Các nhà thiên văn học tìm ra bằng chứng về sự tồn tại của một hố đen có kích thước bằng sao Mộc đang di chuyển “lang thang” trong thiên hà Milky Way, hay dải Ngân hà.

Hố đen có mật độ vật chất đậm đặc đến mức ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát khỏi lực hấp dẫn của nó. Ảnh: NASA.
Hố đen có mật độ vật chất đậm đặc đến mức ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát khỏi lực hấp dẫn của nó. Ảnh: NASA.

Shunya Takekawa, nhà vật lý thiên văn tại Đài quan sát Thiên văn Quốc gia Nhật Bản (NAOJ) và các cộng sự theo dõi hai đám mây khí có biệt danh là Balloon và Stream nằm ở vị trí cách trung tâm dải Ngân hà khoảng 26.000 năm ánh sáng.

Họ phát hiện những đám mây khí này không mở rộng hoặc có dạng chữ V như mong đợi mà chuyển động một cách bí ẩn, quay xung quanh một điểm ở trung tâm.

Từ những chuyển động này, họ tính toán rằng vật thể ở trung tâm phải có kích thước bằng sao Mộc và khối lượng gấp 30.000 lần Mặt trời. Nhiều khả năng đó là một hố đen có kích cỡ trung bình. Kết quả nghiên cứu được công bố trên cơ sở dữ liệu trực tuyến arXiv.org.

"Khi tôi kiểm tra dữ liệu từ kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới ALMA tại Chile lần đầu tiên, tôi thực sự phấn khích khi các luồng khí trong đám mây chuyển động theo một quỹ đạo rõ ràng. Điều này gợi ý rằng có một vật thể khổng lồ vô hình đang ẩn nấp", Takekawa cho biết.

Các hố đen có kích cỡ trung bình là một hiện tượng thiên thể khá hiếm gặp. Hầu hết các hố đen trong vũ trụ đều nhỏ [hình thành khi một ngôi sao sụp đổ] hoặc có kích thước rất lớn [thường nằm ở trung tâm của thiên hà].

"Cho đến thời điểm hiện tại, giới khoa học mới chỉ tìm thấy hai hố đen khác có kích cỡ trung bình nằm ở gần trung tâm của dải Ngân hà", Avi Loeb, nhà vật lý tại Đại học Harvard (Mỹ), cho biết.

Nguồn: