Khởi nghiệp năm bao nhiêu tuổi là đẹp nhất? 25 hay 30. Đó là ý kiến của nhiều người, nhưng đối với một thầy giáo đã ngấp nghé tuổi 65, khởi nghiệp dường như không có khái niệm tuổi tác - ông chính là Lê Thống Nhất, một giáo viên có uy tín đối với nhiều thế hệ học trò, đặc biệt trong những năm 2000 trở về trước.



Nguồn: VTC News

Bước đường khởi nghiệp của thầy giáo già

Tiến sỹ Lê Thống Nhất, sinh năm 1955 tại Nam Định, sau nhiều năm giảng dạy và công tác trong ngành giáo dục, năm 2015 ông về hưu ở tuổi 60. Thế nhưng một năm sau đó, người ta biết đến TS. Lê Thống Nhất với biệt danh “Ông già khởi nghiệp”.

Nhớ lại thời kỳ bắt đầu xây dựng, TS. Lê Thống Nhất cho biết: “Trong một lần tham dự hội chợ tại Thượng Hải (Trung Quốc), tôi thấy tại địa điểm tổ chức có hàng chục ngàn học sinh rất chăm chú, hào hứng tham gia các trò chơi game. Sau khi trở về nước, điều đọng lại cho tôi là ngoài các game giải trí hấp dẫn, liệu giáo dục có một trò chơi gì đó tương tự để hấp dẫn như vậy không? Và ông nghĩ, giáo dục nhất định phải có một trò chơi dạng “đối kháng” để thu hút học sinh.

Để đem đến phương pháp học hấp dẫn, ông đã biến những kiến thức khô khan trở thành một trò chơi trí tuệ đối kháng, có luật chơi, tính điểm và xếp hạng rõ ràng. Bên cạnh đó còn có những đề thi trong phần khảo thí độc lập dành cho mọi đối tượng từ mầm non đến THPT. Không nhằm vào một kỳ thi cố định, học sinh có thể tham gia thi ở bất cứ môn nào và bất cứ lúc nào, kết quả là học sinh có thể chỉ ra lỗ hổng kiến thức và được hướng dẫn bù đắp, học tập.

Đứng trên bục giảng trên 20 năm, TS. Lê Thống Nhất không chỉ được biết đến với vai trò là nhà cố vấn các chương trình lớn trên truyền hình như Đường lên đỉnh Olympia, mà thầy còn là “cha đẻ” của Tạp chí Toán Tuổi thơ, cuốn tạp chí đã gắn bó với các bạn nhỏ từ những năm 2000. Ngay khi xuất bản số đầu tiên, tạp chí đã bán được hơn 86.000 bản.

Chia sẻ về câu chuyện này, TS. Lê Thống Nhất cho biết: “Người đầu tiên tôi mời hợp tác xây dưng Tạp chí Toán là nhà thơ Trần Đăng Khoa… Toán học như chiếc “xương sống”, có nhiều ngã rẽ khác nhau và bằng sự thông minh, dí dỏm của nhà thơ Đăng Khoa sẽ giúp các em biết cách dùng tiếng Việt thông qua Toán học. Quan điểm của ông là giỏi Toán đồng nghĩa phải giỏi tiếng Việt, bởi Toán là môn suy luận, nếu không giỏi tiếng Việt thì lập luận sẽ không hay. Cũng có thể đưa Toán vào trong thơ nhằm tạo nên sự lý thú cho các em nhỏ và từ đó, Toán học sẽ không nặng nề mà chỉ như một câu đố vui”.

21 tuổi, là giáo viên Đại học Vinh. Đến năm 38 tuổi, TS. Lê Thống Nhất ra Hà Nội và trở thành một giáo viên có tiếng lúc bấy giờ. 53 tuổi, sau thành công với Tạp chí Toán Tuổi thơ, TS. Lê Thống Nhất “đầu quân” cho dự án Big Sky-một dự án ươm mầm cho những ý tưởng sáng tạo trên mạng Internet của Tập đoàn FPT. Tại môi trường mới, TS. Lê Thống Nhất cũng gặp khá nhiều khó khăn và bỡ ngỡ khi làm việc trong môi trường với các bạn trẻ thuộc lĩnh vực CNTT. Để thích ứng, thầy đã phải miệt mài bổ sung những kiến thức nhất định về CNTT.

Được làm việc trong môi trường CNTT, TS. Lê Thống Nhất nhanh chóng đưa giáo dục với nền tảng web với cuộc thi Violympic tiểu học - giải toán nhanh trên mạng Internet. Thông qua những đề thi để đánh giá thứ hạng của học sinh so với những người thi trên cả nước. Tiếp đó, cùng với cuộc thi này, cuộc thi Olympic tiếng Anh trên mạng cũng nhanh chóng được ngành giáo dục đón nhận và triển khai ở nhiều trường tiểu học và THCS trên cả nước.

Tự nhận là khá “liều” khi đưa cuộc thi Toán học lên web khi mạng Internet còn khá mới mẻ, TS. Lê Thống Nhất đã tìm tòi các Game để lựa chọn những Game có thể “bắt chước” được với mục đích học sinh có thể vừa chơi game, vừa luyện tập được môn Toán. Sau thành công của những sản phẩm giáo dục trên Internet như Vioplympic.vn, Ioe.vn... Năm 2016, khi về hưu, TS. Lê Thống Nhất đã quyết định thực hiện một dự án cho riêng mình mang tên Bigschool.

Bigschool - ngôi trường của những ước mơ


Chia sẻ về mình, TS. Lê Thống Nhất cho biết “Khi tôi về hưu, cũng có nhiều người có đất và nguồn lực tài chính mời tôi phối hợp tham gia mở trường theo mô hình như Marie Curie hay Lương Thế Vinh. Nhưng sau khi suy nghĩ, tôi nhận ra rằng, nếu mở một ngôi trường thì cùng lắm mỗi năm chỉ giúp đỡ được 2.000-3.000 học sinh và tạo công ăn việc làm cho khoảng 100 giáo viên trong khi hàng năm có hàng vạn giáo sinh ra trường chưa có việc làm. Vì vậy, tôi nghĩ đến một ngôi trường không hạn chế số học sinh và số giáo viên giảng dạy, điều này chỉ có thể thực hiện trên môi trường internet.

Đau đáu với những vấn đề trong giáo dục, TS. Lê Thống Nhất đã xây dựng ngôi trường trực tuyến mang tên Bigschool. Bất cứ ai có nhu cầu giảng dạy đều có thể đăng ký giảng dạy sau khi được kiểm tra nhưng để thu hút và gây sự chú ý cho học sinh lại khiến thầy Lê Thống Nhất trăn trở.

Nhiều người bạn và học sinh của thầy từng khởi nghiệp cũng lo lắng cho dự án của TS. Lê Thống Nhất bởi thầy là một giáo viên lâu năm - với môi trường giáo dục được cho là khá “yên bình”, lại không có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh, thị trường, marketing, truyền thông, gọi vốn... liệu có thành công. Và quả thực, để thực hiện dự án, TS. Lê Thống Nhất đã trải qua hơn 40 cuộc họp với đội nhóm của mình.

Thời kỳ mới xây dựng, phòng nội dung và phòng CNTT của dự án gặp khá nhiều bế tắc. Do không chuyên sâu về CNTT nên vấn đề quan trọng nhất với TS. Lê Thống Nhất chỉ xoay quanh nội hàm ‘tìm được đội ngũ CNTT giỏi”. Sau nửa tháng, TS. Lê Thống Nhất quyết định thành lập một đội CNTT mới để khắc phục và xây dựng lại. Sau một thời gian, nhóm đã đạt được kết quả như ý tưởng thầy mong đợi.

Vượt qua giai đoạn đầu tiên, sau gần một năm nghiên cứu và thử nghiệm, Bigschool chính thức đưa vào hoạt động vào đầu năm 2016 với các trò chơi mang tính đối kháng trí tuệ (các vòng thi đấu trực tiếp giữa các học sinh) cũng như khảo thí độc lập. Chỉ với từ 1.000-2.000 đồng là các em học sinh có thể tham gia thi và phân tích chi tiết tình trạng kiến thức ở bất kỳ môn học nào. Điểm đặc biệt là ai có nhu cầu giảng dạy cũng có thể đăng ký dưới sự kiểm duyệt, tư vấn của đội ngũ chuyên gia và nhân viên của Bigschool.

Chỉ hơn một tuần ra mắt, Big school đã có hơn 2.600 giáo viên và 3.000 học sinh đăng ký dạy và học. Khởi nghiệp không bao giờ là muộn với bất cứ ai, quan trọng là tại thời điểm đó bạn có đủ ý tưởng sáng tạo và vững vàng theo đuổi ý tưởng của mình hay không?

Minh Phượng

(Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia)