Cuốn sách của bell hooks nhằm lan tỏa những nhận thức đúng đắn về nữ quyền luận, khiến trào lưu này không chỉ là đối tượng quan tâm của giới học thuật hay của phụ nữ thuộc tầng lớp đặc quyền.
bell hooks (tác giả chủ ý không viết hoa) là bút danh của Gloria Jean Watkins (1952-2021), giáo sư ngành Nhân văn và Nghệ thuật từng làm việc ở nhiều đại học danh tiếng của Mỹ, nhà tư tưởng nữ quyền, nhà giáo dục học, nhà hoạt động xã hội vì quyền của người da màu và tầng lớp lao động, một tác giả với 30 đầu sách đã được xuất bản, từ các công trình học thuật đến những tác phẩm dành cho thiếu nhi. Đấy là chưa nói đến một số vai trò khác của bà như làm diễn giả, viết kịch bản phim… Tạp chí The Atlantic Monthly đã khẳng định bà là “một trong những tri thức công chúng có sức ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ”.
bell hooks. Nguồn: Pinterest
Chính trị nữ quyền nằm ở trung tâm các hoạt động tri thức và xã hội của bell hooks. Từ thời sinh viên, bà đã viết cuốn sách đầu tay "Ain’t I a Woman? Black Women and Feminism" (Tôi có phải là một phụ nữ không? Phụ nữ da đen và nữ quyền luận) (1981). Nhan đề của cuốn sách láy lại tên bài diễn thuyết nổi tiếng “Ain’t I a Woman?” của Sojourner Truth (1797-1883), một phụ nữ da đen vốn xuất thân từ tầng lớp nô lệ ở nước Mỹ, người không biết chữ nhưng có thể dùng năng lực kể chuyện và hùng biện của mình để khẳng định giá trị và đấu tranh cho quyền của phụ nữ da màu. Trong sự nghiệp của mình, bell hooks luôn nhắc đến Truth như một nguồn ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng và cách dấn thân cho nữ quyền của bà, theo đó, cuộc đấu tranh nữ quyền không tách rời với cuộc đấu tranh giai cấp và chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
“Nữ quyền luận cho mọi người” của bell hooks vừa được xuất bản ở Việt Nam. Ảnh: PN
Cuốn "Feminism is for Everybody" (Nữ quyền luận cho mọi người) được bell hooks cho ra mắt vào năm 2000, sau một thời gian dài bà nghiên cứu nữ quyền luận trong khu vực học thuật hàn lâm với những công trình gây nhiều tiếng vang cũng như đã tham gia vào phong trào nữ quyền như một nhà hoạt động xã hội hăng hái. Cuốn sách còn có một tiêu đề phụ, theo đó, nữ quyền luận được hiểu như một đường lối chính trị nhiệt thành, say mê, “Passionate Politics”.
Với một dung lượng không quá đồ sộ, cuốn sách của bell hooks nhìn lại những chặng đường thăng trầm mà phong trào nữ quyền luận ở Mỹ đã trải qua, từ làn sóng thứ nhất bắt đầu vào cuối thế kỷ XIX với những cuộc đấu tranh mở đường để phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, giáo dục, khẳng định năng lực và giá trị của bản thân đến những động hướng của nữ quyền luận đương đại bắt đầu từ cuối thập niên 1980.
Không thể phủ nhận, phong trào nữ quyền đã thúc đẩy việc gia tăng địa vị và quyền năng của người phụ nữ trong xã hội Mỹ, đem đến cho họ nhiều sự bình đẳng nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề của phụ nữ chưa được nhận thức thấu đáo và giải quyết, dẫn đến những ngộ nhận và cả những chia rẽ nội bộ. Thực tiễn ấy thôi thúc bell hooks viết "Nữ quyền luận cho mọi người", một cuốn sách có tính chất như một cẩm nang bỏ túi về phong trào này, được viết bằng một thứ văn phong bình dân, dễ tiếp cận, thay vì mang tính chất kinh viện. Mục đích của bà là lan tỏa rộng rãi những nhận thức đúng đắn về nữ quyền luận, khiến trào lưu này không chỉ là đối tượng quan tâm của giới học thuật hay của phụ nữ thuộc tầng lớp đặc quyền, từ đó, thách thức lại những hình ảnh bị bóp méo của phong trào được truyền thông đại chúng dòng chính của xã hội gia trưởng tư bản thượng tôn da trắng đưa ra cho công chúng.
Không chỉ nhằm giải phóng phụ nữ
Việc đầu tiên mà bell hooks làm rõ trong cuốn sách này là đưa ra một định nghĩa cô đọng nhất, bản chất nhất về phong trào nữ quyền. Theo đó, nữ quyền luận là một phong trào tư tưởng và xã hội nhằm chấm dứt tất cả những hình thức của định kiến giới, bóc lột và đàn áp giới. Phạm vi vấn đề mà cuốn sách thảo luận rất rộng, từ chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa cho đến những khía cạnh thuộc về đời sống riêng tư, cá nhân như tình dục, việc làm mẹ, quan niệm về vẻ đẹp thể chất của phụ nữ…
Nữ quyền luận, trong tầm nhìn của bell hooks, hoàn toàn không phải việc đảo ngược lại thế đối lập nhị nguyên giữa nam giới và nữ giới, biến nam giới thành mục tiêu công kích và giành lấy địa vị cho nữ giới như một hình thức soán ngôi. Theo bell hooks, đối tượng mà nữ quyền luận phải đấu tranh để xóa bỏ là chế độ gia trưởng, đặc biệt là hình thái tư bản thượng tôn da trắng của nó. Chính nó đã áp đặt những ràng buộc và khuôn mẫu lên cả nam giới và nữ giới, cấu trúc nên tình trạng bất bình đẳng và đặc biệt biến những sự bất bình đẳng này thành một tình trạng đương nhiên, miễn trừ sự chất vấn. Nữ quyền, vì thế, là nhân quyền; phong trào nữ quyền không chỉ nhằm giải phóng phụ nữ mà giải phóng con người nói chung, xây dựng nên những mối quan hệ của con người trong đời sống trên nền tảng nhân văn mới.
Có thể thấy lập trường nữ quyền luận của bell hooks mang tinh thần Marxist rõ nét. Ngay từ cuốn sách đầu tiên của mình, bell hooks đã nhận thức rõ: các vấn đề nằm trong nghị trình của nữ quyền luận đan cài một cách phức tạp với các vấn đề về giai cấp và chủng tộc. Những hạn chế của phong trào nữ quyền ở Mỹ, theo phân tích của bà, một phần quan trọng nằm ở việc các nhà tư tưởng và hoạt động chưa ý thức được sâu sắc sự đan cài này, từ đó dẫn đến những hệ lụy nhất thiết phải khắc phục sớm. Chẳng hạn, nữ quyền luận dường như được hình dung là một phong trào do phụ nữ da trắng, thuộc tầng lớp đặc quyền trong xã hội nắm lấy ngọn cờ và do vậy, chỉ tập trung vào những đòi hỏi của bộ phận đặc quyền này nhằm gia tăng địa vị của mình, trong khi đó, bộ phận phụ nữ da màu, phụ nữ nghèo, phụ nữ thuộc tầng lớp lao động – những đối tượng mà đáng ra phong trào nữ quyền phải bảo vệ, bênh vực trước hết lại bị vô hình hóa. Chủ nghĩa cơ hội trong phong trào nữ quyền ở Mỹ là một thực tế khi những nhà tư tưởng và hoạt động nữ quyền da trắng không đặt mình vào vị thế của những người phụ nữ thuộc nhóm thiểu số và yếu thế trong xã hội để cất lên tiếng nói đòi bình đẳng.
bell hooks không hài lòng với cách tiếp cận theo khuynh hướng cải lương của các nhà nữ quyền thế hệ trước và cùng thời với bà bởi theo bà, cách tiếp cận này không thúc đẩy những chất vấn cần thiết, mang tính hệ thống đối với các cấu trúc duy trì nền văn hóa gia trưởng tư bản thượng tôn da trắng, không tạo ra những thay đổi mang tính bản chất về cơ sở hạ tầng và ý thức hệ để giải phóng phụ nữ thực sự. Phong trào nữ quyền, vì thế, vẫn để số đông phụ nữ phải đương đầu với nhiều áp lực và chịu đựng nhiều bất công, chẳng hạn, phải cân đối việc phát triển sự nghiệp và chăm sóc gia đình, phải chấp nhận mức lương thua thiệt so với nam giới khi đi làm trong khi hệ thống phúc lợi xã hội vẫn chưa quan tâm đúng mức đến điều kiện sức khỏe, điều kiện sống của họ… Điều này khiến cho nữ quyền luận ở Mỹ vẫn chưa trở thành một phong trào quy tụ rộng rãi quần chúng như nó được kỳ vọng: nó thiếu tiếng nói cần được lắng nghe nhất từ phía những phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi nhất trong chế độ gia trưởng tư bản thượng tôn da trắng, nó chưa có được sự liên minh với nam giới, những người ý thức được sự cầm tù của khuôn mẫu gia trưởng đối với sự phát triển tự do và toàn vẹn của chính mình, nó đang nói một thứ ngôn ngữ kinh viện, nhiều biệt ngữ và ít khả năng lay động.
Mặt khác, cũng có lý khi Jennifer Hockenbery Dragseth (1) xếp bell hooks vào những nhà nữ quyền hiện sinh, những người coi giới là một phạm trù văn hóa và giải phóng khuôn mẫu giới đòi hỏi phải giải phóng các cơ chế của văn hóa đóng khuôn những hình dung về phụ nữ, nữ tính.
Vốn xuất thân là người theo học văn chương, bell hooks nhận ra một trong những định kiến sâu sắc nhất mà văn hóa gia trưởng duy trì dai dẳng là việc xem thường các giá trị văn hóa do phụ nữ sáng tạo. Bà nhìn vào hệ thống điển phạm văn chương phương Tây nơi các đại diện của phụ nữ luôn chỉ được nhìn nhận như những nét chấm phá. Và càng hiếm hoi hơn nữa là những sáng tạo văn hóa của phụ nữ da màu được thừa nhận về giá trị.
bell hooks cũng phân tích thuyết phục cơ chế quỷ quyệt của văn hóa gia trưởng khi nó biến phụ nữ từ chỗ là nạn nhân của những định kiến mà nó hun đúc đến chỗ biến họ trở thành đồng lõa với những định kiến ấy, trở thành những người áp đặt logic thống trị của nam giới lên những phụ nữ khác, lên chính con em của họ. Những phân tích của bà về bạo lực gia trưởng ngay ở phụ nữ thể hiện một cái nhìn nghiêm khắc nhưng xác đáng đối với những vấn đề còn tồn tại mà bản thân phụ nữ phải nhận ra và thay đổi. Tất nhiên, ngoài sự thay đổi tự giác ở mỗi cá nhân, cần thiết phải xóa bỏ các thiết chế văn hóa gia trưởng vốn luôn tìm cách đồng hóa phụ nữ vào trong logic của chúng.
Nữ quyền luận cho mọi người không chỉ là một tập tản văn chính luận mà còn mang tính tự sự rất đậm của một phụ nữ da màu dấn thân vào phong trào. Và ở đây, có thể thấy rõ ở bà hình ảnh của một trí thức trung thực khi bà không ngần ngại nói về những thời điểm nhận thức của mình còn chưa chín, chưa cặn kẽ. Khi phê bình giới hạn của phong trào, bell hooks đồng thời thực hiện việc phê bình chính những giới hạn của bản thân. Phải nói thêm, đọc Nữ quyền luận cho mọi người, ta có thể hiểu hơn tầm quan trọng của ý thức phê phán. Theo đó, mục đích chính của phê phán không phải là tấn công, đả kích mà hơn hết, phê phán gợi mở những hình thức can thiệp. Nói khác đi, phê phán mở ra khả thể. Tính khai phóng của nữ quyền luận trong tư cách một trào lưu tư tưởng cần được hiểu như thế.
***
Việc dịch và giới thiệu cuốn sách này trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, theo tôi, có nhiều ý nghĩa. Lịch sử hiện đại của Việt Nam gắn liền với nhiều phong trào xã hội, trong đó có làn sóng nữ quyền nổi lên từ đầu thế kỷ XX, nơi phụ nữ dấn thân, cất tiếng nói đòi hỏi sự tôn trọng về nhân cách, tài năng, thân thể và các quyền làm người cơ bản. Tuy nhiên, phong trào nữ quyền trong lịch sử Việt Nam hiện đại phần nào cũng vẫn là một lịch sử bị ngoại biên hóa, có những gián đoạn, thăng trầm trong sự phát triển của nó. Những thảo luận về bình đẳng giới nổi lên trên truyền thông đại chúng gây cảm giác về một sự trở lại (hoặc cũng có thể nghĩ như một làn sóng mới) của nữ quyền trong xã hội Việt Nam đương đại. Liệu nữ quyền luận ở Việt Nam đã thoát khỏi những nghi kỵ, định kiến về nó như là một trào lưu Tây học, một cuộc nổi loạn của những phụ nữ thuộc tầng lớp đặc quyền trong môi trường thị dân phá vỡ truyền thống hay một xu hướng gây hấn với nam giới hay chưa? Những hình thức đóng khung phụ nữ, “vật hóa” phụ nữ vẫn đang diễn ra công khai trong đời sống, từ trong những lời bông đùa cho đến những hình ảnh phổ biến trong quảng cáo, truyền thông, phim ảnh, văn chương ở Việt Nam. Những vấn đề về bạo lực gia đình, quấy rối tình dục mà phụ nữ là nạn nhân, những điều kiện cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội vẫn còn quá nhiều bất cập đối với phụ nữ… không phải chưa từng được phản ánh, được nêu lên trước công luận nhưng có lẽ “nữ quyền luận” vẫn đang được hình dung như một khuynh hướng tư tưởng trưởng giả hay một thứ lý thuyết kinh viện, không có nhiều giá trị thực tiễn. Cuốn sách của bell hooks là một tham khảo cần thiết đối với những nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam để cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới thật sự có những bước đột phá.
(1) Jennifer Hockenbery Dragseth