Với những người ngoài cuộc, cái tên giáo sư Ngô Văn Long hẳn không gợi nhiều cảm xúc nhưng với những người làm kinh tế như chúng tôi, giáo sư là một nhà nghiên cứu có một sự nghiệp khoa học đáng nể mà không nhiều người có được. Vì thế, cái tin ông qua đời khiến chúng tôi chết lặng.

Ngày 15/1/2022, giáo sư Ngô Văn Long đã từ trần tại Montreal, Canada sau một cơn bạo bệnh. Trong thư gửi cho chúng tôi, phu nhân giáo sư viết: “Anh Long qua đời bình tĩnh, đầy tâm trí nhận thức, và thanh thản như mọi khi, đến hơi thở cuối cùng... Anh Long đã giúp tôi, Chi, Bách, và Bambou duy trì sức khỏe, thể chất, hy vọng, tích cực trong 8 tháng qua bằng nụ cười hiền lành, đạo đức làm việc cho đến vài ngày cuối cùng, sự lạc quan và điềm tĩnh triết lý trước khi qua đời.”

Giáo sư Ngô Văn Long
Giáo sư Ngô Văn Long

Nếu không làm nghiên cứu về kinh tế, hẳn không ai hình dung được vai trò của giáo sư Ngô Văn Long. Với phạm vi nghiên cứu trải dài trên nhiều lĩnh vực như kinh tế tài nguyên, môi trường; Lý thuyết thương mại quốc tế, phát triển kinh tế; Lý thuyết tối ưu động (dynamic optimization), lý thuyết trò chơi động (dynamic games) trong kinh tế; Kinh tế vi mô ứng dụng bao gồm tổ chức công nghiệp, các đóng góp khoa học của giáo sư Ngô Văn Long bao phủ từ kinh tế toán, kinh tế lý thuyết đến kinh tế thực nghiệm. Gần đây, giáo sư còn quan tâm về đạo đức (ethics) dưới quan điểm kinh tế học và xã hội học.

Trong một lần chia sẻ về lý do quan tâm đến các phạm vi nghiên cứu rất rộng như vậy, giáo sư Ngô Văn Long từng trả lời một cách sâu sắc “Tôi tin rằng không thể chia nhỏ sự hiểu biết. Vì vậy tôi thường khuyến khích sinh viên phải hoạt động, nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực thay vì chỉ một lĩnh vực đơn thuần. Ví như nếu bạn nghiên cứu về giá dịch vụ của nhà cung cấp qua mạng Internet, rất cần thiết phải am hiểu trò chơi động lực (dynamic games) để phân tích. Tương tự, chúng ta chỉ có thể thấu hiểu chiến lược nguồn lực quốc gia khi đã am hiểu chủ để thúc đẩy thương mại quốc tế. Cũng như việc xem xét tác động thương mại quốc tế đến bất bình đẳng thu nhập ta không thể phớt lờ chủ đề đầu tư vào vốn con người – lý thuyết trò chơi động.”

Trong suốt sự nghiệp, GS Long đã xuất bản tám cuốn sách và hơn 190 bài báo ở trong các tạp chí hàng đầu và nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh tế như Econometrica, the Quarterly Journal of Economics, the Journal of Economic Theory, the International Economic Review, the Economic Journal, Economic Theory, cũng như các tạp chí chuyên ngành hàng đầu như Dynamic Games and Applications, Games and Economic Behavior, Journal of Development Economics, Journal of Economic Behavior and Organization, Journal of Economic Dynamics and Control, Journal of Environmental Economics and Management, Journal of International Economics, Journal of Public Economics và Rand Journal of Economics. Giáo sư đã cộng tác (nghiên cứu chung, viết bài báo chung) với hơn 80 học giả trên toàn cầu.

Nhờ uy tín học thuật của mình, ông giữ vai trò thành viên trong ban biên tập của 16 tạp chí khoa học, trong đó có nhiều tạp chí có ảnh hưởng rất lớn trong kinh tế học như Journal of International Economics, Journal of Environmental Economics and Management, Resource and Energy Economics, Dynamic Games and Applications, European Journal of Political Economy, Journal of Public Economic Theory, và Canadian Journal of Economics.

Mấy ai trong giới hàn lâm trên thế giới, trong lĩnh vực kinh tế, có được một sự nghiệp khoa học như thế này? Năm 2005, Khoa Kinh doanh & Kinh tế của ANU chọn Giáo sư Long là Cựu sinh viên xuất sắc (Distinguished Alumnus). Năm 2010, Khoa Nghệ thuật của Đại học McGill trao Giáo sư giải thưởng cho sự nổi bật trong nghiên cứu. Ngoài ra, Giáo sư còn được mời thỉnh giảng và làm nghiên cứu tại nhiều đại học danh tiếng khắp thế giới, ví dụ như Harvard, Mannheim (Đức), Kobe (Nhật), Toulouse (Pháp), Adelaide và UNSW (Úc), vv.

Không chỉ đóng góp trong môi trường học thuật quốc tế, giáo sư Long rất quan tâm tới giúp đỡ các nhà kinh tế trẻ Việt Nam. Ông đã nhận lời tham gia International Society of Vietnam Economists (ISVE) ngay từ lúc ban đầu với tư cách là Hội viên Sáng lập và Thành viên Ban Quản trị và nhờ uy tín học thuật của ông mà ISVE phát triển tốt. Ông cũng rất nhiều lần về Việt Nam làm diễn giả chính các hội thảo Vietnam Economists Annual Meeting (VEAM). Các học trò cũ và các đồng nghiệp trẻ đã có cơ hội gặp ông đều nhận được sự hỗ trợ của ông và cho biết ông là một nhà giáo dục và cố vấn (mentor) tuyệt vời.

Giáo sư Long sinh năm 1948 tại Huế. Ông đã đạt nhiều thành tựu xuất sắc khi còn đi học, ví dụ như hai giải Trung học toàn miền Nam (Triết và Pháp văn), phần thưởng danh dự toàn trường Quốc Học Huế và đứng đầu danh sách nhận học bổng Colombo Plan đi Úc năm 1967. Tại Úc châu, giáo sư Long tốt nghiệp bằng cử nhân kinh tế với hạng tối danh dự và huy chương đại học La Trobe vào năm 1972, sau đó hoàn thành luận án tiến sĩ ở Đại học Quốc gia Úc (Australian National University) năm 1975, thắng giải thưởng John Crawford cho luận án tiến sĩ xuất nhất của ANU.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, giáo sư Long được ANU bổ nhiệm làm giảng viên và được phong chức giáo sư thực thụ năm 1987. Bắt đầu từ năm 1989, giáo sư nhận lời cộng tác với hai trường, ANU và Đại học McGill (Canada), nhưng sau vài năm giáo sư và gia đình định cư hẳn ở Montreal. Từ năm 2003 cho đến lúc qua đời, giáo sư Long giữ chức vụ James McGill Chair ở Đại học McGill vì các thành quả nghiên cứu của ông.

Trần Nam Bình (Giáo sư UNSW Sydney), học trò của Giáo sư Long tại ANU năm 1977

Lê Văn Cường (Giáo sư danh dự Paris School of Economics, Giám đốc Trung tâm CASED)

Nguyễn Ngọc Anh (Giám đốc Trung tâm DEPOCEN)

*Ghi chú: Bạn đọc có thể tham khảo thêm thông tin về giáo sư Ngô Văn Long tại đây:

https://www.mcgill.ca/economics/people/history/ngo-van-long