Để nhà bảo tàng thành một nơi “hấp dẫn và tràn ngập tri thức”, nơi trẻ em đòi đến nhiều lần, ông không ngại “chạy vạy”, nghe ngóng, tận dụng mọi cơ hội xuất hiện trong tầm tay...
“Chân chạy" xin đất, mua mẫu vật
Vẻ say sưa của PGS-TS Phạm Văn Lực khi “khoe” các hiện vật trong BTTNVN khiến sức sống như tỏa rạng từ vóc dáng hao gầy của ông. Khoảng 1.400 mẫu vật được trưng bày tại nhà bảo tàng còn rất trẻ này là kết quả bao mồ hôi, công sức của ông và cộng sự trong những ngày viết đề án, thu thập hiện vật và làm vô số thủ tục để xây dựng nó.
“Hồi đó, cứ dăm ba hôm lại có người gọi điện hỏi khi nào bảo tàng bắt đầu mở cửa. Có bà mẹ đưa con đến tận văn phòng tìm tôi vì đứa bé không biết nghe ở đâu mà đòi đến xem bằng được. Khi ấy khu trưng bày chưa có, tôi đành mở kho cho cháu xem. Điều đó thôi thúc tôi quyết tâm mở bằng được khu trưng bày” - ông chia sẻ.
Duyên nợ với bảo tàng thiên nhiên của PGS Lực bắt đầu từ những năm 1990, khi ông là Trưởng phòng Tổng hợp của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), nơi ông làm việc sau khi lấy bằng tiến sỹ ngành ký sinh trùng ở Nga.
“Thời ấy, viện có hàng vạn mẫu tiêu bản về động, thực vật do các nhà khoa học thu thập về. Nhìn đống mẫu vật xuống cấp trong kho, tôi xót lắm, nên đã đề xuất VAST đầu tư kinh phí để bảo quản. Ban đầu chỉ có 50 triệu đồng mỗi năm, nhưng quyết định đó được duy trì đến bây giờ. Tôi cũng đề xuất lắp hệ thống báo cháy, báo trộm tự động sau khi xảy ra chuyện một chiếc ngà voi bị mất” - ông kể.
Kể từ năm 2004, khi được giao làm Trưởng ban Quản lý dự án BTTNVN, PGS-TS Phạm Văn Lực trở thành “chân chạy”, đi khắp nơi xin đất, xin cơ chế. Hễ nghe ở đâu có bộ sưu tập hay là ông lại lao tới tìm hiểu. “Có những đêm đang ngủ, tôi lại lo lắng bật dậy ngồi nghĩ xem làm công văn thế nào để xin đất đai, xin cơ chế cả về nhân sự lẫn đầu tư hạ tầng, mẫu vật cho bảo tàng” - PGS Lực tâm sự.
Ở cương vị giám đốc bảo tàng lúc đó, có 2 quyết định mà ông cho là sáng suốt nhất: Trình xin Thủ tướng phê duyệt công văn 611 về hỗ trợ công tác thu thập mẫu vật cho BTTNVN và mua bộ sưu tập gần 1.000 mẫu vật về hóa thạch cổ sinh của một nhà sưu tập tư nhân.
Chuyện là năm 2006, trong khi trăn trở tìm cách làm giàu kho hiện vật cho bảo tàng mới thành lập, PGS Lực nghĩ đến số ngà voi, sừng tê giác mà cơ quan chức năng thu giữ theo Công ước Cites về cấm buôn bán thực vật, động vật hoang dã quý hiếm... nên đã gửi công văn lên Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Văn phòng Chính phủ để xin cho bảo tàng. Đã thành lệ, từ đó đến nay, hàng nghìn mẫu vật quý hiếm đã được cơ quan chức năng chuyển đến.
Năm 2008, trong chuyến công tác Đắk Lắk, nghe kể về bộ sưu tập tư nhân có khoảng 1.000 mẫu vật và hóa thạch cổ sinh, ông lập tức đến xem. PGS Lực kể: “Tôi vận động chủ nhân bộ sưu tập vừa hiến vừa bán cho bảo tàng. Anh ấy bảo giá thường là 1,5 tỷ đồng nhưng sẽ nhượng lại với giá 1 tỷ. Về Hà Nội, tôi lập tức cử chuyên gia vào khảo sát, chụp lại và làm công văn đề nghị VAST duyệt mua. Lúc ấy, GS Đặng Vũ Khúc - chuyên gia sưu tầm khảo cổ - nói phải mua ngay bởi rất khó có cơ hội mua được bộ mẫu vật quý có niên đại từ 220-175 triệu năm như vậy”.
Được phê duyệt, ông Lực lập tức vào Đắc Lắk thương thảo và mua bộ sưu tập với giá 800 triệu đồng và phòng trưng bày của bảo tàng có các mẫu vật hóa thạch đầu tiên.
Giấc mơ về bảo tàng tầm cỡ thế giới
Nói về BTTNVN, PGS Lực nhớ rõ từng mốc thời gian, từng kỷ niệm, từng nỗi chật vật mà mình và cộng sự trải qua để có phòng trưng bày đẹp đẽ như hôm nay. Trong những câu chuyện ông mê mải kể, sự kỹ tính, cầu toàn của con người này hiện ra khá rõ: “Với mỗi góc của bảo tàng, tôi chọn kỹ người lên ý tưởng và thi công. Tôi luôn nghĩ về một nơi khiến lũ trẻ tới xem thấy hứng thú và bố mẹ chúng sẽ đưa con đến nhiều lần. Đó sẽ là nơi ấn tượng từ lần đầu tiên, vừa khoa học vừa hấp dẫn”.
Để đạt mục tiêu ấy, hễ đến nước nào là ông lại mòn gót ở các bảo tàng, vào xưởng xem người ta chế tác, bảo quản mẫu vật. Cùng các cộng sự, ông suy nghĩ cả năm trời để chọn chủ đề cho phòng trưng bày của BTTNVN, đó là sự tiến hóa của tự nhiên... Phòng chiếu phim 3D cũng được xây dựng để giới thiệu sự tiến hóa của loài người, động vật, thực vật. “Để hiểu và xây dựng một phòng chiếu phim 3D chuẩn, tôi phải đến một điểm chiếu phim 3D cho trẻ để trải nghiệm. Bảo tàng là tâm huyết của bao người, trong đó có tôi, nên làm gì, chọn gì tôi đều rất cẩn thận” - ông nói.
Cái tính kỹ lưỡng ấy cũng được PGS Lực thể hiện trong việc làm các tiêu bản nhồi bông. Kỹ thuật phổ biến ở Việt Nam là nhồi bông hoặc vải vụn vào lớp da thú để trưng bày và mẫu vật thường có hình thù “không ổn”.
Quyết tâm “làm ra cái gì cũng phải tử tế”, ông Lực mời chuyên gia làm mẫu vật của Bảo tàng động vật St. Petersburg (Nga) sang dạy cho cán bộ cách làm mẫu vật dùng cốt composite. Khi được giao nhiệm vụ chế tác mẫu cụ rùa hồ Gươm, ông đã mời chuyên gia Marco Fischer người Đức hỗ trợ chế tác theo phương pháp mới nhất là nhựa hoá, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật thêm cho nhân viên bảo tàng. Ông chia sẻ: “Đến các bảo tàng thế giới, nhìn mẫu vật sống động như thật của họ, tôi thèm lắm, bởi linh hồn của bảo tàng là mẫu vật”.
Trong những câu chuyện của ông luôn thấp thoáng giấc mơ về một BTTNVN đạt tầm cỡ như Bảo tàng New York, Smithsonian (Mỹ) hay bảo tàng lịch sử tự nhiên của Anh, Thụy Điển...
Đặt nhiều kỳ vọng vào khu đất hơn 30ha ở Quốc Oai đã được quy hoạch cho việc xây dựng BTTNVN, PGS Lực mường tượng đây sẽ là một điểm nhấn văn hóa khiến việc tham quan bảo tàng trở thành thói quen của người dân: “Ở đó sẽ có khu vực giống như rừng với những loài cây, hệ sinh thái đặc trưng của Việt Nam, vườn đá mô phỏng kỷ Jura với hình ảnh trái đất vài chục triệu năm trước... Ở đó, công chúng được chiêm ngưỡng sinh cảnh dưới đáy biển hay không gian vũ trụ, mặt trăng, mặt trời bằng phim 4D... Chúng ta cần những người tâm huyết để tạo nên một kịch bản hấp dẫn và tràn ngập tri thức”.