Ở Đông Nam Á, có rất nhiều nữ doanh nhân tạo dấu ấn trong lĩnh vực công nghệ, mang đến những quan điểm mới mẻ và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo. Những người phụ nữ này đang vượt qua ranh giới, vượt qua thách thức và đóng góp đáng kể vào bối cảnh công nghệ đang lên của khu vực.

Từ cuối 2022, các nước ASEAN5 đã bắt đầu kết nối các hệ thống thanh toán QR code của mình với nhau, cho phép người dân tự do thanh toán xuyên biên giới. Ảnh minh họa: iStock
Từ cuối 2022, các nước ASEAN5 đã bắt đầu kết nối các hệ thống thanh toán QR code của mình với nhau, cho phép người dân tự do thanh toán xuyên biên giới. Ảnh minh họa: iStock

Lim Hui Lee, Giám đốc điều hành của Valuing IP

Valuing IP là một công ty về định giá tài sản trí tuệ. Theo Lim Hui Lee, đây là một lĩnh vực phức tạp và các chuyên gia có kiến thức về sở hữu trí tuệ, tài chính, định giá sẽ ưu tiên áp dụng các phương pháp thích hợp trong khi cân nhắc đến tình trạng quyền IP, vòng đời hữu dụng và chi phí cơ hội để ra được giá trị định giá tin cậy của IP.

Ở đây, có rất nhiều nhận thức sai lầm về Giá và Giá trị: Giá của một IP thể hiện số tiền giao dịch để chuyển quyền sở hữu IP giữa người sẵn sàng mua (chủ sở hữu mới) và người sẵn sàng bán (chủ sở hữu IP). Giá trị của IP thể hiện lợi ích kinh tế tiềm năng trong tương lai cho chủ sở hữu IP hoặc người được ủy quyền dùng IP.

Các phương pháp chính để định giá IP bao gồm: cách tiếp cận theo chi phí, cách tiếp cận theo thị trường và cách tiếp cận theo thu nhập. Phương pháp thu nhập là phương pháp thường được sử dụng, trong đó nó tôn trọng IP dựa trên mức thu nhập kinh tế mà nó dự kiến sẽ tạo ra, được điều chỉnh theo giá trị ngày nay của nó. Tuy nhiên, cách tiếp cận thu nhập có thể không phù hợp nếu IP vẫn chưa được thương mại hóa.

Một tài sản vô hình (ví dụ: sáng chế, nhãn hiệu,…) có thể đóng góp về mặt giá trị cho công ty mà hầu hết các doanh nghiệp không nhận ra. Khi nói đến việc xác định giá trị của một doanh nghiệp, đa số giá trị được quy cho tài sản vô hình. Ngày nay, tài sản vô hình ngày càng được công nhận là tài sản kinh doanh quan trọng của công ty, trong đó IP được coi là một tài sản cần thiết chứ không còn là thứ xa xỉ.

Mei Yoke Pak, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của AAT

AAT là một công ty kế toán tại Malaysia. Trong cuộc phỏng vấn gần đây về ChatGPT, Mei Yoke đã chia sẻ suy nghĩ của mình về việc các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI)đã làm gián đoạn công việc trong các ngành công nghiệp truyền thống như kế toán thế nào. Theo chị, AI đã có thể tự động hóa các nhiệm vụ kế toán thông thường và lặp lại. Hầu như tất cả các nhiệm vụ kế toán, bao gồm bảng lương, thuế, theo dõi khoản vay ngân hàng và kiểm toán, đã trở nên tự động. Kế toán và dịch vụ tài chính được dự đoán là một trong những ngành sẽ trải qua mức độ chuyển đổi lớn nhất do học máy, AI và tự động hóa trong thập kỷ tới.

Nhiều giao dịch tài chính không được nhập thủ công bởi các cá nhân mà được quét bởi nhân viên thu ngân tại điểm bán hàng. Việc sử dụng AI có thể cho phép chúng ta phát hiện các hoạt động hoặc sai lệch bất thường. Theo cách thủ công, chúng ta có thể không phát hiện được tất cả các hành vi gian lận hoặc sai sót dọc theo quy trình kế toán. Khi kiểm toán, người ta không thể kiểm tra tất cả dữ liệu tài chính mà phải lấy mẫu. Mẫu càng lớn thì công việc kiểm toán càng toàn diện. Các công cụ AI có thể nâng cao chất lượng kiểm toán, giúp kiểm tra phạm vi mẫu rộng hơn hoặc thậm chí toàn bộ dữ liệu.

Công nghệ sẽ đồng hành cùng các chuyên gia kế toán như một cố vấn đáng tin cậy. Chúng ta có thể sử dụng AI để dự báo và dự đoán xu hướng trong tương lai dựa trên dữ liệu lịch sử. Nhưng AI không thể thay thế kế toán viên. Những người làm kế toán như chúng ta phải lưu tâm đến công nghệ để chuyển đổi và nắm lấy chúng.

TS. Norilmi Amilia Ismail, người sáng lập SpaceIn


SpaceIn là một công ty spin-off từ Đại học Sains Malaysia,hiện đang phát triển các vệ sinh vi mô (có khối lượng dưới 1 kg) để truyền tín hiệu giao tiếp IoT. Theo tiến sĩ Norilmi, công nghiệp vũ trụ ở ASEAN là một ngành công nghiệp mới nổi, đang trở nên quan trọng hơn đối với khu vực này và được hỗ trợ bởi lợi ích của các ứng dụng vệ tinh. Phân khúc hạ nguồn của ngành vũ trụ, bao gồm sử dụng hình ảnh vệ tinh quan sát Trái đất và các ứng dụng định vị GPS từ vệ tinh, có tác động lớn đến việc phát triển nền kinh tế ở các quốc gia ASEAN. (Ví dụ như Grab dùng định vị để xác định các chuyến giao hàng.)

Quy mô của ngành công nghiệp này có thể được ước tính dựa trên việc phân bổ ngân sách vũ trụ của một quốc gia. Tại Malaysia, ngân sách cho việc thu thập hình ảnh vệ tinh là khoảng 5 triệu USD mỗi năm. Thái Lan có ngân sách lớn hơn, ước tính 20 triệu USD, Indonesia 55 triệu USD, Philippines 5 triệu USD và Việt Nam 1 tỷ USD, trong vài năm tới cho vệ tinh quan sát Trái đất. Singapore đang đầu tư 150 triệu USD cho việc nghiên cứu và phát triển các ứng dụng không gian dùng cho những ngành công nghiệp địa phương và trong cuộc sống hằng ngày của người dân.

Các nhà nghiên cứu của SpaceIn đang thử nghiệm sản phẩm. Ảnh: Tech Collective
Các nhà nghiên cứu của SpaceIn đang thử nghiệm sản phẩm. Ảnh: Tech Collective

Bên cạnh ngân sách chi cho lĩnh vực không gian, thị trường cho ngành công nghiệp này cũng có thể được ước tính từ quy mô của các ngành có thể hưởng lợi từ công nghệ không gian. Nông nghiệp là một trong những ngành quan trọng của các nước ASEAN và có thể sử dụng công nghệ vệ tinh để tăng năng suất. Viễn thông cũng cũng có thể được hưởng lợi. Ví dụ đất nước Indonesia trải rộng trên 17.000 hòn đảo, vì vậy việc thiết lập kết nối cáp quang trên biên có thể khá khó khăn và công nghệ vệ tinh sẽ phù hợp hơn với họ. Thị trường truyền thông qua vệ tinh dự kiến sẽ đạt 14,32 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng là 7,1% cho năm năm (2020-2025).

Jessie Chong Hui Yee, Giám đốc điều hành Ascend Group tại Malaysia


Ascend Group sở hữu nhiều công ty con trong lĩnh vực công nghệ tài chính, thương mại điện tử, và dịch vụ điện toán đám mây, hoạt động ở các nước Đông Nam Á. Theo Jessie, COVID-19 đã thay đổi đáng kể hành vi thanh toán trung bình của người dùng Malaysia trong 2-3 năm qua. Số người trưởng thành có tài khoản ngân hàng online đã gia tăng mạnh và có khả năng ngành công nghiệp thanh toán kỹ thuật số tại nước này sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong 12-24 tháng tới hoặc xa hơn nữa.

Thêm vào đó, việc sử dụng điện thoại di động và Internet cũng rất phổ biến và điều này sẽ làm tăng thêm sự dễ dàng sử dụng thanh toán kỹ thuật số trong cộng đồng. Hiện nay, có một sự cạnh tranh rất lớn trong ngành thanh toán kỹ thuật số, không chỉ riêng tại Malaysia mà còn ở các nước Đông Nam Á top đầu khác như Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam.

Một yếu tố quan trọng khác cần xem xét là chính phủ các nước cũng đang tích cực thúc đẩy việc sử dụng thanh toán kỹ thuật số. Điều này sẽ đảm bảo cho sự phát triển của ví điện tử và lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số trong vài năm tới.

Theo Tech Collective SEA

Bài đăng số 1282 (số 10/2024) KH&PT