Đã có nhà đầu tư thiên thần, tất nhiên là sẽ có nhà đầu tư ác quỷ. Định nghĩa của từ điển Collins: Nhà đầu tư ác quỷ là một nhà đầu tư tham gia vào các công ty đã thành lập và tìm cách kiếm lợi nhuận nhanh chóng nhất.

Ở Việt Nam, có thêm một định nghĩa khác của “giang hồ khởi nghiệp”: nhà đầu tư ác quỷ là những người xuất hiện để “nuốt trọn” doanh nghiệp mà họ tham gia đầu tư.

Tuần rồi, một trong những startup về nông nghiệp công nghệ cao từng đoạt giải nhất một cuộc thi khởi nghiệp của Vương quốc Anh ghé chơi, hỏi thăm một số vấn đề về xây dựng đội ngũ ở Đà Nẵng. Nhớ ra, lần gần đây nhất biết tin liên quan đến dự án này, là đang chuẩn bị nhận đầu tư tiền triệu đô la Mỹ của một tập đoàn khá lớn. Đội ngũ startup này, khá là năng động và kinh nghiệm, nên việc có nhà đầu tư quan tâm thì cũng là điều dễ hiểu. Nhận xong, đi mở thị trường mới lại càng hợp lý. Ai dè, vừa hỏi thăm, thì anh chàng miệng méo xẹo: “Dạ bể kèo rồi, người ta muốn nuốt trọn mình luôn chớ đâu có muốn làm thiên thần gì đâu…”.


Tối qua, ngồi ăn với một doanh nghiệp làm chuỗi các nhà hàng đang từng bước mở rộng thị trường ra các tỉnh miền Trung, hỏi thăm: “Khó khăn lớn nhất từng gặp là gì”, anh bạn thở dài: “Là lúc nhà đầu tư trở mặt, muốn khống chế toàn bộ công ty. Lúc đầu hợp tác, thì vui vẻ anh em ghê lắm, vẽ ra nhiều viễn cảnh huy hoàng. Sau đó thì từng bước lấn dần. Mà nghĩ cũng đúng thôi, người ta có tiền, muốn đầu tư thì phải thu hồi vốn và có lãi nhanh, đâu có chờ công ty mình lớn lên theo như nguyện vọng của mình…”. Anh chàng nhớ lại, cái lúc quyết định bán nhà để thanh toán cho sòng phẳng với nhà đầu tư này, là một trong những khúc quanh đáng sợ trong cuộc đời, vì chẳng ai biết rồi sẽ đi về đâu…

Í chà, đã bao nhiêu lần nghe câu chuyện tương tự như vậy nhỉ? Nhiều đến không kể hết. Đầu tư cho khởi nghiệp, chính là đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển đột phá, nhưng giờ ra đường, gặp thiên thần thì ít mà gặp ác thần thì nhiều.

Tháng trước, nhà đầu tư nổi tiếng và người đồng sáng lập Sun Microsystems, Vinod Khosla đã gây sốc cho khán giả tại một hội nghị công nghệ khi tuyên bố: “95% các VCs không mang lại giá trị gì cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Tôi cá luôn rằng 70 đến 80 phần trăm các lời khuyên của họ là giá trị âm”.

“Tôi không biết một startup nào đã không trải qua những thời điểm khủng hoảng – và đó là lúc mà nhà đầu tư ác quỷ sẽ vặn vẹo công ty hoặc đưa ra lời khuyên đáng sợ” – một trong 400 người giàu nhất thế giới này cho biết.

Harvard Business Review giải thích cách thức các nhà đầu tư có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của những người sáng lập startup - thường có hậu quả lâu dài, độc hại thông qua một “hội chứng sắp đặt thất bại”. Đó là cách mà ngay khi nhận đầu tư từ một người không cùng chí hướng, là đã bắt tay đi chung với một… ác quỷ trên con đường đến địa ngục.

Vậy đó, nhà đầu tư thì cần có lãi. Quỹ đầu tư lại cần có lãi hơn. Quy luật của cuộc chơi là vậy, và ngày càng khắc nghiệt hơn. Có lần, người ta còn ví von, thiên thần hay ác quỷ thật ra cũng chỉ nằm trong một con người thôi, vấn đề là làm thế nào để biết cách thương lượng với con người này cho đúng…

Thiệt khổ cho đời startup.

Rủi ro nào thường xảy ra?

- Mất quyền kiểm soát doanh nghiệp;

- Mâu thuẫn, xung đột giữa các sáng lập viên và nhà đầu tư;

- Mô hình kinh doanh bị thay đổi, bị thâu tóm, bị “biến mất”.

Với sự hạn chế tài chính, việc có luật sư riêng tư vấn là không hề dễ dàng cho Startup. Để tự bảo vệ mình, các sáng lập viên cần xác định được những câu hỏi quan trọng cần làm rõ và đàm phán như:

1. Các tỷ lệ sở hữu quan trọng và quyền thông qua, điều hành doanh nghiệp trên tỷ lệ đó như thế nào (36%, 51%, 65%, 75%..)?

2. Thông tin đầu tư và điều kiện giải ngân cụ thể ra sao?

3. Cam kết chỉ tiêu với nhà đầu tư và vấn đề thoái vốn của nhà đầu tư có phù hợp với khả năng của Startup hay không?

4. Quyền sở hữu trí tuệ được sở hữu và sử dụng bởi đối tượng nào?

5. Điểm đàm phán nào cần được bảo lưu và không thể thay đổi trong quá trình đàm phán?

6. Chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư thế nào cho hiệu quả?

Với Startup, nếu tiền không phải là tất cả, việc lựa chọn tiền của ai và nhận tiền như thế nào cho an toàn mới là điều quan trọng.

Chuyên gia tư vấn pháp lý khởi nghiệp Lâm Tuấn Minh