Đến nay, TS Nguyễn Thiên Tạo đã tìm và phát hiện mới được 1 giống mới và hơn 40 loài ếch, nhái, bò sát.

Trong số đó, có loài rắn lục Trùng Khánh - protobothrops trungkhanhensis - được phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Trùng Khánh, Cao Bằng, công bố trên tạp chí Bò sát và Ếch nhái của Nga năm 2009. Đây là loài rắn thứ tư thuộc họ rắn lục protobothrops được phát hiện ở Việt Nam, sau các loài rắn lục sừng (protobothrops cornutus), rắn lục giécđôn (protobothrops jerdonii) và rắn lục cườm (protobothrops mucrosquamatus).

Một bức ảnh về loài rắn lục Trùng Khánh (protobothrops trungkhanhensis) do tiến sỹ Nguyễn Thiên Tạo chụp.
Một bức ảnh về loài rắn lục Trùng Khánh (protobothrops trungkhanhensis) do tiến sỹ Nguyễn Thiên Tạo chụp.

Rắn lục Trùng Khánh dài 733mm, nhỏ hơn so với các loài cùng giống, khác biệt rõ nét ở sự sắp xếp các vảy trên thân. Loài này có các vảy nhỏ ngăn cách giữa đầu và cổ, lỗ mũi lớn; mình thon, vảy hình thang, có gờ nổi rõ; có màu nâu xám nhạt ở lưng và đầu, nhiều vệt nâu sẫm trên thân và đuôi. Gần đuôi có vệt đen, không có vệt đỏ trên chóp đuôi. Chúng sống ở độ cao 500-700m trong các khu rừng thường xanh và rừng mưa núi đá vôi nhiệt đới. TS Tạo cho biết, chưa thể khẳng định rắn lục Trùng Khánh là loài đặc hữu của Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam là nơi duy nhất phát hiện được cá thể loài này.

Theo chia sẻ của TS Tạo, nhóm nghiên cứu của ông sắp công bố thêm một số loài mới. Phó Giáo sư Vũ Văn Liên - Phó Tổng giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - nhận xét: “Ở tầm tuổi trên 30 như TS Tạo, con số khoảng 40 loài mới được phát hiện là rất hiếm có, không nhiều người có thể đạt được. Tôi rất khâm phục các bạn trẻ như Tạo”.

Để có được “vốn liếng” đó, TS Tạo dành nhiều thời gian đi thực địa. Ông chia sẻ: “Mỗi năm tôi đi rừng khoảng 5-6 tháng, thường là từ cuối xuân, đầu hạ đến cuối thu bởi đó là thời kỳ sinh trưởng mạnh nhất của các loài bò sát, ếch nhái. Chúng tôi vẫn thường nói đùa với nhau rằng làm khoa học như thế này rất thú vị vì được đi du lịch miễn phí”.

Thực tế những chuyến “du lịch miễn phí này” không hề đơn giản vì công việc được tiến hành chủ yếu vào ban đêm - thời điểm các loài ếch nhái, rắn đi kiếm ăn. TS Tạo cho biết, nhiều chuyến đi nằm rừng, 2-3 ngày liền ông mới bắt được một con ếch, hay có chuyến đi nửa tháng cũng chỉ thu được vài mẫu, nếu may mắn được mẫu hay thì sản phẩm là các bài báo, còn nếu không thì coi như thất bại.