Vào ngày 9/3 vừa qua, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 2 bức tượng pharaoh có niên đại cách đây hơn 3.000 năm tại một vùng ngoại ô thủ đô Cairo của Ai Cập.
Một nhóm khảo cổ chung của Đức và Ai Cập đã phát hiện các di tích trên ở một vùng đất hoang bùn lầy giữa các tòa nhà đổ nát tại Mattarya, khu vực vốn thuộc thành phố cổ Heliopolis, nay là một vùng rộng lớn gồm nhiều quận huyện ở Đông Bắc Cairo. Hai bức tượng này được cho là tượng các pharaoh Vương triều thứ 19, trị vì từ 1314-1200 trước Công Nguyên (trước công nguyên).
Một bức tượng cao 8 mét tạc bằng đá thạch anh. Tuy chưa thể xác định được đây là tượng Pharaoh nào qua các nét chạm khắc, nhưng bức tượng này được tìm thấy tại cổng của đền thờ Vua Ramses II cho thấy đây có thể là tượng của vị pharaoh này.
Vua Ramses II, còn được biết đến với tên gọi Ramses Đại đế, là pharaoh thứ 3 của Vương triều thứ 19 của Ai Cập cổ đại. Ông được ghi nhận là một trong những pharaoh vĩ đại, quyền lực và được ca tụng nhiều nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại.
Bức tượng còn lại làm bằng đá vôi từ thế kỷ 12 trước công nguyên dưới thời trị vì của Vua Seti II. Đây là vị vua đời thứ 5 của Vương triều thứ 19 và cai trị trong thời gian ngắn, từ năm 1203-1197 trước công nguyên.
Các nhà khảo cổ đang tìm cách kéo các bức tượng này lên và chuyển đến một khu vực khác để phục chế. Theo người đứng đầu nhóm khảo cổ của Ai Cập Aymen Ashmawy, phát hiện trên cho thấy tầm quan trọng của thành phố Heliopolis, nơi thờ vị thần Mặt Trời – thần Ra.
Theo Vietnamplus