải, điều kiện lao động của công nhân không phải lúc nào cũng được cải thiện khi có robot. Chẳng hạn trong những năm vừa qua, Amazon đã sử dụng rất nhiều robot trong các kho hàng vì tính hiệu quả, nhanh chóng và chính xác; đồng thời có thể tùy chỉnh tốc độ của robot; nhưng điều này bị áp đặt lên những người công nhân. Một nhà báo làm việc bí mật trong kho hàng của Amazon đã làm chứng: “Một mình trong một buồng kim loại đóng kín, đứng cách người đồng nghiệp gần nhất cũng phải 30m, từ trong bóng tối một con robot tiến đến và đẩy những kệ hàng cao ngất về phía tôi. Tôi chỉ có 9 giây để đóng gói một kiện hàng và phải làm không ngừng nghỉ, yêu cầu trung bình mỗi giờ hoàn thành 300 cái. Trong suốt quá trình gói hàng – cúi xuống rồi lại ngẩng lên bất tận ấy, cơ thể thể tôi như rụng rời. Thực tế này khác xa hình ảnh về những robot phục vụ con người, ở đây: “…người lao động chỉ làm trâu bò cho robot.”
Theo một nghiên cứu chi tiết về tác động của sự gia tăng mật độ của robot trong 14 ngành công nghiệp ở 17 nước phát triển trong giai đoạn 1993 – 2007 cho thấy công nhân có trình độ thấp và trung bình thực ra đã bị giảm lương khi robot được ứng dụng. Nghiên cứu này cũng cho biết số giờ làm việc không được giảm đáng kể.
Trích công bố “Ảnh hưởng của robot và tự động hóa đối với diều kiện việc làm”. - TS Phạm Quang Cường và cộng sự. |