Khoảng 12.000 thùng dầu bị đổ ra vùng biển gần Thủ đô Lima của Peru, ngấm vào các hệ sinh thái ven biển của nước này.
Peru đã từng xảy ra nhiều vụ tràn dầu, nhưng chủ yếu xảy ra ngoài khơi bờ biển phía bắc do các tàu chở dầu và trong vùng rừng Amazon
do vỡ đường ống hoặc trục trặc ở các cơ sở xử lý dầu. Vụ tràn dầu lần này là tai nạn gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng nhất, và xảy ra gần thủ đô Lima đông dân cư. Theo các báo cáo, vết dầu loang đã lan ra hơn 20 bãi biển, bao phủ hơn 41 km đường bờ biển Peru. Thiệt hại sẽ đặc biệt nghiêm trọng vì Peru là một quốc gia đánh cá với
một trong những vùng biển năng suất nhất trên hành tinh.
Các đội làm sạch liên tục loại bỏ dầu dọc theo 41 km bờ biển của Peru bị ảnh hưởng bởi sự cố tràn dầu ngày 15/1.
Vụ tràn dầu nghiêm trọng xảy ra ngày 15/1, khi một tàu chở dầu đang bơm dầu thô vào nhà máy lọc dầu gần Lima do công ty dầu mỏ Tây Ban Nha Repsol vận hành. Nhiều ngày sau, Repsol phủ nhận trách nhiệm về sự cố, viện lý do là những con sóng lớn do
vụ phun trào núi lửa Tonga đã hất tung tàu chở dầu. Chính phủ Peru đã đình chỉ hầu hết các hoạt động tại nhà máy lọc dầu để ngăn chặn sự cố tràn dầu trong tương lai và Cơ quan Hàng hải Quốc gia đang điều tra tuyên bố của Repsol rằng sự cố tràn dầu là do các đợt phun trào núi lửa gây ra.
Ngày 28/1, Bộ Môi trường Peru thông báo 11.900 thùng dầu đã bị rò rỉ ra biển - tăng 6.000 thùng so với ước tính ban đầu của Repsol (Repsol sau đó đã tăng ước tính thành 10.400 thùng). Nếu con số của chính phủ chính xác thì sự cố lần này là nghiêm trọng so với bất kỳ sự cố tràn dầu nào từ trước đến nay ở Peru. Để so sánh, từ năm 2009 đến năm 2019, ở Peru có tổng cộng khoảng 9.700 thùng dầu đã bị tràn ra biển, theo ước tính của hãng tin môi trường Mongabay Latam.
Thái Bình Dương (vùng màu trắng), vùng dầu loang (màu vàng), Peru (vùng màu xám)
Nhiều tổ chức khoa học cho biết đến nay vẫn chưa rõ mức độ và phạm vi thiệt hại sẽ lớn đến mức nào. Và các thiệt hại thống kê được ban đầu đã rất nghiêm trọng.
Các nhà chức trách tìm được hơn 190 con chim chết dọc theo bờ biển ngập dầu của Peru.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Biển Peru (IMARPE) đã thu thập mẫu nước, sử dụng máy bay không người lái để theo dõi chuyển động của dầu và ghi lại thiệt hại đối với các hệ sinh thái bị ảnh hưởng, và cho biết có thể các hệ vi sinh vật và mạng lưới thức ăn đã bị thay đổi bởi sự cố này. Cho đến nay, dầu đã xâm nhập vào ba khu bảo tồn biển: Khu bảo tồn Ancón, Đảo Pescadores và Punta Salinas. IMARPE đã bắt đầu sử dụng hai tàu nghiên cứu, một tàu hải dương học để lấy mẫu đáy đại dương và một tàu tuần dương thủy âm để khảo sát cá.
Một số nhà nghiên cứu cho biết động vật hoang dã sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và một số loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng vì môi trường sống bị bao phủ bởi dầu. Một cuộc điều tra nhanh của chính phủ Peru hồi đầu tháng Hai cho thấy vết dầu loang đã bao quanh các đảo và đảo nhỏ, nơi các đàn chim sinh sản và kiếm ăn, đe dọa gần 180.000 con chim, trong đó có các loài đang bị đe dọa, chẳng hạn như chim cánh cụt Humboldt (Spheniscus humboldti).
Các đội dọn dẹp (áo trắng) dọc theo bờ biển Peru bị phủ đen bởi dầu.
Sau sự cố này, Peru cần xem xét các nguồn năng lượng thay thế trong tương lai, vì nước này phụ thuộc vào ngành đánh bắt cá, do đó "cực kỳ vô lý khi tiếp tục các hoạt động khai thác có nguy cơ cao này trong các hệ sinh thái biển", theo Carmen Heck, luật sư môi trường và giám đốc chính sách của tổ chức phi lợi nhuận Oceana Peru ở Lima. Vào năm 2019, hơn 71% năng lượng của Peru đến từ nhiên liệu hóa thạch, so với khoảng 27% từ các nguồn carbon thấp, theo dự án Our World in Data tại Đại học Oxford. Nhưng thay đổi hay không thì sau sự cố lần này, dầu đã ngấm vào các hệ sinh thái ven biển của Peru. “Thiệt hại đã xảy ra,” Zavalaga nói.
Nguồn: