Các đặc điểm sinh học khiến cho biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn và ít gây tử vong hơn, nhưng lây lan rất nhanh và có nguy cơ làm quá tải hệ thống y tế.
Biến thể Omicron đang lây nhiễm nhanh chóng, phá vỡ kỷ lực số ca nhiễm COVID-19 trên khắp Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Phi và Úc. Do có số lượng lớn người bị nhiễm bệnh hoặc đang phải cách ly, hàng chục nghìn chuyến bay và chuyến tàu đã bị hủy bỏ, nhiều công sở và trường học đóng cửa. Trước đây, nếu số ca nhiễm tăng chóng mặt như hiện nay, gần như theo đồ thị thẳng đứng, thì các nước đã ra các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Nhưng bây giờ thì khác: Nhiều chính phủ vẫn cho phép mở cửa mọi hoạt động, dựa trên các khuyến nghị rằng vaccine vẫn bảo vệ khỏi bệnh nặng và Omicron là biến thể gây bệnh nhẹ hơn các biến thể trước đây.
Quyết định như vậy là khá mạo hiểm, bởi vì các nhà khoa học vẫn chưa thể dự đoán được tác động của Omicron đến quỹ đạo đại dịch. Dữ liệu ban đầu từ Nam Phi, Đan Mạch và Vương quốc Anh cho thấy biến thể này gây bệnh nhẹ hơn, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa chắc chắn. Và ngay cả khi Omicrongây bệnh nhẹ, thì số ca nhiễm quá lớn vẫn sẽ làm quá tải các bệnh viện. Tuần trước, tỷ lệ nhập viện do COVID-19 ở Mỹ đã tăng đột biến.
Các nhà virus học, sinh học phân tử và dịch tễ học đang hồi hộp chờ đợi và hy vọng số ca nhiễm sẽ sớm đạt đỉnh và bắt đầu giảm. Họ cũng đang cố gắng tìm hiểu các đặc tính của biến thể mới. Dưới đây là một số vấn đề nghiên cứu chính trong thời điểm này.
Một bệnh viện dã chiến được xây trong khuôn viên của Bệnh viện St. George ở London vào ngày 30/12/2021 để đề phòng số ca nhiễm COVID-19 bùng phát.
Omicron khác với các biến thể trước như thế nào?
Omicron hoạt động rất khác so với các biến thể trước đây. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy Omicron nhân lên trong tế bào phổi kém hiệu quả hơn so với các biến thể khác, và hai nghiên cứu đã xác định nguyên nhân nằm ở cách Omicron xâm nhập vào tế bào người.
SARS-CoV-2 có hai đường xâm nhập vào tế bào. Con đường thứ nhất: sau khi liên kết với ACE2 - một protein thụ thể trên bề mặt tế bào người, protein gai trên bề mặt virus gắn với protein TMPRSS2 trong tế bào người, và các phần tử virus kết hợp trực tiếp với tế bào. Con đường thứ hai: sau khi liên kết với ACE2, virus có thể bị tế bào nuốt vào trong một túi gọi là endosome, sau đó, do protein gai có thể gắn vào các protein cathepsin trong tế bào, virus thoát khỏi túi và đi vào tế bào chất.
Các nghiên cứu ban đầu trong phòng thí nghiệm cho thấy TMPRSS2 không gắn chặt vào protein gai của Omicron như khi gắn vào protein gai của các biến thể khác, cản trở con đường lây nhiễm đầu tiên, trực tiếp hơn. Và trong một bản thảo công bố vào tuần trước, nhà virus học Joe Grove tại Đại học Glasgow và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng: dùng chất điều chỉnh hóa học ngăn chặn TMPRSS2 có thể ức chế các pseudovirus, virus "giả", mang protein gai của các biến thể Alpha hoặc Delta, nhưng không ức chế được pseudovirus mang protein gai của Omicron. Ngược lại, ngăn chặn cathepsin sẽ ức chế các pseudovirus mang gai của Omicron, nhưng không ức chế pseudovirus mang gai của Alpha hoặc Delta. Rõ ràng Omicron có xu hướng lây nhiễm qua đường endosome, theo Grove nói. (Một bản thảo khác của nhà virus học Thomas Peacock tại Đại học Hoàng gia London và các đồng nghiệp cũng chỉ ra những phát hiện tương tự.)
Một số nhà nghiên cứu cho rằng Omicron ít lây nhiễm vào phổi, và do đó gây ra bệnh nhẹ hơn, vì protein TMPRSS2 tồn tại nhiều trong các tế bào ở đường hô hấp dưới, nhưng chưa có nhiều dữ liệu ủng hộ giả thuyết này, theo Peacock. Có thể các tế bào bị nhiễm Omicron ít có khả năng kết hợp với các tế bào lân cận để tạo thành các tế bào lớn hơn, gọi là hợp bào và là nguyên nhân gây ra bệnh nặng.
Vì sao Omicron lây lan nhanh?
Các nhà nghiên cứu quan sát thấy thời gian từ khi tiếp xúc virus đến khi xuất hiện triệu chứng đã rút ngắn, từ khoảng 5 ngày đối với các biến thể trước đây, 4 ngày đối với Delta, và chỉ còn 3 ngày đối với Omicron. Đây có thể là một phần lý do vì sao số ca nhiễm tăng mạnh.
Nguyên nhân cũng có thể nằm ở khả năng né tránh miễn dịch của Omicron. Nghiên cứu về lây nhiễm SARS-CoV-2 trong gần 12.000 hộ gia đình ở Đan Mạch, Frederik Plesner Lyngse tại Đại học Copenhagen và Viện Huyết thanh Statens Đan Mạch cùng các đồng nghiệp phát hiện: trong các hộ gia đình có ca nhiễm Delta, những người chưa tiêm phòng có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao gấp đôi so với những người đã tiêm hai mũi. Nhưng trong các hộ gia đình có ca nhiễm Omicron, những người chưa tiêm phòng và hai mũi có nguy cơ nhiễm bệnh gần như ngang nhau. Nghiên cứu đã được đăng dưới dạng bản thảo vào ngày 27/12/2021.
Không có nghĩa là vaccine COVID-19 không còn tác dụng - các dữ liệu khác cho thấy rõ ràng vaccine vẫn giúp ngăn ngừa bệnh nặng. Trong nghiên cứu nói trên, mũi vaccine thứ ba làm giảm một nửa nguy cơ nhiễm Omicron. Thêm nữa, Lyngse lưu ý: Đối với cả hai biến thể, một ca nhiễm chưa được chủng ngừa có nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình cao hơn 41% so với một ca nhiễm đã tiêm đủ hai mũi.
Nhà dịch tễ học Bill Hanage tại Đại học Harvard T.H. Chan School of Public Health chỉ ra một nguyên nhân khác: Omicron chủ yếu nhân lên ở đường hô hấp trên, do đó dễ phát tán ra không khí xung quanh hơn và dễ gây ra các sự kiện siêu lây nhiễm hơn các biến thể trước đây. Do Omicron gây bệnh nhẹ hơn, nhiều người nhiễm virus nhưng có rất ít triệu chứng, khiến họ dễ lây cho những người xung quanh. Và nếu các giả thuyết này là đúng, các biện pháp cấm tụ tập đông người sẽ rất hiệu quả trong việc ngăn chặn Omicron lây lan, theo Hanage.
Omicron ít gây nhập viện hơn?
Dữ liệu từ Nam Phi, nơi số ca nhiễm đã bắt đầu giảm, cho thấy Omicron chỉ gây ra 1/3 số ca nhập viện so với Delta. Nhưng cần lưu ý: số ca nhiễm ở Nam Phi trước đây rất cao và đã tạo ra mức độ miễn dịch nhất định trong dân số, và dân số nước này tương đối trẻ. Đây đều là các yếu tố có thể hạn chế số ca bệnh nặng.
Dữ liệu ban đầu từ Anh và Đan Mạch cũng cho thấy các ca nhiễm Omicron thường ít nghiêm trọng hơn. Nhưng đây lại là các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng rất cao; và ở các quốc gia này, Omicron chủ yếu lây lan ở những người trẻ tuổi. Số ca bệnh nặng có thể tăng sau các kỳ nghỉ lễ, khi người dân ở mọi lứa tuổi tiếp xúc với nhau. “Nếu Omicron có khả năng gây bệnh nặng ở các nhóm lớn tuổi, tình hình sẽ tồi tệ hơn hiện nay rất nhiều,” Hanage nói.
Dữ liệu ở Mỹ thì không mấy khả quan, ngày 8/1 có khoảng 120.000 ca nhập viện vì COVID-19, trong khi trước đó một tuần, ngày 1/1, chỉ có khoảng 85.000 ca.
Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy Omicron có thể gây mất nước do sốt, nôn mửa, tiêu chảy và có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tiểu đường. Những ca bệnh như vậy thường không cần đưa vào chăm sóc đặc biệt (ICU), nhưng vẫn làm quá tải các bệnh viện. Maria van Kerkhove, nhà dịch tễ học tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết: “Tôi nghe hết câu chuyện này đến câu chuyện khác về những bệnh viện chật kín, trong khi nhân viên y tế bị nhiễm bệnh và không thể làm tốt công việc của họ”.
Mức độ nghiêm trọng của Omicron ở những người “chưa có miễn dịch” - chưa tiêm chủng và chưa từng nhiễm COVID-19 - vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Nhóm này là thiểu số ở hầu hết các quốc gia, nhưng họ cũng có thể chất thêm gánh nặng cho bệnh viện nếu bị bệnh nặng. Số ca tử vong ở Ghana, Bờ Biển Ngà và Madagascar, những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đang tăng mạnh do số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến.
Omicron có phải là biến thể dáng lo ngại cuối cùng?
Aris Katzourakis, nhà nghiên cứu tiến hóa virus tại Đại học Oxford, cho biết có thể sẽ tiếp tục phát sinh nhiều biến thể giống như Omicron, nhưng với độc lực còn mạnh hơn. Bản thân Omicron chưa chắc đã tiến hóa để gây bệnh nhẹ hơn, Katzourakis lưu ý.
Thậm chí biến thể đáng lo ngại tiếp theo có thể đã xuất hiện. WHO đang theo dõi hai “biến thể cần quan tâm” và ba “biến thể cần theo dõi”, cũng như 30 dòng phụ của Delta.
Nhưng có khả năng Omicron sẽ giúp tạo ra miễn dịch để chống lại các biến thể trong tương lai. Tỷ lệ tiêm phòng và số ca nhiễm tự nhiên đều cao đã khiến hàng triệu người tiếp xúc với protein gai của SARS-CoV-2, tạo ra khả năng miễn dịch. Việc nhiễm Omicron, có protein gai khác biệt, có thể sẽ tăng cường khả năng miễn dịch, theo Hanage. “Tôi cho rằng khả năng miễn dịch hậu Omicron sẽ khá rộng,” Hanage nói, "nhưng cũng chưa thể chắc chắn".
Nguồn: