Một công chức thuộc Ủy ban Châu Âu đã khởi động một cuộc chuyển hướng lớn nhằm thay đổi bộ mặt ngành xuất bản khoa học.
Kế hoạch S thúc đẩy xuất bản mở. Nguồn: americanlibrariesmagazine.org
Nhà “kiến trúc sư” của năm nay, ông Robert-Jan Smits, đã có những bước thúc đẩy đầy táo bạo nhằm loại bỏ các tường phí (paywalls) trong ngành xuất bản khoa học. Smits cho biết ý tưởng này đến từ một nguồn không ngờ là chính các nhà xuất bản.
Vào tháng 3/2018, Smits được Carlos Moedas, ủy viên nghiên cứu của EU giao nhiệm vụ đặc biệt: trong vòng 1 năm phải nhanh chóng đưa càng nhiều tài liệu nghiên cứu được xuất bản ngoài tường phí của các tạp chí càng tốt. Là một thành viên nghiên cứu về chính sách khoa học kỳ cựu, Smits quyết định hỏi chính các nhà xuất bản lớn là làm thế nào để có thể thực hiện yêu cầu trên. Họ cho biết, nếu các tổ chức trả tiền cho nghiên cứu đòi hỏi những công trình phải được xuất bản mở thì các tạp chí sẽ phải đáp ứng yêu cầu.
Đó chính xác là những gì ông Smits đã làm để thuyết phục các nhà tài trợ nghiên cứu thực hiện - trong một kế hoạch mang tên ‘Plan S’ được đưa ra vào tháng 9/2018. Động thái này đã gây ra một làn song tấn công khắp giới xuất bản khoa học.
Trước đây, trong nhiều thập kỷ, Smits đã tạo được ảnh hưởng lên các chính sách khoa học tại Ủy ban châu Âu và cho đến khi được giao nhiệm vụ hiện tại, ông đã có tám năm làm Tổng giám đốc của Ban nghiên cứu. Ông được coi là một người có mối liên hệ lý tưởng để kết nối các cơ quan châu Âu tham gia “Kế hoạch S” (Chữ “S” là từ viết tắt cho “khoa học, tốc độ, giải pháp, sốc”). Khi tạp chí Nature đăng tin, 16 nhà tài trợ nghiên cứu đã ký vào bản kế hoạch và yêu cầu: bắt đầu từ năm 2020, các kết quả từ những dự án mà họ tài trợ phải được sẵn sàng mở ngay từ thời điểm xuất bản.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà xuất bản đã điều khiển việc công bố nghiên cứu. Smits nói: “Giờ đây, các nhà tài trợ mới là người ra quyết định, và chúng tôi sẽ làm những điều này một cách khác biệt”.
Còn quá sớm để biết tác động cuối cùng của ‘Kế hoạch S’ đối với việc xuất bản nghiên cứu. Chi tiết kế hoạch đã được mở để thảo luận và sức ảnh hưởng của nó phụ thuộc phần lớn vào việc có bao nhiêu nhà tài trợ nghiên cứu sẽ chấp nhận ý tưởng này – nhưng, ít nhất nó sẽ cải thiện khả năng tiếp cận các nghiên cứu - ông Peter Suber, giám đốc Dự án Truy cập mở Harvard và trưởng Văn phòng truyền thông học thuật Harvard ở Cambridge, Massachusetts, cho biết.
Smits đã nhận được hàng loạt thông điệp ủng hộ, nhưng sáng kiến này cũng gặp phải không ít kháng cự: một số nhà xuất bản cho rằng kế hoạch trên sẽ làm họ phá sản, một số nhà nghiên cứu lại nói họ không muốn bị hạn chế về việc chọn nơi xuất bản. (Theo Kế hoạch S, những nghiên cứu nhận tài trợ, ví dụ từ phía nhà nước, sẽ không được xuất bản tại các tạp chí khoa học phải trả tiền để tiếp cận - hiện chiếm gần 85% tổng số tạp chí, trong đó có những tên tuổi có sức ảnh hưởng lớn như Nature hoặc Science).
Smits không xa lạ gì trong việc phá vỡ hiện trạng ngưng trệ (status quo) trong giới khoa học châu Âu. Năm 2007, ông đã góp phần vào việc thành lập một hội đồng chuyên trách xuất sắc về tài trợ cho các nghiên cứu KH&CN là Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC) trong khi rất ít quốc gia thành viên muốn điều đó. “Chúng tôi phải đi từng nước để thuyết phục mọi người rằng điều đó là cần thiết”, Smits cho biết.
Những người đã làm việc với Smits không mấy ngạc nhiên về khả năng tạo sự đồng thuận về các chính sách gây tranh cãi của ông. “Robert-Jan có một trí nhớ tuyệt vời về con người, sự kiện, tài liệu và cả chính sách. Khả năng kết nối của ông thật vô cùng ngoạn mục”, bà Helga Nowotny, cựu chủ tịch của ERC nhận xét.
Nhiệm kỳ ngắn ngủi của Smits dưới tư cách “ông hoàng truy cập mở” sắp kết thúc. Năm tới, ông sẽ rời cương vị trên để tham gia vào một vị trí tại Đại học Công nghệ Eindhoven ở quê hương Hà Lan. “Đã đến lúc tôi rời khỏi Ủy ban, tại thời điểm tôi cho là đỉnh cao của mình”, ông nói.