Theo The Daily Mail, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu y khoa tại Garvan, Sydney, Úc, đã phát hiện ra một cấu trúc mới trong cơ thể con người, ghi nhớ cách chống nhiễm trùng và chỉ xuất hiện khi người bị phát bệnh.

Cấu trúc nhỏ trong hệ miễn dịch (màu hồng và tím) chứa một lượng lớn các tế bào miễn dịch xuất hiện gần hạch bạch huyết khi một người bắt đầu chống lại nhiễm trùng - Ảnh: Imogen Mogan

Cấu trúc nhỏ trong hệ miễn dịch (màu hồng và tím) chứa một lượng lớn các tế bào miễn dịch xuất hiện gần hạch bạch huyết khi một người bắt đầu chống lại nhiễm trùng - Ảnh: Imogen Mogan

Cấu trúc này giúp giải thích lý do tại sao cơ thể lại nhớ được cách đối phó với một nhiễm trùng trước đó. Đây là những nhóm tế bào có nhiệm vụ lên kế hoạch tấn công nếu nhiễm trùng tái phát.

Nhờ những tế bào như vậy, vắc xin mới có thể phát huy tác dụng một cách đầy đủ khi chuẩn bị để cơ thể đối phó với sự nhiễm trùng có thể xảy ra. Đó là các tế bào bộ nhớ chứa toàn bộ “thư viện’’ với thông tin miễn dịch. Trên thực tế, chúng có thể biến thành các tế bào bạch cầu, độc lập tham gia vào cuộc chiến chống lại mầm bệnh.

Các cụm tế bào đó mỏng manh với cấu trúc phẳng. Chúng xuất hiện trên các hạch bạch huyết chỉ một cách tạm thời chỉ khi chúng ta bị bệnh. Sau khi ổ nhiễm trùng cuối cùng được thanh toán, các cấu trúc đó biến mất cho đến khi xuất hiện bệnh tiếp theo.