Trong thập kỷ qua, kháng thể được xác định là thủ phạm gây ra một số bệnh về thần kinh. Mới đây, những mô tả chi tiết về cơ chế tấn công não bộ của kháng thể đã được một nhóm nghiên cứu công bố trên Tạp chí Neuron với hy vọng tìm ra phương pháp ngăn chặn các tổn thương hiệu quả hơn.

Cận cảnh các tế bào thần kinh của não, nơi kháng thể nhắm vào các kết nối có thể ảnh hưởng đến những chức năng quan trọng của não như bộ nhớ. Nguồn: TED KINSMAN

Cận cảnh các tế bào thần kinh của não, nơi kháng thể nhắm vào các kết nối có thể ảnh hưởng đến những chức năng quan trọng của não như bộ nhớ. Nguồn: TED KINSMAN

Nghiên cứu về các kháng thể tấn công não là một ranh giới trong ngành y sinh mà việc vượt qua nó có thể kích thích một loạt các chứng rối loạn, theo Betty Diamond, nhà miễn dịch học và nghiên cứu thấp khớp tại Viện nghiên cứu Y học Feinstein tại Mahasset, New York. Khẳng định đã không còn là ý tưởng nữa mà đã xảy ra trên thực tiễn.

Thể tự kháng (autoantibody) là một dạng kháng thể tự tấn công các protein trong cơ thể vật chủ. Một trong số các mục tiêu tấn công của thể tự kháng bao gồm cơ quan nhận cảm AMPA, một loại protein nằm ngoài tế bào thần kinh và nhận diện các tín hiệu hóa học truyền đến. Các nhà thần kinh học phát hiện các thể tự kháng sẽ tham gia và làm gián đoạn quá trình nhận thông tin này.

Nhóm nghiên cứu dẫn xuất thể tự kháng từ các bệnh nhân mắc chứng viêm não tự miễn dịch (autoimmune encephalitis), một loại bệnh viêm não gây rối loạn, co giật và trí nhớ kém. Khi đưa các thể tự kháng vào não bộ chuột thí nghiệm, các con vật bắt đầu biểu hiện các vấn đề về trí nhớ. So với những con chuột bình thường, những con bị tiêm kháng thể vào dịch não tủy hoặc tiêm thẳng vào não có khả năng nhận diện vật thể trong lồng nhốt kém hơn nhiều. Ngoài ra ở đàn chuột còn có các biểu hiện như lo âu, thoát khỏi mê cung đặt sẵn lâu hơn so với bình thường và có xu hướng rúc mình vào các không gian được che chắn.

Các thí nghiệm trên chuột và mẫu tế bào não người đã cho thấy bản chất của sự tấn công não bộ. Các thể tự kháng sẽ bám vào một số bộ phận trên cơ quan nhận cảm AMPA và ép các bộ phận này di chuyển vào trong tế bào thần kinh, nơi chúng trở nên vô dụng. Sự dịch chuyển này khiến các tế bào thần kinh cảm nhận tín hiệu hóa học kém hơn và có thể là tác nhân gây ra các vấn đề về trí nhớ ở chuột.

Các chi tiết về cơ chế tấn công của thể tự kháng có tiềm năng phục vụ nghiên cứu các phương pháp hỗ trợ các tế bào thần kinh bị tấn công duy trì hoạt động. Đặc biệt trong tình trạng các liệu pháp điều trị viêm não tự đề kháng hiện nay vẫn còn chưa cụ thể, mới chỉ bao gồm việc loại bỏ các kháng thể có hại trong máu hay làm suy giảm cơ chế miễn dịch trong cơ thể người.

Đồng thời, các thể tự kháng cũng được cảnh báo có liên quan tới một loạt các chứng bệnh như lupus, tự kỷ hay tâm thần phân liệt, tuy các kết quả nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn hoàn toàn.

Kháng thể là thành phần quan trọng trong hệ miễn dịch, là các phân tử immunoglobulin (có bản chất glycoprotein), do các tế bào lympho B cũng như các tương bào (Plasma - biệt hóa từ lympho B) tiết ra để hệ miễn dịch nhận biết và vô hiệu hóa các tác nhân lạ, chẳng hạn các vi khuẩn hoặc virus - Wikipedia)

Nguồn: https://www.sciencenews.org/article/how-antibodies-attack-brain-and-muddle-memory