Hai lần chết hụt vì rắn không làm giảm bớt tình yêu của tiến sỹ (TS) Nguyễn Thiên Tạo - Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - đối với nghề nghiên cứu rắn độc cũng như sở thích chụp rắn.

>> Rắn lục Trùng Khánh - loài mới được tiến sỹ Tạo phát hiện

Những gì ông thu được sau 10 năm nghiên cứu rắn không chỉ là kiến thức, công trình khoa học về loài bò sát này, mà còn là công đức góp phần cứu sống rất nhiều mạng người.

Chết hụt vì mê rắn

Chỉ rộng gần 10m2nhưng phòng Bảo tồn thiên nhiên gây ấn tượng mạnh bởi gần 50 chiếc bình to, nhỏ, chứa ếch, nhái và đặc biệt là rắn. “Ông chủ” của căn phòng này - TS Nguyễn Thiên Tạo - cho biết đây chỉ là số ít trong hàng nghìn mẫu bò sát, ếch, nhái đang được lưu giữ, nhiều mẫu được thu thập từ nước ngoài.

Thấy tôi tỏ ra e sợ trước những mẫu vật rắn, TS Tạo cười “bênh vực”: “Rắn là loài động vật rất nhút nhát, không bao giờ tự tấn công con người mà chỉ tự vệ khi bị đánh, bắt hay trêu chọc”.

Để hiểu được “tính cách” của rắn, TS Tạo đã có hơn 10 năm nghiên cứu chúng với mong muốn chinh phục những gì khác biệt, đồng thời theo đuổi sở thích “chẳng giống ai” là chụp ảnh nghệ thuật cho rắn. Vì đam mê nguy hiểm đó, đến nay ông không thể đếm xuể số lần bị rắn cắn, chỉ nhớ nhất 2 lần chết hụt vì
chúng.

Chìa bàn tay có vết sẹo nhỏ gần ngón cái, ông giới thiệu: “Đây là dấu vết do rắn lục cắn trong chuyến đi thực địa ở Y Tí, Lào Cai. Cũng may tôi kịp giật con rắn ra, chỉ mất một miếng da nhỏ và nặn chỗ máu độc đi nên không sao”.

Đáng sợ hơn là lần TS Tạo đang “tắm rửa” cho một chú rắn cạp nong của phòng thí nghiệm bảo tàng, nó đã “tặng” ông một vết cắn trí mạng. May mắn là vết thương chỉ bị sưng và hơi buốt, không có biểu hiện khác thường. Ông đùa, có lẽ vì rắn được nuôi nhốt nên nọc hết “thiêng” hoặc “giờ vẫn chưa đến lúc nọc độc phát tác”.

Tiến sỹ Nguyễn Thiên Tạo đang nghiên cứu mẫu vật rắn. Ảnh: Đoàn Dung
Tiến sỹ Nguyễn Thiên Tạo đang nghiên cứu mẫu vật rắn. Ảnh: Đoàn Dung

Cứu người nhờ hiểu rắn độc

TS Tạo bảo, nghiên cứu về rắn - đặc biệt là rắn độc, một phần để hiểu cơ chế phát độc của rắn. Cũng nhờ kiến thức về nọc rắn của ông mà một chàng trai 19 tuổi đã được cứu sống.

Bà Nguyễn Thị Xuân - thôn Phú Hộ, xã Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội, mẹ của thanh niên này - nghẹn ngào nhớ lại đêm hè năm 2011 đó: “Lúc 10 giờ tối, tôi đi chơi về thấy hai con nằm dưới nền nhà xem tivi. Tầm 1h30, tôi nghe cháu Thanh - cháu lớn - gọi mẹ ơi nhưng không rõ tiếng, gọi đến lần thứ hai tôi mới nghe được. Ra đến nơi, tôi thấy cháu toàn thân bủn rủn, khó thở, họng khô. Không biết cháu bị làm sao, gia đình vội vàng đưa đến Bệnh viện Quốc Oai. Lúc đó cháu bắt đầu sùi bọt mép, lưỡi rụt vào, nói không thành tiếng, móng tay móng chân tím đen, tim không đập nữa. Tôi kinh hoảng nghĩ chắc mình mất con rồi. Các bác sỹ nghi ngờ cháu sốc ma túy hoặc bị bệnh não. 5 giờ chiều hôm sau, cháu được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai”.

TS Tạo kể, hôm đó ông được Trung tâm Chống độc mời đến tư vấn về ca này: “Ám ảnh tôi lúc đó làánh mắt của người mẹ - hoảng loạn vì đối diện với sự sống và cái chết của con. Khi xem xét, tôi nhận định bệnh nhân bị rắn độc cắn, cơ hội sống sót rất ít. Bạn phải biết rằng khi bị rắn độc cắn, trong vòng 48 giờ nếu không được cứu chữa, bệnh nhân sẽ khó qua khỏi”.

Vì thế, TS Tạo trao đổi với các bác sỹ và quyên góp tiền đặt mua huyết thanh kháng độc từ Thái Lan, lòng lo lắng rằng nếu huyết thanh do mình tìm mua về không cứu được thanh niên đó thì sẽ bị ám ảnh suốt đời.

12h đêm, ông rời bệnh viện về nhà lúc bệnh nhân Thanh bắt đầu được truyền huyết thanh kháng độc. “Tâm trạng tôi nặng trĩu, cả đêm không dám ngủ. Sáng sau vẫn chưa có thông tin gì, cảm giác chờ đợi thật khủng khiếp. Thật may là 1 ngày sau, cậu ấy đã ngồi được dậy và tỉnh táo” - TS Tạo thở phào như vừa trút được gánh nặng dù câu chuyện xảy ra đã 6 năm. Ông cho biết, năm ngoái có dịp về Thạch Thất, ông ghé thăm Thanh và hạnh phúc khi thấy
chàng trai ấy đã có vợ con.


Cố vấn đặc biệt của Trung tâm Chống độc

Gần 10 năm nay, TS Tạo vẫn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, tư vấn miễn phí cho Trung tâm Chống độc để cứu người bị rắn cắn.

Theo thống kê gần đây của nhóm nghiên cứu TS Tạo, hiện Việt Nam có hơn 200 loài rắn, khoảng 25% có độc. Mỗi năm có khoảng 30.000 người bị rắn độc cắn. Trong 3 nhóm nọc độc rắn - làm vỡ hồng cầu, bạch cầu, tiêu sợi huyết, phá hủy thành mạch máu hoặc gây đông máu trong mạch; độc thần kinh; độc tế bào, nọc độc của các loài rắn Việt Nam chỉ gây chảy máu (do tiêu sợi huyết).

Nọc độc của mỗi loài thường là sự kết hợp một số nhóm chất độc với mức độ khác nhau, có thể làm chảy máu tự phát diện rộng ở nhiều nơi (dưới da, đường ruột, mô não, đường tiết niệu), phù nề, liệt - nguy hiểm nhất là liệt cơ hô hấp, loạn nhịp tim, suy thận, tiêu cơ vân, gây biến chứng viêm phổi, suy thận...

“Nhiều trường hợp rắn độc cắn còn nguy hiểm hơn ung thư vì có thể chết ngay” - TS Tạo nói. Trong số bệnh nhân bị rắn cắn có nhiều người nghèo, trong khi chi phí mua huyết thanh kháng độc khoảng 20-30 triệu đồng. Tính chất cấp cứu của các ca bệnh cũng như lòng thương cảm đối với họ khiến cho TS Tạo chỉ cần nhận điện thoại - dù là của người nhà bệnh nhân hay bác sỹ - đều lập tức đến bệnh viện bất kể sớm tối hay ngày nghỉ. Ông khẩn trương xác định loài rắn độc đã cắn để bác sỹ sớm đưa ra phác đồ điều trị.

TS Tạo giải thích, để xác định chính xác độc tố của loài rắn nào, cần phải làm rất nhiều xét nghiệm và điện não đồ, vừa tốn kém vừa mất thời gian: “Trong nhiều trường hợp, qua hình ảnh bác sỹ gửi, tôi có thể xác định luôn đó là loài rắn nào. Một số trường hợp không thể nhận biết bằng mắt mà phải có phân tích sinh học phân tử. Dựa trên giám định của tôi, bác sỹ sẽ đưa ra hướng điều trị nhanh hơn”.

Điều trăn trở hiện nay của nhà khoa học mê rắn là Việt Nam thiếu kháng huyết thanh kháng nọc của 53 loài rắn độc đặc hữu, chủ yếu phải nhập khẩu. “Tôi mong muốn các công ty dược tập trung nghiên cứu để sản xuất ra huyết thanh kháng độc, góp phần giảm chi phí cho bà con” - TS Tạo nói.

TS Nguyễn Thiên Tạo sinh năm 1982 tại Hải Dương. Ngoài công việc ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, từ tháng 4/ 2016 ông còn là giáo sư thỉnh giảng (visiting professor) tại Đại học Kyoto. Ông đã công bố 60 bài báo khoa học, trong đó có 45 bài trên tạp chí quốc tế thuộc danh sách ISI. TS Tạo từng đoạt giải thưởng Công trình nghiên cứu xuất sắc tại hội nghị quốc tế lần thứ hai về nghiên cứu đa dạng và bảo tồn các loài động vật có xương sống châu Á tại Kyoto, Nhật Bản năm 2012.