Amoniac (NH3) thường được sử dụng trong phân bón, do đó có thể gây ô nhiễm nguồn nước khi chảy ra khỏi ruộng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy vi khuẩn chỉnh sửa gen có thể trở thành giải pháp thay thế cho những loại phân bón như vậy.

Đó là kết luận của các nhà khoa học tại Đại học Washington State University do GS. Florence Mus dẫn dắt, với kết quả được công bố trên tạp chí Applied and Environmental Microbiology (Vi sinh ứng dụng và môi trường).

Nhóm đã tiến hành chỉnh sửa gen của một loại vi khuẩn sống trong đất mang tên Azotobacter vinelandii – có thể chuyển hóa khí nitơ trong môi trường thành amoniac. Nhờ sự can thiệp này mà khả năng sản sinh và bài tiết amoniac của những chủng vi khuẩn mới đã được tăng cường đáng kể, diễn ra thường xuyên, nhất quán và ở nồng độ cao hơn nhiều, bất kể điều kiện môi trường.

.


Sau đó, nhóm thử nghiệm bổ sung A. Nholandii vào đất nơi cây lúa đang phát triển (trong điều kiện phòng lab) và quan sát chúng hấp thụ amoniac sản sinh do vi khuẩn. Kết quả thu được sẽ trở thành tiền đề cho việc phát triển thêm các chủng A. vinelandii có khả năng tạo ra amoniac với tỷ lệ khác nhau cho từng loài cây trồng cụ thể, dựa trên nhu cầu amoniac thực tế của chúng. Điều này nhằm đảm bảo cây sẽ hấp thụ hết amoniac, không còn dư để ngấm qua đất vào mạch nước ngầm. Ngoài ra, nhà nông cũng cắt giảm được chi phí cho phân bón.

GS. Mus nhận định: “Việc sử dụng rộng rãi những loại phân bón sinh học này trong nông nghiệp hứa hẹn sẽ mang đến một cách thức bền vững để quản lý chu trình nitơ trong đất, giúp tăng cường độ phì nhiêu, giảm thiểu ô nhiễm, hạ giá thành sản xuất và cải thiện tỷ suất lợi nhuận cho nhà nông, đồng thời thúc đẩy xu hướng sản xuất thực phẩm bền vững”.

Tham khảo: